Cổ phiếu XDC có gì lạ?

Miên Du 02/07/2023 13:20

Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/6, cổ phiếu XDC của Công ty TNHH MTV Xây dựng Công trình Tân Cảng đạt 1.149.800 đồng/cổ phiếu, soán ngôi VNZ trở thành cổ phiếu có mức giá cao nhất Việt Nam. Tại phiên kết thúc tháng 6/2023, VNZ có thị giá 720.000 đồng/cổ phiếu.

Tăng giá gấp 74 lần chỉ sau 7 tháng lên sàn - XDC của doanh nghiệp nào?

Tuy mới phát hành từ 01/12/2022, tính đến hết tháng 6/2023 XDC mới có 7 tháng lên sàn, nhưng XDC đã tăng trần 32 phiên trong 2 tháng qua với mức tăng giá 6.387,8% từ mức 18.000 đồng ngày 4/5/2023 lên mức 1.149.800 đồng/cổ phiếu ngày 30/6, tức là tăng gần gần 64 lần. Nếu so với mức giá 15.322 đồng/cổ phiếu vào thời điểm mới lên sàn cách đây 7 tháng, cổ phiếu này có mức tăng giá 7.418%, tức là gấp 74 lần.

Cổ phiếu XDC gây sự chú ý gần đây với đà tăng giá thần tốc, khối lượng giao dịch trung bình chỉ vài trăm cổ phiếu mỗi phiên và thực tế mới ghi nhận giao dịch tương đối đều đặn trong khoảng 2 tháng gần đây. Trước đó cổ phiếu này gần như không có thanh khoản. Đây là cổ phiếu có thị giá cao nhất trên cả 3 sàn chứng khoán Việt Nam ở thời điểm hiện tại, bỏ rất xa các mã khác.

Mức tăng giá cổ phiếu XDC đạt kỷ lục trong lịch sử 25 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng doanh nghiệp chưa hề công bố thông tin tích cực đáng chú ý nào ra công chúng.

Công ty TNHH một thành viên xây dựng công trình Tân Cảng là doanh nghiệp do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn sở hữu 100% vốn điều lệ. Ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng, sửa chữa công trình; nạo vét cảng sông, cảng biển và cho thuê máy móc, thiết bị cẩu bờ. Địa bàn hoạt động kinh doanh tại các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Vũng Tàu, TP.HCM.

Ngày 21/10/2022, Công ty Xây dựng Công trình Tân Cảng chào bán đấu giá công khai lần đầu ra công chúng gần 3,28 triệu cổ phiếu, tương đương 36% vốn điều lệ với giá khởi điểm 15.322 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị huy động hơn 50 tỷ đồng. Tại thời điểm bắt đầu chào bán, chỉ có 3 nhà đầu tư đăng ký mua 8.200 cổ phiếu với giá trung bình 15.502 đồng/cổ phiếu.

Đến ngày 1/12/2022, 8.200 cổ phiếu XDC được đấu giá thành công trên thị trường UPCoM, giá chào sàn 15.500 đồng/cổ phiếu, trong khi vốn điều lệ của Công ty là 90 tỷ đồng.

Trong 4 năm vừa qua, tình hình kinh doanh của XDC không khả quan, doanh thu và lợi nhuận cùng đi lùi. Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, năm 2022, doanh thu XDC đạt 279 tỷ đồng, giảm 15% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 8 tỷ đồng, giảm 9%.

Cơ cấu cổ đông của XDC cũng chưa rõ do Công ty TNHH một thành viên xây dựng công trình Tân Cảng chưa chuyển đổi thành loại hình công ty cổ phần. Dù vậy, việc cổ phiếu XDC tăng giá có thể giúp vốn hóa của doanh nghiệp này tăng vọt. Và nếu vẫn với 9 triệu cổ phần, vốn hóa của XDC đã lên tới 9.000 tỷ đồng.

Lịch sử giao dịch "không giống ai"

Cổ phiếu XDC lên sàn ngày 01/12/2022 với thị giá là 15.150 đồng/cổ phiếu. Tại phiên giao dịch đầu tiên, XDC tăng giá 8,23% lên 16.100 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch chỉ 400 cổ phiếu. Các phiên giao dịch tiếp theo vào 2 & 5/12/2022, XDC tăng tối đa biên độ, lên lần lượt 19.300 đồng cổ phiếu, khối lượng giao dịch 200 cổ phiếu và 22.100 đồng/cổ phiếu, khối lượng 100 cổ phiếu.

Sau đó XDC có 10 phiên liên tục không hoạt động và thị giá dừng ở tham chiếu, rồi đến 3 phiên giảm sàn liên tiếp 20 - 22/12/2022 với khối lượng giao dịch lần lượt là 100, 300 và 3000 cổ phiếu. Chuỗi ngày ngừng giao dịch của XDC lại tiếp nối từ 28/12/2022 đến 17/1/2023. Sau phiên tăng trần18/1/2023, XDC thêm một chuỗi dài không giao dịch kéo từ 27/1 - 22/2, rồi lại ngừng giao dịch từ 24/2/2023 đến hết 10/4/2023. Phiên 11/4/2023 cổ phiếu XDC tăng 5.400 đồng, tương đương tăng 40% lên mức 18.900 đồng/cổ phiếu với số lượng cổ phiếu giao dịch là 200. Giữa chuỗi không giao dịch kéo từ 14/4 đến 5/5/2023, XDC có 2 phiên tăng trần vào 24 và 25/4. Chuỗi giao dịch gần như liên tục trên sàn chứng khoán của XDC chỉ thực sự bắt đầu từ 8/5/2023 với 29 phiên tăng trần và 11 phiên không giao dịch.

Như vậy, kể từ khi bắt đầu lên sàn, XDC đã có 6 phiên giảm sàn, 3 phiên biên độ giao dịch không cực đoan, 79 phiên không giao dịch và 35 phiên tăng trần, trong đó có phiên 11/4/2023 tăng cá biệt tới 40%. Nguyên nhân của việc tăng 40% này là theo quy định về giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCOM tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, đối với cổ phiếu đang giao dịch, biên độ dao động giá trong ngày giao dịch là ± 15% so với giá tham chiếu. Đối với cổ phiếu mới đăng ký trong ngày giao dịch đầu tiên và cổ phiếu không có giao dịch 25 phiên liên tiếp, trong ngày đầu tiên giao dịch trở lại, biên độ dao động giá được áp dụng là ± 40% so với giá tham chiếu. Trước XDC cũng đã có một số cổ phiếu cô đặc như NBS, SNC...có tình trạng giá tương tự.

"Nhà đầu tư của năm" kiếm bộn tiền nhờ sở hữu 500 cổ phiếu XDC

Nhờ đà tăng của giá cổ phiếu XDC, cổ đông Đỗ Phú Đạt đang trở thành nhà đầu tư thành công bậc nhất trên thị trường. Cụ thể, sau khi giao dịch UPCoM, Công ty công bố thông tin ông Đỗ Phú Đạt thực hiện giao dịch mua 500 cổ phiếu XDC, chiếm tỷ lệ 6,1% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, trở thành cổ đông lớn của Công ty kể từ ngày 25/4/2023.

Sau đó vào cuối tháng 5, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có thông báo đính chính về việc ông Đỗ Phú Đạt trở thành cổ đông lớn Công ty TNHH một thành viên Xây dựng Công trình Tân Cảng. Theo đó, ông Đỗ Phú Đạt đã sở hữu 500 cổ phiếu trước khi thực hiện giao dịch. Tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ chưa xác định được do Công ty TNHH MTV Xây dựng Công trình Tân Cảng chưa chuyển đổi thành loại hình công ty cổ phần.

Với thị giá XDC lúc đặt mua là 18.000 đồng/cổ phiếu, ông Đỗ Phú Đạt đã chi số tiền khoảng 9 triệu đồng cho 500 cổ phiếu XDC. Như vậy, chỉ sau 2 tháng, với mức giá 767.100 đồng/cổ phiếu hiện tại, khoản đầu tư này đã tăng giá lên 383,55 triệu đồng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng, XDC là dạng cổ phiếu không có thanh khoản, “hàng hóa” ngoài đại chúng gần như không có. Việc giá tăng giảm khó kiểm soát, chỉ cần cổ đông “đảo tay” vài trăm cổ phần là thị giá tăng trần.

Còn ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Kiến Thiết CSI cho rằng, “Cái này gọi là tạo thanh khoản và giữ cổ phiếu trong một thời gian dài”, trong một số trường hợp giá cổ phiếu được đẩy lên để giúp làm tài sản thế chấp vay. Như vậy, giá cổ phiếu được neo không phải do cung cầu tự nhiên, mà chỉ là trao đổi giữa “tay trái và tay phải” với nhau.

Từ năm 2022 đến nay, cơ quan chức năng xử lý nhiều vụ thao túng thị trường chứng khoán. Những cổ phiếu trong các vụ án này giá tăng giảm vài chục lần trong khoảng thời gian ngắn và nhiều trong số đó được tung hô trên mạng xã hội cho dù doanh nghiệp làm ăn bết bát, thậm chí thua lỗ.

Gần đây nhất là vụ án thao túng tại nhóm cổ phiếu “họ APEC” với ông Nguyễn Đỗ Lăng, Tổng Giám đốc CTCP chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS) vừa bị khởi tố, bắt tạm giam. Trước đó là vụ thao túng tại "nhà Louis" của Đỗ Thành Nhân; "họ FLC" của Trịnh Văn Quyết; hay vụ Công ty MTM khi nguyên Chủ tịch Trần Hữu Tiệp bị xử tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện nay không còn một cổ phiếu nào thuộc "họ FLC" được niêm yết trên sàn chứng khoán, còn các mã "nhà Louis" đang chật vật vượt sóng gió khi chủ tịch bị bắt./.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cổ phiếu XDC có gì lạ?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO