Cổ phiếu PVC mất hơn 45% thị giá, PVChem "quay xe" rút hồ sơ tăng vốn

Cập nhật: 17:13 | 11/03/2023 Theo dõi KTCK trên

Trước đó, PVChem dự kiến triển khai phương án phát hành tăng vốn điều lệ năm 2022-2023 thông qua phát hành mới 50 triệu cổ phiếu (tương đương số cổ phiếu hiện hành).

Mới đây, HĐQT Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí - Công ty CP (PVChem, HNX: PVC) đã thông qua việc rút hồ sơ phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ năm 2022-2023 đã nộp UBCKNN.

Cổ phiếu PVC mất hơn 45% thị giá, PVChem
Cổ phiếu PVC đã bốc hơi 45% thị giá sau 1 năm.

PVChem cho biết, quyết định rút hồ sơ phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ đã được duyệt ngày 27/06/2022 do Công ty phải cập nhật và hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của các cơ quan chức năng. HĐQT PVC sẽ quyết định thời điểm tiếp tục triển khai trong năm 2023, sau ĐHĐCĐ thường niên.

Trước đó, PVChem dự kiến triển khai phương án phát hành tăng vốn điều lệ năm 2022-2023 thông qua phát hành mới 50 triệu cổ phiếu (tương đương số cổ phiếu hiện hành).

Trong đó, Công ty sẽ phát hành 10 triệu cổ phiếu thưởng từ nguồn quỹ đầu tư phát triển; 40 triệu cổ phiếu còn lại sẽ được chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023 sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Theo kế hoạch, tổng số tiền dự kiến thu được là 400 tỷ đồng sẽ được PVChem sử dụng để góp vốn thành lập công ty con, công ty liên kết và bổ sung vốn cho các công ty con theo phương án phân bổ cụ thể.

Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của PVChem sẽ tăng từ 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng - tương ứng 100 triệu cổ phiếu giao dịch.

Cổ phiếu PVC mất hơn 45% thị giá, PVChem
Nguồn: PVChem

​Về kết quả kinh doanh năm 2022, tổng doanh thu PVChem ước đạt 2.820 tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch. Tổng lợi nhuận trước thuế ước 39 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2021. Nộp Ngân sách Nhà nước ước 120 tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch.

Năm 2023, với đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh là cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho các hoạt động khoan, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, nên dự kiến PVChem sẽ tiếp tục gặp nhiều thử thách do giá logistics, nguyên liệu, hoá chất đầu vào tăng, biến động bất lợi của tỷ giá và lãi suất, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường.

PVChem đặt mục tiêu doanh thu khoảng 2.500 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 42 tỷ đồng trong năm 2023, lần lượt giảm 11% và tăng 8% so với kết quả ước tính năm 2022. Nộp ngân sách nhà nước khoảng 110 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên 10/3, cổ phiếu PVC giảm 1,9% về còn 15.800 đồng/cp, tương ứng đã bốc hơi 45% thị giá sau 1 năm.

Cổ phiếu PVC mất hơn 45% thị giá, PVChem
Diễn biến giá cổ phiếu PVC tính từ đầu năm 2023 đến nay (Nguồn: TradingView)

Triển vọng dầu khí năm 2023

Trong Báo cáo Triển vọng Ngành quý I năm 2023 mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) giữ vững quan điểm khả quan đối với ngành dầu khí do giá dầu thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao do nguồn cung vẫn đang bị thắt chặt, và dự báo đạt trung bình 90 USD/thùng trong năm 2023; đơn giá các sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp dầu khí trong năm 2023 được cải thiện; và một số dự án dầu khí sẽ sớm có quyết định đầu tư trong thời gian tới, giúp cải thiện nguồn công việc cho một số doanh nghiệp thượng nguồn.

Cổ phiếu PVC mất hơn 45% thị giá, PVChem

Với nhóm thượng nguồn ngành dầu khí, BSC đưa ra quan điểm khả quan đối với các cổ phiếu của doanh nghiệp có giá dịch vụ dàn khoan ký mới/gia hạn cùng hiệu suất được cải thiện và có tiềm năng từ các dự án mới trong thời gian tới sẽ đem lại nguồn công việc lớn.

Cụ thể, BIDV kỳ vọng dự án Lô B – Ô Môn được thực hiện trong thời gian tới sẽ đem lại nguồn công việc lớn cho các doanh nghiệp thượng nguồn và trung nguồn dầu khí trong giai đoạn sắp tới.

Với nhóm trung nguồn, Chứng khoán BIDV khuyến nghị khả quan đối với những doanh nghiệp có kỳ vọng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi được cải thiện trong thời gian tới, nhờ giá cước vận tải ký mới tăng.

Với nhóm hạ nguồn, công ty chứng khoán này khuyến nghị khả quan đối với các doanh nghiệp phân phối xăng dầu có mức nền thấp của năm 2022, cùng với kỳ vọng biến động giá dầu thế giới trong năm 2023 sẽ có phần ổn định hơn, cùng nguồn cung từ các nhà máy lọc dầu trong nước được cải thiện sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận.

Với Chứng khoán SSI, các chuyên gia từ công ty này đánh giá ngành khoan dầu có thể được hưởng lợi từ nhu cầu khoan tăng lên ở khu vực APAC và Trung Đông, giúp triển vọng tốt hơn cho giá thuê ngày. Nhu cầu chính đến từ các thị trường quốc tế như Indonesia, Malaysia và Trung Đông. Tại Đông Nam Á, tổng tỉ lệ sử dụng giàn khoan JU trên thị trường đạt 90% vào tháng 8.2022. Giá thuê theo ngày ổn định ở mức khoảng 90.000USD/ngày trong 3 tháng qua, một số hợp đồng còn ghi nhận mức giá thuê 100.000USD/ngày, theo IHS Markit. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015 giá thuê ngày ghi nhận mức cao như vậy.

Một trong những lý do chính cho diễn biến tích cực như vậy trong ngành khoan xuất phát từ sự thay đổi gần đây trong triển vọng năng lượng toàn cầu. Trong những năm trước, giá dầu thấp và xu hướng trung hòa carbon dẫn đến việc nhiều khu vực hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng gần đây ở Châu Âu do xung đột Nga - Ukraina gây ra đã mang lại triển vọng tích cực hơn cho nhiên liệu hóa thạch.

Trong báo cáo triển vọng dầu gần đây nhất, OPEC dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 10 triệu thùng/ngày lên 107 triệu thùng/ngày vào năm 2027. Phần lớn tăng trưởng đến từ các khu vực ngoài OECD. Do vậy, chúng tôi nhận thấy nhu cầu dồi dào đối với giàn khoan tự nâng ở Trung Đông khi các công ty lớn như Saudi Aramco và ADNOC có kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất.

Bên cạnh đó, hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) của Việt Nam trong những năm tới có thể được hỗ trợ bởi Luật Dầu khí sửa đổi.

Những thay đổi chính bao gồm: Thứ nhất, chính sách thuế thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong các dự án thăm dò.

Thứ hai, cho phép khai thác các mỏ dầu gần hết tuổi thọ và không còn hiệu quả kinh tế. Điều này cho thấy PVN có thể tiếp tục phát triển và khai thác các mỏ hiện có để khai thác hết lượng dầu còn lại (trước đây đã bị bỏ hoang vì lý do kinh tế) dẫn đến nhu cầu lớn hơn cho các hoạt động xây dựng và phát triển.

Thứ ba, kéo dài thời gian thực hiện dự án và quá trình thăm dò thêm 5 năm.

Thứ tư, tách biệt vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành nhà quản lý dự án và nhà đầu tư, qua đó rút ngắn quy trình phê duyệt dự án. Những yếu tố trên sẽ thu hút thêm đầu tư (đặc biệt là đầu tư nước ngoài) vào lĩnh vực dầu khí Việt Nam, giúp tạo thêm cơ hội cho các công ty thượng nguồn trong dài hạn.

Gemadept (GMD) bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 125 triệu đồng

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Gemadept ...

MSN bất ngờ "hóa trụ chính" kéo VN-Index vượt mốc 1.050 điểm tuần qua

Trụ kéo chính của thị trường trong tuần qua là MSN khi mang về cho VN-Index gần 3 điểm dù trước đó cổ phiếu này ...

VDSC: Tăng trưởng lợi nhuận của VietinBank có thể giảm tốc trong năm 2023

Trong báo cáo cập nhật mới đây về Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng tăng trưởng ...

Nhật Hải