Cổ phiếu phân bón nằm vùng giá thấp, đã đến lúc "xuống tiền"?

Cập nhật: 06:45 | 30/03/2023 Theo dõi KTCK trên

Về triển vọng các doanh nghiệp phân bón, đa số các công ty chứng khoán đều nhận định việc kinh doanh sẽ gặp rất nhiều trở ngại do giá các loại vật tư nông nghiệp hiện vẫn đang duy trì ở mức cao so với thời điểm trước COVID-19, trong bối cảnh cầu tiêu thụ suy yếu...

Kết quả kinh doanh có sự phân hóa

Quý IV/2022, Tổng Công ty CP Phân bón và Hoá chất dầu khí (DPM) ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.899 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2021. Biên lợi nhuận gộp có diễn biến kém tích cực hơn, giảm 4,61 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm, bằng đẩy mạnh xuất khẩu, đã giúp cho biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức 42%, cao nhất trong 5 năm trở lại. Tính đến hết năm 2022, lợi nhuận sau thuế của DPM đạt 5.586 tỷ đồng (tăng 79,2%).

Cổ phiếu phân bón nằm vùng giá thấp, đã đến lúc
Nhận định về triển vọng các doanh nghiệp phân bón, đa số các công ty chứng khoán đều nhận định việc kinh doanh sẽ gặp rất nhiều trở ngại

Còn đối với Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM), doanh thu năm 2022 của doanh nghiệp này đạt xấp xỉ 16.000 tỷ đồng (tăng 62%), lợi nhuận sau thuế hơn 4.315 tỷ đồng (gấp 2,3 lần năm 2021). Riêng quý IV, doanh thu đạt 4.458 tỷ đồng (tăng 14%), lợi nhuận sau thuế tăng 37,5% so với quý liền trước, nhưng vẫn giảm 34% so với đỉnh lợi nhuận thiết lập đầu năm.

Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), mặc dù phần lớn các doanh nghiệp đều hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, kết quả kinh doanh giữa các doanh nghiệp vốn hoá lớn và vốn hoá vừa và nhỏ có sự phân hoá tương đối rõ rệt. Nguyên do là có sự khác biệt về chất lượng sản phẩm và năng lực xuất khẩu.

Như vậy, ngoại trừ Công ty CP Phân lân Ninh Bình (NFC) vẫn duy trì được đà tăng trưởng doanh thu, các doanh nghiệp sản xuất phân lân và NPK có kết quả kinh doanh tương đối khiêm tốn (trung bình ở mức 10%), thậm chí tăng trưởng âm như Công ty CP Phân bón Miền Nam (SFG).

Triển vọng không thực sự rõ ràng

Nhận định về triển vọng kinh doanh của nhóm doanh nghiệp phân bón đang niêm yết, các chuyên gia KBSV đưa ra 2 yếu tố. Đầu tiên là yếu tố thời tiết trong nửa đầu năm 2023 được dự báo sẽ thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp. Hiện tượng La Nina, dù đang có xu hướng yếu đi, sẽ tiếp tục kéo dài trong vài tháng tới trước khi bước vào giai đoạn trung tính và giúp cho lượng mưa tại khu vực đồng bằng Bắc bộ cao hơn từ 5-10%, khu vực Nam bộ cao hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm.

Thế nhưng, phía ngược lại, yếu tố thứ 2 là thị trường tiêu thụ lại không ủng hộ ngành phân bón. Cụ thể, trước những biến động do tình hình chính trị bất ổn trên thế giới cộng với nhu cầu tiêu thụ suy yếu do tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt, việc kinh doanh và xuất khẩu các mặt hàng nông sản được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo dự phóng của Bloomberg, giá ngô, đậu nành và gạo được dự báo giảm lần lượt 6,8%, 11,8% và 8,7% trong năm nay, trước khi tiếp tục xu hướng giảm trong giai đoạn 2024-2026. Trong khi đó, giá lúa mỳ sẽ vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao trước dự báo thu hoạch lúa mỳ tiếp tục giảm trên 50% so với 2022 do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukarine.

Ngoài 2 yếu tố trên, theo KBSV, việc kinh doanh phân bón theo đó cũng sẽ gặp rất nhiều trở ngại do giá các loại vật tư nông nghiệp hiện vẫn đang duy trì ở mức cao so với thời điểm trước Covid-19 trong bối cảnh cầu tiêu thụ suy yếu.

Mặc dù giá phân Ure và DAP đã giảm lần lượt 65% và 38% từ vùng đỉnh thiết lập hồi tháng 4/2022, giá các mặt hàng phân bón hiện vẫn đang cao hơn từ 30-60% so với mặt bằng giá giai đoạn 2018-2019.

Như vậy, trong bối cảnh nguồn cung có xu hướng gia tăng trở lại sau khi Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu, giá các phân bón được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong năm 2023 trước khi thiết lập một mặt bằng giá cân bằng hơn.

Với Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), dự báo các doanh nghiệp phân bón sẽ đối mặt với áp lực tăng trưởng âm do nền so sánh cao trong năm 2022. BSC cho rằng giá urê năm 2023 sẽ chịu áp lực giảm do nguồn cung tăng đến từ việc Trung Quốc nới lỏng xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu urê từ Ấn Độ giảm do quốc gia này tăng cường sản xuất urê nội địa. Sau cùng, biên lợi nhuận các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có thể sẽ thu hẹp so với mức nền cao của 2022.

Trung tâm Phân tích chứng khoán SSI - SSI Research cũng có góc nhìn không khả quan đối với ngành phân bón trong năm nay. Đơn vị phân tích nhận định giá dầu có xu hướng giảm và sản lượng xuất khẩu ure toàn cầu có thể tăng khi Nga, Trung Quốc nới lỏng xuất khẩu, gây áp lực giảm giá ure và lợi nhuận trong năm 2023.

Cổ phiếu trên sàn khó bứt phá

Tính đến thời điểm cuối tháng 2, đã có 3 doanh nghiệp sản xuất phân bón công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 là DPM, DCM và Công ty CP Phân bón Bình Điền (BFC). Trước diễn biến ảm đạm và triển vọng kém tích cực của giá phân bón, các doanh nghiệp trên đều đặt kế hoạch với doanh thu đi lùi sau 1 năm bùng nổ.

Cụ thể, trong năm 2023, DPM đặt kế hoạch 17.372 tỷ đồng doanh thu và 2.250 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt 6,7% và 59,7% so với cùng kỳ. Tương tự, DCM đặt mục tiêu 13.458 tỷ đồng doanh thu và 1.383 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2023, tương đương với mức giảm 15,5% và 67,6%.

Còn đối với BFC, kế hoạch kinh doanh có phần tích cực hơn so với các doanh nghiệp phân đạm với doanh thu giảm 12,9% về mức 7.476 tỷ đồng, nhưng mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 23%.

Sau khi trải qua 2 nhịp điều chỉnh sâu vào tháng 7 và tháng 9 năm ngoái, hệ số P/E của các doanh nghiệp phân đạm hiện đã rơi về vùng định giá tương đối thấp, như: DPM (2,4x) và DCM (3x). So với trung bình ngành là 5,6x, trong khi các doanh nghiệp phân bón có vốn hoá vừa và nhỏ vẫn đang ở mức tương đối cao như NFC (8x) và BFC (7,3x).

Theo KBSV, mức giá hiện tại của DPM và DCM được giao dịch ở mức phù hợp sau khi đánh giá triển vọng ngành phân bón nói chung và tăng trưởng lợi nhuận của từng doanh nghiệp nói riêng. Do đó, KBSV đưa ra đánh giá trung lập đối với triển vọng của cổ phiếu ngành phân bón trong năm 2023.

Xây dựng Hòa Bình (HBC) lại bị HOSE nhắc nhở vì vi phạm quy định

Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) vừa có công văn nhắc nhở Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) nghiêm ...

Nhận định chứng khoán ngày 30/3/2023: VN-Index tiếp tục rung lắc

VN-Index dao động trong biên độ hẹp và đóng cửa tại 1.056,33 điểm. Theo nhận định, trong phiên giao dịch 30/3, VN-Index khả năng cao ...

Nhận định chứng khoán ngày 30/3/2023: Xu hướng thị trường phái sinh

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 30/3/2023. Tạp ...

Nhật Hải

Tin liên quan