Cổ phiếu phân bón - hóa chất "manh nha" xuất hiện rủi ro

Cập nhật: 10:19 | 07/08/2022 Theo dõi KTCK trên

SSI Research dự báo, giá ure sẽ tiếp tục giảm trong quý III do đây là mùa thấp điểm của ngành trồng trọt. Đồng thời, khuyến nghị giảm tỷ trọng đối với nhóm cổ phiếu ngành này vì cho rằng tăng trưởng lợi nhuận đã đạt đỉnh.

Lợi nhuận doanh nghiệp giảm tốc

Theo một số doanh nghiệp phân bón, giá DAP vẫn đang đi ngang, nhờ đó, doanh nghiệp phân bón vẫn tăng trưởng tích cực trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm trước, do lợi nhuận của nhóm phân bón theo sát diễn biến giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, tính từ mức đỉnh thiết lập trong quý I, mặt bằng giá phân ure trong nước đã giảm 10% xuống mức 15.500-16.000 đồng/kg, bởi ảnh hưởng từ giá phân ure thế giới giảm. Vì vậy, kết quả kinh doanh của nhóm kinh doanh phân ure trong quý II có xu hướng đi lùi.

Cổ phiếu phân bón - hóa chất
Cổ phiếu hóa chất - phân bón "manh nha" xuất hiện rủi ro

Điển hình như Đạm Cà Mau (DCM) ghi nhận doanh thu thuần gần 4.084 tỷ đồng, tăng 73%; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 1.039 tỷ đồng, tăng hơn 247% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với quý I trước đó, doanh thu thuần gần như đi ngang, còn lợi nhuận sau thuế giảm 31,5%.

Một doanh nghiệp đầu ngành khác là Đạm Phú Mỹ (DPM) cũng công bố doanh thu thuần đạt 5.013 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 1.279 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ, nhưng lần lượt giảm 14% và 40,3% so với quý I.

Tương tự, Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) thông báo lãi sau thuế 478 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với con số lỗ 160 tỷ cùng kỳ năm trước nhưng vẫn thấp hơn 45% so với quý I.

Đáng chú ý, Phân bón Bình Điền (BFC) cho biết cả doanh thu và lợi nhuận đều đi lùi so với cùng kỳ và quý I. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 75 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ và giảm 12,6% so với quý I; doanh thu thuần đạt 1.805,3 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ và giảm 30,4% so với quý I.

Ngược chiều, lợi nhuận của các đơn vị kinh doanh phân DAP vẫn tiếp tục đà tăng trưởng như Hoá chất Đức Giang (DGC) báo lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.783 tỷ đồng, gấp 5,5 lần cùng kỳ - mức lợi nhuận lớn nhất theo quý của công ty. Trong đó, doanh thu các mặt hàng phân bón tăng 62,8%.

Tuy nhiên, trước lo lắng giá phân bón trên thế giới cũng như trong nước bắt đầu hạ nhiệt, “ông lớn” ngành hóa chất này dự kiến lợi nhuận quý III giảm khoảng 16% so với quý II.

Cổ phiếu phân bón - hóa chất

DAP-Vinachem (DDV) cũng phá đỉnh lợi nhuận trong quý II với lãi sau thuế là 156,4 tỷ đồng, tăng 186,5% so với cùng kỳ và tăng 14,5% so với quý trước; doanh thu đạt 858 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dù biên lợi nhuận gộp ở mức 21,2%, cao hơn mức 12,9% của cùng kỳ nhưng chỉ tương đương quý I.

Thực tế, lợi nhuận của nhóm ngành phân bón đã được nhiều công ty chứng khoán dự báo trước do ảnh hưởng từ giá ure có thể giảm mạnh từ tháng 6 trở đi khi Trung Quốc dần nới lỏng chính sách xuất khẩu và vấn đề thiếu than dần được khắc phục.

“Lợi nhuận Đạm Phú Mỹ sẽ đạt đỉnh trong quý I, sau đó giảm dần từ quý II và III”, SSI Research từng dự báo. Theo đó, triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết dường như được phản ánh vào giá cổ phiếu, khiến nhiều mã đã quay đầu điều chỉnh sau giai đoạn tăng mạnh trước đó.

Cổ phiếu trên sàn "manh nha" xuất hiện rủi ro

Tính từ đầu tháng 6 đến chốt phiên ngày 5/8, cổ phiếu DPM giảm hơn 29%, DCM giảm hơn 25%, DGC giảm 22%, BFC giảm 28%, DDV giảm hơn 16%...

Đánh giá về triển vọng cổ phiếu của doanh nghiệp phân bón trong thời gian tới, hầu hết các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nguồn cung phân bón thế giới thiếu hụt, các doanh nghiệp phân bón nội địa có thể tận dụng thời cơ gia tăng sản lượng sản xuất trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Do đó, nhóm ngành này có thể còn nhiều dư địa tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm nay.

Tuy nhiên, lo ngại giá phân bón tăng phi mã, Bộ Công Thương đã chỉ đạo tăng dự trữ phân bón để đảm bảo nguồn cung ứng không bị đứt gãy. Đồng thời, đề xuất các biện pháp đối phó với tình trạng tăng giá và yêu cầu các doanh nghiệp trong ngành không đầu cơ tích trữ.

Hơn nữa, để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, đồng thời đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh gian lận, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm tại biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón. Nếu áp thuế xuất khẩu 5%, lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Vì vậy, khả năng cao giá phân bón sẽ tiếp tục hạ nhiệt tới cuối năm 2022 và kéo dài sang năm 2023 trước khi hình thành mặt bằng giá mới.

Trong đó, giá bán của các sản phẩm phân DAP vẫn được duy trì cao, do chi phí đầu vào sản xuất phân DAP là quặng apatit và lưu huỳnh, trong đó quặng apatit sẽ có xu hướng neo giá cao. Tuy nhiên, giá ure được nhận định trái chiều.

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) duy trì quan điểm rằng ngành ure toàn cầu sẽ trong tình trạng thiếu cung trong năm 2022. Trung Quốc và Nga tiếp tục hạn chế xuất khẩu ure, nguồn cung ure châu Âu thấp hơn, triển vọng nhu cầu phục hồi trong năm 2022 và chi phí đầu vào tăng.

Trong khi đó, Chứng khoán KBSV dự kiến trong nửa cuối năm 2022, giá phân ure có thể tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh mạnh khi Trung Quốc nới lỏng chính sách xuất khẩu.

Tương tự, SSI Research dự báo, giá ure sẽ tiếp tục giảm trong quý III do đây là mùa thấp điểm của ngành trồng trọt. Đồng thời, khuyến nghị giảm tỷ trọng đối với nhóm cổ phiếu ngành này vì cho rằng tăng trưởng lợi nhuận đã đạt đỉnh.

Mặt khác, SSI Research vẫn kỳ vọng giá ure sẽ tăng trở lại vào quý IV khi vụ đông xuân bắt đầu, mặc dù khó quay trở lại mức đỉnh được thiết lập vào tháng 3/2022, trừ khi giá nguyên liệu ure (khí, than) phục hồi trở lại.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều sau báo cáo việc làm

Chứng khoán Mỹ chốt phiên giao dịch cuối tuần trái chiều sau khi báo cáo việc làm tháng 7 tốt hơn dự báo được công ...

Nhìn lại khuyến nghị cổ phiếu của các công ty chứng khoán tuần từ 1-5/8/2022

Thị trường có tuần hồi phục thứ tư liên tiếp với mức tăng khá tốt, qua đó giúp VN-Index kết tuần trên ngưỡng 1.250 điểm. ...

Tự doanh tiếp đà gom 140 tỷ đồng phiên cuối tuần 5/8, tâm điểm MSN cùng NVL

Phiên giao dịch cuối tuần, tự doanh các công ty chứng khoán tiếp đà mua ròng 140,1 tỷ đồng tổng cổ phiếu trên thị trường ...

Nguyên Nam

Tin liên quan