Cổ phiếu nguy cơ hủy niêm yết, Nhựa Đà Nẵng "cứu" bằng cách nào?

Cập nhật: 09:32 | 02/04/2024 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Nhựa Đà Nẵng (HNX: DPC) vừa có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội trước nguy cơ cổ phiếu bị hủy niêm yết.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Nhựa Đà Nẵng vừa phản hồi về việc cổ phiếu DPC có khả năng bị hủy niêm yết theo quy định. Trước đó, Công ty nhận được thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, cho biết cổ phiếu DPC đang bị xem xét tiến hành hủy bỏ niêm yết bắt buộc do có tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp.

Trong công văn phản hồi, Nhựa Đà Nẵng cho biết, số lỗ lũy kế tại báo cáo tài chính kiểm toán 2023 của Công ty là 23,9 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp là 22,2 tỷ đồng. Đây là nguyên do cổ phiếu DPC khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc.

Để xử lý vấn đề này, Nhựa Đà Nẵng cho biết, Công ty sẽ bù trừ phần tổng số lỗ lũy kế đang lỗ (23,9 tỷ đồng) từ nguồn quỹ đầu tư phát triển (26,4 tỷ đồng) để phần lỗ lũy kế không vượt quá vốn điều lệ. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Kế toán đối với công ty cổ phần, các bút toàn này phải được ĐHCĐ biểu quyết thông qua.

Do đó, Nhựa Đà Nẵng báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội xin được ‘khất’ đến sau ĐHCĐ thường niên 2024 (dự kiến ngày 26/4/2024).

“Sau khi trình ĐHCĐ thường niên 2024 biểu quyết thông qua, chúng tôi sẽ thực hiện bút toán để điều chỉnh tổng số lỗ lũy kế không vượt quá vốn điều lệ phù hợp với quy định. Rất mong Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có hướng dẫn, giúp đỡ để công ty chúng tôi hoàn thành tốt nghĩa vụ niêm yết”, Nhựa Đà Nẵng khẩn thiết.

Nhựa Đà Nẵng nêu hướng xử lý để 'cứu' cổ phiếu PDC
Nhựa Đà Nẵng nêu hướng xử lý để 'cứu' cổ phiếu PDC

Trước đó ít ngày, ông Hải cũng đã ký một công văn khác để giải trình và báo cáo tình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo. ông Hải cho biết, năm 2023 Công ty đã hết sức cố gắng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh công tác bán hàng, phát triển thị trường và thực hiện thêm các hoạt động khác nhằm khắc phục tình trạng lỗ của Công ty.

Tuy vậy, do đủ thứ khó khăn nên kết quả kinh doanh của Nhựa Đà Nẵng vẫn ảm đạm, lỗ ngày càng lỗ. Ông Hải vẫn khẳng định “Công ty vẫn sẽ tiếp tục tìm các giải pháp, kế hoạch để cải thiện doanh số, tìm kiếm lợi nhuận trong năm 2024”.

Được biết, ngày 10/6/2009, hơn 2,2 triệu cổ phiếu DPC chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên đạt 17.600 đồng/cp.

Cổ đông lớn của Công ty là Công ty CP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) sở hữu 29,05% vốn điều lệ (BMP ghi nhận đầu tư vào công ty liên kết Nhựa Đà Nẵng); bà Nguyễn Thị Phương Lan sở hữu 20,57% vốn điều lệ; Công ty TNHH Đầu tư Sao tháng năm sở hữu 5,14% vốn điều lệ và còn lại 45,24% thuộc về nhóm cổ đông khác.

Trong số các khoản vay tài chính ngắn và dài hạn của DPC, Công ty có khoản vay Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh với tổng giá trị 20 tỷ đồng, thời hạn vay từ tháng 4/2022 tới tháng 4/2027 với lãi suất 0,45%/tháng.

Một chủ nợ khác của DPC là Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng với tổng số nợ 25,3 tỷ đồng, lãi suất vay từ 6,43% - 7,39%/năm.

Doanh nghiệp chiếu xạ có cổ phiếu sắp rời sàn HOSE kinh doanh ra sao?

Trong năm 2023, Chiếu xạ An Phú báo lỗ sau thuế 35,6 tỷ đồng. Đây là năm thứ ba liên tiếp Chiếu xạ An Phú ...

Lỗ vượt vốn điều lệ, thị giá "chia 3", một cổ phiếu ngành nhựa có nguy cơ bị hủy niêm yết

Với lượng cổ phiếu lưu hành thấp, khối lượng giao dịch của cổ phiếu này cũng tương đối nhỏ, nhiều phiên trắng thanh khoản...

Thép Pomina (POM) đối mặt nguy cơ bị hủy niêm yết

Thép Pomina một lần nữa chậm nộp báo cáo kiểm toán năm 2023, việc này có thể dẫn tới nguy cơ hủy niêm yết đối ...

Cao Thái