Cổ phiếu ngành phân bón (DPM, DCM, BFC, LAS): Triển vọng tích cực từ nông nghiệp

Cập nhật: 16:14 | 13/01/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán FPT (FPTS), với triển vọng ngành khả quan trong năm 2021, hầu hết các doanh nghiệp phân bón nội địa như DPM, DCM, BFC, LAS đều được hưởng lợi.

1254-pho
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Sức đề kháng tốt từ ngành phân bón thế giới trước dịch bệnh

Ngành phân bón thế giới năm 2020 ít chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Nhu cầu tiêu thụ phân bón toàn cầu ước đạt 191,4 triệu tấn, +1,5% yoy do hưởng lợi từ các yếu tố thuận lợi ngành nông nghiệp toàn cầu trong đó khu vực Nam Á là động lực tăng trưởng quan trọng cho nhu cầu tiêu thụ phân bón toàn cầu năm 2020.

Trong khi đó, Đông Á và Tây Á là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, phải đối mặt với tình trạng sụt giảm nhu cầu phân bón.

Sau sự gián đoạn chuỗi cung ứng ngắn hạn, nhu cầu phân bón được dự báo tăng tốc vào năm 2021.

Theo dự báo của IFA, nhu cầu tiêu thụ phân bón toàn cầu năm 2021 đạt 194,9 triệu tấn, +1,8% so với năm 2020 do nhu cầu hồi phục ở hầu hết các khu vực. Nhu cầu tiêu thụ tăng nhanh kéo giá phân bón thế giới tăng. Giá phân Urê dự kiến tăng ~3,0% trong năm 2021, phân DAP tiếp tục tăng nhẹ ~2,6%. Trong khi đó, giá phân Kali được dự báo tăng cao hơn ở mức +3,6% khi nhu cầu phục hồi tại các khu vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là nhu cầu tại Trung Quốc.

Trong trung hạn, nhu cầu phân bón thế giới tăng trưởng ổn định, tình trạng dư cung vẫn tiếp diễn. IFA đưa ra dự báo, triển vọng giai đoạn 2021 - 2024, nhu cầu phân bón toàn cầu dự kiến tăng trưởng với tốc độ trung bình +0,9%/năm đạt 198,5 triệu tấn vào năm 2024. Trong khi đó, ngành phân bón toàn cầu dự kiến tiếp tục bổ sung công suất và đưa vào vận hành trong 5 năm tới.

Với mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt +1,9%/năm của nguồn cung, dự báo tình trạng dư cung sẽ tiếp diễn trong giai đoạn trên.

Ngành phân bón trong nước tăng trưởng lạc quan

Ngành phân bón Việt Nam năm 2020 tăng trưởng khả quan bất chấp tình hình dịch bệnh trên toàn cầu.

Tính đến tháng 11/2020, sản xuất các loại phân bón trong nước đều tăng so với cùng kỳ năm 2019: Phân Urê đạt ~2,19 triệu tấn (+7,3% yoy), phân NPK đạt ~2,64 triệu tấn (+3,5% yoy) và phân DAP đạt 339,4 nghìn tấn (+3,3) yoy). Xuất nhập khẩu phân bón tăng mạnh bất chấp tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng và logistics trong đó nhập khẩu phân bón 11 tháng năm 2020 đạt 3,64 triệu tấn, +7,2% yoy. Xuất khẩu phân bón cũng tăng 38% yoy nhờ các bất lợi tại thị trường Trung Quốc.

Như vậy, tuy nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước năm 2020 bị ảnh hưởng bởi diễn biến thời tiết cực đoan song nhìn chung kết quả kinh doanh các doanh nghiệp đầu ngành đều tăng trưởng đáng kể.

Theo quan sát, giá phân bón nội địa năm 2020 hồi phục từ mức đáy 3 năm gần nhất.

Năm 2020, thị trường phân bón Việt Nam chứng kiến sự biến động mạnh trong giá các loại phân bón, đặc biệt là phân đơn như Urê, DAP, Kali. Hầu hết các loại phân bón đều giảm về mức đáy vào giữa năm và hồi phục trở lại vào những tháng cuối năm 2020. Trong khi đó, giá phân NPK nội địa ổn định trong suốt năm 2020, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất phân NPK từ phân đơn được hưởng lợi từ sự chênh lệch giá này.

Sang năm 2021, triển vọng tích cực từ ngành nông nghiệp là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ phân bón Việt Nam. Tình hình thời tiết năm 2021 dự báo thuận lợi, cùng giá các loại nông sản đang ở mức cao sẽ là điều kiện tốt để người nông dân tăng cường chăm bón cho cây trồng, nâng cao năng suất từ đó gia tăng nhu cầu sử dụng phân bón.

Bên cạnh đó, chính sách thuế giá trị gia tăngđối với mặt hàng phân bón là một yếu tố quan trọng cần theo dõi trong năm 2021.

Đa số doanh nghiệp trong ngành đều hưởng lợi

Hầu hết các doanh nghiệp đầu ngành phân bón đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong 9 tháng 2020 do hưởng lợi từ các yếu tố ngành trong nước và thế giới. Hai doanh nghiệp đầu ngành DPM và DCM được hưởng lợi trực tiếp từ diễn biến giá dầu FO thế giới năm 2020.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu nhiên liệu thế giới sụt giảm mạnh, khiến giá dầu lao dốc trong tháng 4 - tháng 6 và hồi phục nhẹ trong nửa cuối năm. Giá khí đầu vào của DPM và DCM được neo theo giá dầu FO thế giới nên biên lợi nhuận gộp của 2 doanh nghiệp này tăng mạnh trong 9 háng năm 2020.

Bên cạnh đó, các yếu tố nội tại doanh nghiệp tốt cũng góp phần đẩy mạnh doanh thu tiêu thụ sản phẩm Urê tại thị trường nội địa (đối với DPM, +8,0% yoy) duy trì thị phần trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu phân Urê hạt đục (đối với DCM, +7,3% yoy).

BFC là doanh nghiệp hưởng lợi gián tiếp thông qua sự giảm giá các loại phân đơn đầu vào năm 2020. Như đã phân tích ở trên, giá các loại phân đơn năm 2020 biến động giảm mạnh theo giá thế giới và giá nguyên liệu đầu vào, trong khi giá phân NPK nội địa luôn ổn định trong suốt năm. Biên lợi nhuận gộp của BFC cũng được cải thiện đáng kể, mang lại lợi nhuận kinh doanh tăng trưởng vượt trội. Tuy nhiên, tình hình cạnh tranh gay gắt trong mảng NPK do có sự gia nhập của các đối thủ lớn như DPM và DCM đã khiến doanh thu tiêu thụ sản phẩm của BFC giảm 13,3% trong năm 2020.

Đối với LAS, tình hình kinh doanh kém khả quan cùng với chi phí cố định không thể tiết giảm đã ăn mòn hết lợi nhuận trong 9 tháng năm 2020. Do chất lượng sản phẩm không cao, LAS gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các loại sản phẩm NPK chất lượng cao khi ngày càng có nhiều đối thủ tham gia phân khúc NPK tại khu vực miền Bắc - thị trường chủ lực của LAS. Cùng với đó, phần chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp không thể tiết giảm đã ăn mòn hết lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp này, khiến lợi nhuận sau thuế 9T.2020 bị âm (-4,7 tỷ đồng).

Hầu hết các doanh nghiệp khác trong ngành đều gặp khó khăn khi thị trường nội địa dư cung và mức độ cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nhập khẩu. Cùng với đó, chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón chưa được thay đổi cũng làm giảm lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa trong vài năm trở lại đây.

Khuyến nghị tại các mã cổ phiếu

DPM: Tăng trưởng vượt trội nhờ hưởng lợi từ diễn biến giá dầu FO, nhà máy hoạt động ổn định

DCM: Giữ vững thị phần Tây Nam Bộ, dẫn đầu về xuất khẩu phân Urê ra thị trường Châu Á

BFC: Hưởng lợi từ diễn biến giá phân đơn nội địa trong ngắn hạn

LAS: Lợi thế cạnh tranh kém trong phân khúc phân NPK, chi phí cố định ăn mòn lợi nhuận.

Với triển vọng ngành khả quan trong năm 2021, hầu hết các doanh nghiệp phân bón nội địa đều được hưởng lợi.

Chứng khoán FPT đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp đầu ngành có năng lực cạnh tranh và tình hình tài chính tốt (DPM) hoặc doanh nghiệp có triển vọng xuất khẩu sản phẩm ra các nước khu vực Châu Á (DCM và BFC). Chính sách thuế giá trị gia tăng nếu được đề xuất và Quốc hội thông qua trong năm 2021, hầu hết các doanh nghiệp nội địa đều được hưởng lợi (trong đó LAS được hưởng lợi lớn nhất).

Các doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức các ngày 14 - 15/1/2021: ICT, HU1, TIP

Trong các ngày 14 - 15/1/2021, các doanh nghiệp như ICT, HU1, TIP, NBT, STC, SDN, XDH sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện ...

VHM, VIC, GAS, HPG bị bán mạnh, VN-Index lùi sâu dưới tham chiếu

Bước vào phiên chiều ngày 13/1, việc nhiều cổ phiếu lớn như GAS, HPG, MSN, VCB, VIC, VNM, VHM… đồng loạt giảm điểm do áp ...

VN-Index biến động ra sao trong quý I hàng năm

Trong 10 năm qua, chỉ số VN-Index có tới 7 lần tăng điểm trong quý I, thậm chí có nhiều năm tăng mạnh như năm ...

Hữu Dũng