Cổ phiếu ngành giao thông: Triển vọng và thách thức

Cập nhật: 12:53 | 27/03/2023 Theo dõi KTCK trên

Cổ phiếu của các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng đường cao tốc, đường quốc lộ, sân bay, cầu, hầm... được dự báo tiếp tục hưởng lợi lớn từ các dự án đầu tư công trong năm 2023.

Hưởng lợi từ đầu tư công

Năm 2023, điều kiện cho hoạt động thi công xây dựng sẽ được cải thiện đáng kể với lực lượng lao động về cơ bản đã về mức ổn định. Thêm vào đó, chu kì thời tiết dự báo chuyển sang trạng thái El Nino với đặc điểm ít mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thi công, đặc biệt tại các dự án hạ tầng giao thông. Đặc biệt, kể từ quý III/2022, giá một số loại vật liệu xây dựng đã giảm đáng kể, tác động tích cực đến biên lợi nhuận các doanh nghiệp xây lắp.

Nhóm cổ phiếu đến từ các doanh nhiệp xây dựng hạ tầng đường cao tốc, đường quốc lộ, sân bay, cầu, hầm cũng được nhận định sẽ tiếp tục hưởng lợi từ đầu tư công. Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 là gần 2,9 triệu tỷ đồng, cao hơn nhiều so với các chu kì đầu tư trước đó. Giai đoạn 2023 - 2024 dự báo sẽ là cao điểm giải ngân đầu tư công, mang đến nguồn việc lớn cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng. Các doanh nghiệp quy mô lớn, tiềm lực tài chính mạnh sẽ đặc biệt có lợi thế trong đấu thầu các dự án thuộc chu kì đầu tư công 2021 - 2025.

Cổ phiếu ngành giao thông: Triển vọng và thách thức

Tuy vậy, các dự án hạ tầng giao thông nhiều khả năng sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt vật liệu đắp, đặc biệt là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Việc kiểm soát chi phí đầu vào và tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục là vấn đề then chốt của các nhà thầu và các doanh nghiệp sở hữu mảng cung cấp vật liệu xây dựng hoặc đầu tư hạ tầng kèm theo, giúp bù đắp dòng tiền và tạo động lực tăng trưởng dài hạn.

Theo nhận định của VCBS - Công ty Chứng khoán Vietcombank, các gói thầu xây lắp mới trong chu kì đầu tư 2021 - 2025 sẽ tập trung nhiều hơn cho các doanh nghiệp có quy mô và tiềm lực tài chính lớn và không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay tài chính cho hoạt động thi công. Các doanh nghiệp cũng cần có khả năng tận dụng được việc tham gia xây lắp dự án hạ tầng để cải thiện các hoạt động kinh doanh khác.

Đối với các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, từ đầu năm 2023, các “ông lớn” có năng lực, kinh nghiệm và uy tín đã lần lượt giành được những gói thầu quy mô lớn. Đây chính là động lực giúp doanh thu nhóm các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông bứt phá trong giai đoạn 2023 - 2025.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Cơ hội phát triển cho những doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt là những dự án lớn như 12 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 là rất lớn. Nhiều công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán đủ năng lực tham gia vào đại dự án này, như VCG, HHV, LCG, C4G, G36, CC1, SDT, TTL và đây chính là cơ hội để các công ty niêm yết này tăng trưởng ấn tượng trong những năm tới.

Tuy nhiên, để có thể biến việc tăng trưởng trong giai đoạn bùng nổ đầu tư công này thành sự phát triển bền vững, phải có nguồn lực mạnh về con người, thiết bị và vốn, cũng như một nền tảng quản trị doanh nghiệp phù hợp với lĩnh vực đặc thù này, để vượt qua các thách thức cho đến năm 2025. Những khó khăn có thể kể đến như:

Thứ nhất, đối với nguồn vốn kinh doanh khó khăn do tín dụng thắt chặt, cổ phiếu suy giảm, trái phiếu bất ổn. Chỉ những doanh nghiệp đa dạng hóa các kênh huy động vốn, điều chỉnh cấu trúc tài chính linh động và có hệ sinh thái chắc chắn gắn liền với các dịch vụ thiết yếu của xã hội mới có thể vượt qua thách thức này.

Thứ hai, đối với chính sách bất cập bởi các quy định pháp luật đan xen, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện dự án như giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu, cần thông qua các bộ, ngành, hiệp hội ngành nghề, các địa phương, cơ quan truyền thông để kiên trì giải thích, đề xuất các giải pháp tháo gỡ cụ thể; chủ động mời và nhờ hỗ trợ của các cơ quan giám sát, thanh tra, kiểm toán và cơ quan điều tra nhằm tăng khả năng phòng ngừa, ngăn chặn hay giảm thiểu các sai sót với mục tiêu hướng đến việc tuân thủ pháp luật “làm thật ăn thật”, minh bạch trong hoạt động và phối hợp thực hiện giám sát của cộng đồng với hoạt động dự án.

Thứ ba, đối với giá cả vật liệu, về cơ bản đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao và có thể tiềm ẩn nguy cơ tăng giá. Chỉ những doanh nghiệp chủ động thực hiện các giải pháp tối ưu sản xuất, tận dụng vật liệu địa phương, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tổ chức thi công khoa học, đồng thời hợp tác với các đơn vị cung cấp vật liệu để thực hiện chính sách bình ổn giá.

Thứ tư, đối với niềm tin của các nhà đầu tư chứng khoán, trái phiếu bị ảnh hưởng do thời gian qua xảy ra tình trạng đầu cơ cổ phiếu thiếu minh bạch, doanh nghiệp có nền tảng lao động nghiêm túc tạo ra “giá trị thật” từ những sản phẩm thật, mang lại lợi ích cho người dân, đất nước và các cổ đông đồng hành. Khi có cơ hội gia tăng giá trị thì công bố minh bạch, ưu tiên cho cổ đông nhỏ lẻ trước, luôn xác định mang đến lợi nhuận cho nhà đầu tư dài hạn.

Câu chuyện không mới

Trong nhiều năm qua, câu chuyện đầu tư công vẫn thường xuyên được nhắc đi, nhắc lại như là một trong những động lực thúc đẩy các nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng nổi sóng. Tuy nhiên, thực tế lại không được như kỳ vọng khi giải ngân vốn đầu tư công thường chỉ hoàn thành từ 70% đến 80% so với kế hoạch vì nhiều lý do khác nhau.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 ước đạt 436.000 tỷ đồng, tương đương 75,11% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (77,30%). Điều này sẽ khiến áp lực giải ngân trong năm nay là rất lớn từ hàng loạt các dự án mới sắp được triển khai.

Không thể phủ nhận nỗ lực đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ giúp các doanh nghiệp vật liệu xây dựng được hưởng lợi lớn. Tuy nhiên, kết quả có được như kỳ vọng hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Thêm nữa, mức độ hưởng lợi giữa các doanh nghiệp là khác nhau. Do đó, nhà đầu tư cũng nên cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn các cổ phiếu để theo sóng đầu tư công.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam lọt top 50 Doanh nghiệp FDI tiêu biểu năm 2022-2023

Chứng khoán Yuanta Việt Nam vừa được xướng tên “Thương hiệu phát triển bền vững” (Sustainable Brand Development) tại Lễ công bố và vinh danh ...

Fubon ETF trở thành quỹ ETF quy mô lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam

Fubon ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam theo chỉ số tham chiếu là FTSE Vietnam 30 Index gồm 30 cổ phiếu có vốn ...

Chuyên gia chứng khoán Yuanta: VN-Index có thể cán mốc 1.300 điểm trong năm 2023

Giám đốc Nghiên cứu chứng khoán Yuanta cho hay, triển vọng dài hạn của thị trường chứng khoán rất tươi sáng khi “dân số vàng” ...

Nhật Hải