Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Nhiều mã lùi sát mệnh giá, duy nhất một trường hợp ngược dòng tăng gần 6%

Cập nhật: 10:57 | 15/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Tuần giao dịch vừa qua (9 - 13/5/2022) tiếp tục là một tuần diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng. Cụ thể, nhóm cổ phiếu "vua" tuần qua có tới 26/27 mã giảm giá; trong đó có 21 mã giảm mạnh trên 10%.

“Bức tranh” tài chính nhiều màu sắc của ngân hàng trong quý I/2022
3 “ông lớn” quốc doanh dẫn đầu về thu nhập lãi thuần trong quý I/2022
5314-cy-phiyu-ngan-hang-1
Cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh tuần qua. (Ảnh minh họa)

Đóng cửa tuần, VN-Index dừng ở mức 1.182,77 điểm, giảm hơn 11% trong tuần qua. Tâm lý nhà đầu tư hoang mang nên hiện tượng cổ phiếu đồng loạt giảm sàn liên tục diễn ra. Việc chỉ số rơi mất ngưỡng 1.200 điểm mà trước đó phải mất rất nhiều thời gian có thể chinh phục càng đè nặng lên tâm lý thị trường.

Trong bối cảnh thị trường lao dốc, nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt bị bán mạnh với 26/27 mã giảm giá trong 5 phiên vừa qua, trong đó có 21 mã giảm mạnh trên 10%.

Hai cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất tuần là PGB và BVB với mức giảm xấp xỉ 23%. Riêng trong phiên cuối cùng của tuần, cả hai mã này đều giảm kịch sàn 15%. Mặc dù niêm yết trên HOSE với biên độ 7%, nhưng OCB cũng sụt sâu hơn 22% trong tuần qua với 3 phiên nằm sàn.

Hiện đã có 8 cổ phiếu có thị giá rớt xuống dưới 15.000 đồng/cp và 2 mã về gần mệnh giá: VAB (10.100 đồng/cp) và ABB (10.600 đồng/cp).

Diễn biến ảm đạm bao trùm lên cả những ngân hàng được đánh giá có sức khỏe tài chính tốt, kết quả kinh doanh tích cực như TCB, VIB, ACB. Các ngân hàng quốc doanh như VCB, BID, CTG cũng không phải ngoại lệ khi mức điều chỉnh thấp nhất cũng là 8,1%.

Theo số liệu từ SSI, nhóm cổ phiếu ngân hàng góp mặt nhiều nhất trong top những mã có ảnh hưởng xấu nhất tới VN-Index trong tuần qua, đứng đầu là TCB và VPB.

Đáng chú ý, giữa thị trường "rực lửa", cổ phiếu EIB của Eximbank bất ngờ vẫn giữ được sắc xanh. Theo đó, tính chung trong 5 ngày giao dịch, cổ phiếu này vẫn tăng 5,7%; trong đó có phiên 11/5 tăng kịch trần.

Trước đó, sau khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 thất bại, ngân hàng này đã tiếp tục phát đi thông báo về việc triệu tập đại hội đồng cổ đông lần thứ hai, giải quyết nốt các nội dung quan trọng.

4138-zzz-ngan-hang-1
Thay đổi giá cổ phiếu ngân hàng tuần qua

Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng không có nhiều biến động trong tuần. Cụ thể, tuần qua hơn 683 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 17.432 tỷ đồng.

Trong đó, cổ phiếu STB tiếp tục dẫn đầu về khối lượng giao dịch với gần 115 triệu đơn vị. SHB và VPB lần lượt đứng sau với mức 97,6 triệu và 86,5 triệu cp. Xét về giá trị giao dịch, VPB lại đứng đầu với hơn 2.753 tỷ đồng, nhỉnh hơn mức 2.618 tỷ đồng của STB và 2.448 tỷ đồng của TCB.

Giữa đà giảm sâu, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 152 tỷ đồng CTG và hơn 52 tỷ đồng STB trong tuần; trong khi đó bán ròng hơn 100 tỷ đồng VCB.

Ở một diễn biến khác, các tổ chức trong nước đã mua ròng hơn 213 tỷ đồng MBB, 175 tỷ đồng VCB, 167 tỷ đồng VPB, 157 tỷ đồng ACB. Ngược lại, mạnh tay bán ròng 469 tỷ đồng STB.

Nhận định chứng khoán tuần từ 16-20/5/2022

CTCK Sài Gòn - Hà Nội - SHS: Khả năng thị trường sẽ có tuần hồi phục

Sau sáu tuần giảm liên tiếp thì định giá của thị trường đã về mức rất hấp dẫn với P/E VN-Index khoảng gần 13 lần và P/E của VN30 là khoảng hơn 12 lần, đây đều là mức thấp hơn trung bình 5 năm gần nhất. Và nếu tính theo P/E Forward cho năm 2022 thì mức định giá trên sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn. Do đó, đây có thể coi là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn theo trường phái đầu tư giá trị.

Xét trên góc nhìn về phân tích kỹ thuật thì thị trường mà đại diện là chỉ số VN-Index dường như đang gần được target của sóng điều chỉnh a với target đầu tiên theo lý thuyết là ngưỡng 1.200 điểm (fibonacci retracement 38,2% sóng tăng 5). Tuy nhiên, nếu tình trở nên tiêu cực hơn thì VN-Index vẫn có thể lùi những ngưỡng hỗ trợ sâu hơn mà gần nhất là ngưỡng 1.100 điểm (fibonacci retracement 50% sóng tăng 5).

Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo 16/5-20/5, bên mua và bên bán sẽ trở nên cân bằng nhau hơn do thị trường đã giảm về vùng target của sóng điều chỉnh a và cũng không loại trừ khả năng thị trường sẽ có tuần hồi phục sau sáu tuần giảm liên tiếp.

CTCK Tân Việt - TVSI: Cơ hội hồi phục đang rất lớn

TVSI đánh giá, khi tâm lý thị trường quá tiêu cực và hoảng loạn, các mốc hỗ trợ thường tỏ ra kém hiệu quả. Đà bán tháo hiện vẫn chưa dừng lại với cách bán bất chấp cơ bản muốn thoát ra bằng mọi giá, khiến các hỗ trợ dễ dàng bị xuyên phá. TVSI chỉ nhận thấy, một số điểm tích cực ở một vài cổ phiếu lớn trụ được giá trong phiên hôm nay như: VJC; SSI; VHM; VIC; SAB…cùng với thanh khoản tăng, cho thấy dòng tiền bắt đáy nhen nhóm trở lại. Ngoài ra, khối nhà đầu tư ngoại tiếp tục mua ròng tích cực và tới khi nào số lượng các cổ phiếu đủ bản lĩnh trụ được giá tăng thêm nữa trong điều kiện thị trường hiện tại sẽ tạo ra các cú ngược dòng hồi phục.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường đã quá tiêu cực và sau phiên hôm nay xu hướng trung hạn cũng bắt đầu tiêu cực. Theo kinh nghiệm của TVSI, khi có một số mã cổ phiếu vốn hóa lớn trụ được giá và ngược dòng cơ hội hồi phục của thị trường sẽ xuất hiện và nhà đầu tư nên tiếp tục giữ trạng thái cân bằng để chờ đợi tín hiệu.

CTCK KB Việt Nam - KBSV: Mở rộng thêm nhịp điều chỉnh

VN-Index trải qua một nhịp giảm điểm mạnh với biên độ mở rộng đến cuối phiên. Áp lực bán giải chấp kết hợp với quán tính giảm điểm của phiên liền trước khiến cho chỉ số lao dốc mạnh trong phiên và phá vỡ ngưỡng hỗ trợ mạnh quanh 1.200 điểm. Với xu hướng giảm điểm đang đóng vai trò chủ đạo trong ngắn hạn, VN-Index đang phải đối mặt với rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh xuống vùng hỗ trợ gần quanh 1.160 điểm và sâu hơn là 1.130 điểm.

Nhà đầu tư được khuyến nghị hạ tỷ trọng các vị thế trading trong các nhịp hồi sớm và chỉ gia tăng tỷ trọng trở lại nếu về vùng hỗ trợ đối với các cố phiếu mục tiêu.

Hoàng Hà