Cổ phiếu ngân hàng phiên 19/5: Sắc đỏ chiếm ưu thế, thanh khoản chưa có sự đột phá

Cập nhật: 22:17 | 19/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Phiên giao dịch 19/5 ghi nhận chỉ có 8 cổ phiếu ngân hàng tăng giá, 3 mã đứng giá tham chiếu và có tới 16 mã giảm.

1601-chyng-khoan-456
Ảnh minh họa

Thị trường chứng khoán 19/5, VN-Index mở gap giảm điểm trước khi hồi phục giằng co và tăng điểm nhẹ về cuối phiên. Vùng hỗ trợ gần quanh 1.21x đã cho phản ứng và giúp cho chỉ số sớm lấy lại trạng thái cân bằng hơn sau nhịp bán mạnh đầu phiên.

Đóng cửa, VN-Index tăng 0,08 điểm (0,07%) lên 1.241,64 điểm, HNX-Index giảm 0,72 điểm (0,23%) xuống 309,12 điểm, UPCoM-Index giảm 0,15 điểm (0,16%) còn 94,58 điểm.

Phiên giao dịch hôm nay (19/5) ghi nhận chỉ có 8 cổ phiếu ngân hàng tăng giá, 3 mã đứng giá tham chiếu và có tới 16 mã giảm.

Đáng chú ý nhất trong phiên hôm nay là cổ phiếu OCB khi gần chạm giá trần và đóng cửa tại 20.200 đồng/cp. Lực cầu đổ dồn về cuối phiên giúp thanh khoản của mã này cải thiện, đạt gần 2,8 triệu đơn vị khớp lệnh, tương ứng giá trị hơn 54 tỷ đồng.

Sàn HOSE ghi nhận thêm một số bluechip khác giao dịch tích cực như SHB (4%), HDB (1,3%), VCB (0,8%) và MBB (0,4%). Tại chiều giảm, EIB mất 3,5% xuống 30.400 đồng/cp và là một trong những cổ phiếu yếu nhất toàn ngành trong nhịp hồi phục lần này.

Bên cạnh đó, TPB có thêm một phiên giảm hơn 3,3% cùng thanh khoản yếu. Một số mã đi xuống khác gồm VIB, CTG, LPB, VPB, ACB, BID, TCB nhưng đà giảm đã được kìm hãm bớt về cuối phiên.

Thanh khoản toàn thị trường chưa có sự đột phá để xác nhận mô hình hai đáy và đà hồi phục. Theo đó, giá trị giao dịch ngành ngân hàng duy trì ở mức trung bình 10 phiên với gần 2.500 tỷ đồng qua hai kênh khớp lệnh và thoả thuận.

Phiên vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh nhất CTG (34 tỷ đồng), TPB (32,5 tỷ đồng) trong khi mua mạnh các mã HDB, STB,...

1155-nganhang195
Biến động giá cổ phiếu ngân hàng phiên 19/5/2022

Nhận định chứng khoán ngày 20/5/2022

Chứng khoán MB (MBS): Thử thách ngưỡng 1.260 điểm

Chuỗi tăng cũng đã sang phiên thứ 3 liên tiếp, dài nhất kể từ đầu tháng 4 tới nay, ở 2 nhịp nảy kỹ thuật trước đó, thị trường chỉ có 2 phiên tăng rồi lại giảm, do vậy việc thị trường ngược dòng tăng nhẹ trong phiên hôm nay để nối dài số phiên phục hồi sang 3 phiên liền mạch sẽ giải tỏa thêm tâm lý cho nhà đầu tư.

Nhìn chung, thị trường đang có dấu hiệu phục hồi tốt nhất kể từ phiên 25/4, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ thử thách ngưỡng 1.260 điểm trong các phiên sắp tới. Nhà đầu tư có thể bắt đáy với tỷ trọng nhỏ, không dùng margin và không nên mua đuổi trong các nhịp tăng.

KB Việt Nam (KBSV): Đối mặt rủi ro điều chỉnh

Với việc một lần nữa vượt vùng cản gần 1.260 bất thành, chỉ số đang phải đối mặt với rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh trong những phiên tới và quay xuống kiểm định lại vùng hỗ trợ sâu quanh 1.190 (+-5). Đây là vùng then chốt cần được giữ vững nhằm tránh rủi ro phá đáy ngắn hạn.

Nhà đầu tư được khuyến nghị hạ tỷ trọng các vị thế trading trong các nhịp hồi sớm và chỉ gia tăng tỷ trọng trở lại nếu về vùng hỗ trợ đã đề cập đối với các cổ phiếu mục tiêu.

Yuanta Việt Nam (FSC): Rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao

Thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng và VN-Index có thể sẽ kiểm định ngưỡng 1.275 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên dòng tiền có thể sẽ vẫn còn ở mức thấp và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho thấy các nhà đầu tư đã bớt bi quan nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức GIẢM. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục dừng bán hoặc chỉ nên ưu tiên hạ đòn bẩy để giảm rủi ro danh mục.

Hoàng Hà (t/h)