Báo cáo - Phân tích

Cổ phiếu nào sẽ “gánh” VN-Index sau khi VIC, VHM điều chỉnh?

Đức Anh 21/04/2025 09:32

Thị trường chứng khoán điều chỉnh nhẹ trong tuần vừa qua khi Bluechips bị chốt lời mạnh, đặc biệt là VIC và VHM. MBS nhận định, VN-Index có thể dao động trong vùng 1.200–1.240 điểm và khuyến nghị tập trung đối với cổ phiếu cụ thể, có tín hiệu khỏe hơn thị trường,...

Thị trường chứng khoán trong nước khép lại tuần giao dịch với diễn biến giằng co, khi áp lực điều chỉnh từ nhóm cổ phiếu Bluechips đã lấn át đà tăng của các mã vừa và nhỏ. Chỉ số VN-Index chốt tuần tại mốc 1.219,12 điểm, giảm nhẹ 3,34 điểm tương ứng -0,27% so với tuần trước.

Thanh khoản toàn thị trường tuần qua giảm mạnh, chỉ đạt 24.123 tỷ đồng/phiên, sụt -14,5% so với tuần liền trước. Riêng thanh khoản khớp lệnh cũng giảm sâu -17,2%, còn 21.624 tỷ đồng. Tuy vậy, tính từ đầu tháng 4 đến nay, thanh khoản trung bình đạt 27.685 tỷ đồng – vẫn tăng 21,7% so với tháng 3 và cao hơn 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế từ đầu năm, mức thanh khoản bình quân đạt 20.278 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ -3,81% so với năm 2024.

1.jpg
Nguồn: FinX, MBS Research

Khối ngoại tiếp tục có tuần bán ròng mạnh với tổng giá trị -5.258 tỷ đồng, trong đó riêng VIC bị bán ròng tới hơn 4.000 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại đã rút ròng tổng cộng -42.180 tỷ đồng khỏi thị trường Việt Nam. Các mã khác cũng bị bán ròng gồm HCM (-372 tỷ đồng), FPT (-344 tỷ đồng), trong khi HPG (+535 tỷ đồng) và MWG (+378 tỷ đồng) là hai điểm sáng thu hút dòng vốn ngoại.

mb111.jpg
Top cổ phiếu được khối ngoại Mua/Bán ròng trên sàn HOSE tuần vừa qua (Tỷ VND)

Dù thanh khoản giảm, nhưng dòng tiền vẫn tìm đến các nhóm ngành có triển vọng như đầu tư công, logistics và các cổ phiếu trong hệ sinh thái Vingroup.

Theo Chứng khoán MB (MBS), mức định giá hiện tại của thị trường đang ở ngưỡng hấp dẫn, với hệ số P/E trailing 12 tháng (ttm) đạt 13,58 lần – thấp hơn 1 độ lệch chuẩn so với trung bình kể từ năm 2020 và thấp hơn 20% so với mức trung bình dài hạn, tạo cơ hội tốt cho nhà đầu tư dài hạn.

MBS nhận định rằng, thị trường trong nước dù có 3/5 phiên tăng nhưng vẫn điều chỉnh nhẹ hơn 3,3 điểm trong tuần vừa qua dưới sức ép từ nhóm cổ phiếu Bluechips dẫn dắt, nổi bật là diễn biến ở phiên cuối tuần với việc VIC chốt phiên ở mức giá sàn và VHM cũng giảm hơn 3%. Nhịp tăng mạnh gần 29% của VIC và 16,3% của VHM trong vòng 1 tháng qua, đã đưa 2 cổ phiếu này lên vị trí thứ 2 và thứ 4 trong TOP vốn hóa.

Theo MBS, đây có thể là diễn biến chốt lời đối với nhóm cổ phiếu này khi biên lợi nhuận đã khá hấp dẫn và ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số chung khi tỷ trọng vốn hóa lớn. Do vậy, trong kịch bản thận trọng, nếu nhóm cổ phiếu này tiếp tục bị chốt lời trong khi các cổ phiếu trụ khác không nổi lên thay thế, chỉ số Vn-Index có thể mất điểm đáng kể, tác động đến tâm lý chung.

Hiện tại, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2025 đã bắt đầu được công bố ngày càng nhiều hơn. Do vậy, MBS cho rằng kịch bản cơ bản cho thị trường sẽ có sự luân phiên đổi trụ để giảm tác động từ nhóm VIC, VHM, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng đang được kỳ vọng nhờ kết quả kinh doanh cũng như đang ở mùa ĐHCĐ.

vn11.jpg
Vn-Index đã lấy lại hơn 170 điểm trong nhịp giảm đầu tháng 4, tương đương hồi về ngưỡng Fibonacci 61,8% (vùng 1.240 điểm)

Về mặt kỹ thuật, VN-Index sau khi giảm mạnh 270 điểm đã hồi phục 170 điểm lên vùng 1.240 điểm, tương ứng mốc Fibonacci 61,8% và trùng với đường MA200 tuần là vùng kháng cự mạnh. Trong kịch bản cơ bản, MBS cho rằng chỉ số sẽ dao động trong vùng 1.200 – 1.240 điểm. Nếu thiếu lực đỡ từ các mã dẫn dắt, khả năng chỉ số kiểm tra lại vùng hỗ trợ 1.175 – 1.180 điểm là hoàn toàn có thể xảy ra.

Điểm tích cực là thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao khoảng 24.000 tỷ đồng/phiên, dù giảm gần 15% so với tuần trước. Dòng tiền đang tạm thời rút khỏi nhóm trụ và dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cho thấy nhà đầu tư đang chủ động cơ cấu lại danh mục để tránh rủi ro trước áp lực điều chỉnh từ các mã lớn.

Chiến lược giao dịch trong giai đoạn hiện tại theo MBS là tập trung vào nhóm cổ phiếu có tín hiệu tích cực hơn thị trường như: ngân hàng (SHB), đầu tư công (VCG, FCN), chứng khoán (VIX, VND), và các mã đơn lẻ có câu chuyện riêng như GEX, HVN, BMP, HAH… Việc ưu tiên lựa chọn cổ phiếu khỏe, có triển vọng tăng trưởng rõ ràng sẽ là chìa khóa giúp nhà đầu tư ứng biến linh hoạt trong thời điểm thị trường phân hóa mạnh như hiện nay.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Cổ phiếu nào sẽ “gánh” VN-Index sau khi VIC, VHM điều chỉnh?
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO