Cổ phiếu MVN (Vinalines) có diễn biến lạ trong phiên VN-Index giảm "sốc"

Cập nhật: 15:51 | 23/07/2024 Theo dõi KTCK trên

Thị trường phiên 23/7 ghi nhận lực bán ngày một gia tăng khiến VN-Index giảm gần 23 điểm, đóng cửa tại mốc 1.231 điểm. Trong khi đó, cổ phiếu MVN của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam có diễn biến đi ngược thị trường và nhóm ngành, vươn lên là doanh nghiệp vận tải biển giá trị nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Sau giai đoạn điều chỉnh kéo dài, cổ phiếu MVN của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC) bất ngờ tăng kịch trần (15%) lên mức 38.600 đồng/cp trong tình trạng "trắng bên bán". Vốn hóa thị trường tương ứng đạt hơn 46.000 tỷ đồng, con số đưa VIMC trở thành doanh nghiệp vận tải biển giá trị nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

So với đỉnh đạt được cách đây một tháng trước tại mức 63.500 đồng/cp (phiên 26/6), giá cổ phiếu MVN đã bốc hơi 46%. Đáng chú ý, trước phiên tăng trần hôm nay, MVN đã có chuỗi giảm liên tiếp 8 phiên liên tiếp từ 11-22/7. Nhìn rộng ra, từ mức đáy gần nhất 15.800 đồng/cp (phiên 24/4), thị giá MVN đã tăng 144%.

Cổ phiếu MVN (Vinalines) có diễn biến lạ trong phiên VN-Index giảm
Diễn biến giá cổ phiếu MVN.

Đặc biệt, cổ phiếu MVN có phiên ngược dòng thị trường khi VN-Index giảm hơn 22 điểm về 1.231 điểm với 83 mã tăng, 41 mã tham chiếu và 373 mã giảm. đây cũng là mã nổi bật nhất trong nhóm cổ phiếu vận tải - cảng biển khi nhóm này chìm trong sắc đỏ. Cụ thể, HAH (-0,1%), VSC (-2,5%),PVT (-0,9%), PVP (-3,6%), những mã này thuộc Top thanh khoản cao từ 2,4 triệu đơn vị đến 3,8 triệu đơn vị. Ngoài ra, các cổ phiếu thanh khoản dưới 1 triệu đơn vị có GMD (-1,8%), VIP (-1,1%), DXP (-2,5%), VTP (-5,2%),…

VIMC đổi vận từ khi đổi tên

Quay lại với MVN, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có tên cũ là Vinalines được thành lập vào ngày 29/4/1995 theo Quyết định số 250/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vinalines hiện đang quản lý và khai thác một đội tàu biển đa chủng loại bao gồm: Tàu container, tàu hàng rời, tàu dầu và các loại tàu hàng khác. Đội tàu của Vinalines hiện đang chiếm tới 31% tổng dung tích đội tàu trong cả nước, trong đó có những loại tàu hàng rời cỡ lớn đến 73.000 DWT, tàu container 1800 TEU và tàu dầu 50.000 DWT.

Đặc biệt, chỉ có Vinalines mới khai thác tàu container chuyên tuyến vận tải Nam - Bắc với lịch tàu hàng ngày đảm bảo thông thương hàng hóa dọc theo chiều dài của đất nước. Mỗi năm, đội tàu của Vinalines đã đảm bảo chuyên chở tới 60% hàng hóa xuất và nhập khẩu vào Việt Nam. Cổ phiếu MVN được giao dịch lần đầu trên sàn Upcom kể từ ngày 8/10/2018 với hơn 5,4 triệu cổ. Mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.000 đồng/cp.

Năm 2018, doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 751/QĐ-TTg về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Đây là kết quả đạt được sau nhiều nỗ lực không ngừng trải qua những khó khăn, vướng mắc của toàn thể doanh nghiệp. Mặt khác, Tổng Công ty cũng tiến hành áp dụng bộ nhận diện thương hiệu mới cho doanh nghiệp dựa trên tên giao dịch quốc tế mới VIMC, thay cho tên gọi cũ là Vinalines. Việc đổi tên viết tắt được lãnh đạo Tổng Công ty đặc biệt quan tâm khi cái tên “Vinalines” được cho là gắn với rất nhiều sự kiện kém may mắn, thậm chí là tai tiếng của đơn vị.

Trong quá khứ, VIMC có nhiều năm kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến lỗ luỹ kế hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình đã chuyển biến tích cực hơn, đặc biệt trong giai đoạn 2021-2023, doanh nghiệp này đều thu về hàng nghìn tỷ lợi nhuận mỗi năm qua đó thu hẹp đáng kể khoản lỗ luỹ kế tồn đọng.

Trong một diễn biến khác, ngày 22/7 vừa qua, tại Hà Nội, VIMC đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024.

Tại Đại hội, các cổ đông đã nghe báo cáo, thảo luận và biểu quyết thông qua các tờ trình quan trọng bao gồm: Bổ sung danh mục đầu tư năm 2024, bổ sung ngành nghề kinh doanh và sửa đổi, bổ sung Điều lệ của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP. Các nội dung được thông qua tại Đại hội có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho định hướng phát triển và mở rộng kinh doanh của VIMC trong giai đoạn tới.

Cổ phiếu MVN (Vinalines) có diễn biến lạ trong phiên VN-Index giảm

VIMC là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực của ngành Hàng hải Việt Nam với ngành nghề chính là vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Hiện VIMC là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc mở cửa hợp tác, hội nhập quốc tế, cung cấp dịch vụ Hàng hải trên phạm vi toàn cầu, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế biển Việt Nam.

Từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, kết quả sản xuất kinh doanh của VIMC đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Năm 2022, tổng doanh thu tăng 38% so với năm 2020. Năm 2023, tổng doanh thu đạt 13.965 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020. Lợi nhuận hàng năm cũng tăng trưởng cao, lợi nhuận năm 2022 tăng hơn 6 lần và lợi nhuận năm 2023 tăng hơn 4 lần so với năm 2020. VIMC đã liên tục lọt vào Top doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam.

Đồng thời, quy mô của VIMC cũng tăng trưởng mạnh. Tổng tài sản tăng trưởng bình quân 5%/năm, đạt 27.818 tỷ đồng vào ngày 30/6/2024, tăng 14%. Vốn chủ sở hữu đạt 15.719 tỷ đồng, tăng 67%.

Tại Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về doanh nghiệp nhà nước tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô của nền kinh tế được công bố tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước, diễn ra ngày 15/6 tại Hà Nội, VIMC đã ghi dấu ấn mạnh mẽ khi đứng thứ ba trong danh sách 10 tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) cao nhất giai đoạn 2020-2023.

VIMC là đơn vị sở hữu đội tàu lớn nhất cả nước, chiếm tới 25% tổng dung tích đội tàu trong cả nước, trong đó có những loại tàu hàng rời cỡ lớn đến 73.000 DWT, hàng năm chuyên chở 60% hàng hóa xuất và nhập khẩu vào Việt Nam.

Tính đến hết tháng 5/2024, sản lượng vận tải biển đạt 7,8 triệu tấn, thưc hiện được 49% kế hoạch năm và bằng 97% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng thông qua cảng đạt 57,2 triệu tấn, bằng 46% kế hoạch năm và bằng 124% so với cùng kỳ. Năm 2024, VIMC ước tính sản lượng vận tải biển giảm 24% xuống 15,9 triệu tấn, song sản lượng hàng thông qua cảng dự kiến tăng 8% lên 123,6 triệu tấn.

Kết thúc quý đầu năm nay, VIMC ghi nhận doanh thu đạt 3.596 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 576 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 19% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế thu về 479 tỷ đồng, tăng 21% so với quý 1/2023, trong đó lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 342 tỷ đồng. Kết quả này giúp VIMC chính thức xoá sạch lỗ luỹ kế sau rất nhiều năm.

Năm 2024, VIMC đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 13.450 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.730 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và 28% so với thực hiện 2023. Với kết quả đạt được sau quý đầu năm, doanh nghiệp đầu ngành cảng và vận tải biển đã thực hiện 26% kế hoạch doanh thu và 21% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Trên cơ sở hết lỗ luỹ kế, HĐQT VIMC mới đây đã thông qua kế hoạch chia hết lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sau khi trích quỹ để trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ 0,39% (01 cp nhận 390 đồng). Với 1,2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, số tiền cổ tức tương ứng hơn 46 tỷ đồng trong đó hầu hết thuộc về cổ đông Nhà nước với tỷ lệ sở hữu 99,5%. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức là 30/9, thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 10/10.

VIMC và SNP ký thỏa thuận hợp tác nâng cao năng lực vận tải biển và logistics Việt Nam

Sáng ngày 20/7 tại TP. Đà Nẵng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) đã tổ chức Lễ ký thỏa thuận hợp tác toàn diện, đánh dấu một bước đột phá mới trong lĩnh vực vận tải biển, cảng biển và logistics tại Việt Nam.

Theo đó, VIMC và SNP cùng hợp tác nhằm tối ưu hóa năng lực cảng biển, logistics quốc gia, tạo nên một hệ sinh thái cảng biển và logistics chung đồng bộ, hiện đại, nâng cao năng lực tiếp nhận và xử lý hàng hóa, từ đó giảm thiểu ùn tắc, tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội cho cảng biển Việt Nam.

Hai bên thống nhất hợp tác cung cấp giải pháp logistics toàn diện, tối ưu hóa chi phí khi cung cấp dịch vụ logistics Door - Door cho khách hàng.

VIMCĐồng chí Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC và Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng giám đốc SNP ký biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC và Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng giám đốc SNP ký biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện

Phát triển đội tàu biển quốc gia: Giao cho Công ty cổ phần Vận tải container VIMC (VIMC Lines) và Công ty cổ phần Vận tải biển Tân cảng (Tân Cảng Shipping - TCS) nghiên cứu hợp tác mở các tuyến dịch vụ container quốc tế, phát huy tiềm năng và lợi thế của quốc gia biển, nâng cao năng lực đội tàu quốc gia.

Phát triển nguồn nhân lực: Hợp tác nâng cao chất lượng nhân lực vận hành cảng biển, logistics thông qua hợp tác trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

VIMC và SNP nằm trong nhóm dẫn đầu trong danh sách các DNNN có hiệu quả hoạt động cao nhất giai đoạn 2020-2023, và là hai trong bảy doanh nghiệp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nghiên cứu thí điểm trong Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường cho thị trường.

Vì vậy, với sự hợp tác này, cả hai doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo ra một bước đột phá mới trong lĩnh vực vận tải biển và logistics tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế đất nước.

Vinalines (MVN) chi hơn 1.000 tỷ đồng thành lập công ty con ngành logistics

Tổng giá trị vốn góp là 1.014,55 tỷ đồng, được Vinalines trích ra từ tài sản và tiền đang sở hữu, trong đó có 1.000 ...

Cổ phiếu MVN lên đỉnh 22 tháng, VIMC trở lại câu lạc bộ vốn hóa tỷ đô

Đà bứt phá tăng giá của MVN diễn ra cùng xu thế chung của nhóm cảng biển trong thời gian gần đây, khi mà giá ...

Triển vọng ngành vận tải biển nhìn từ đầu tàu MVN

Cổ phiếu đầu ngành vận tải biển MVN nhiều lần tăng hết biên độ trong khoảng thời gian ngắn gần đây, đưa thị giá lên ...

Đức Anh

Tin cũ hơn
Xem thêm