Cổ phiếu một doanh nghiệp có quỹ đất hơn 20.000 ha sở hữu tiềm năng tăng giá tới gần 40%
BSC duy trì khuyến nghị “MUA” với cổ phiếu bất động sản này trong bối cảnh doanh nghiệp đang cho thấy bước chuyển mình mạnh mẽ với chiến lược bán buôn linh hoạt, tiến độ dự án khả quan và định giá còn hấp dẫn so với mặt bằng ngành.
Sau hai năm trầm lắng vì thị trường địa ốc siết chặt tín dụng và thanh khoản yếu, Công ty CP Vinhomes (HOSE: VHM) đang dần lấy lại quỹ đạo tăng trưởng nhờ chiến lược xoay trục linh hoạt và tiến độ triển khai dự án vượt kỳ vọng. Khuyến nghị “MUA” tiếp tục được Công ty Chứng khoán BSC giữ vững, trong khi giá mục tiêu cổ phiếu được nâng mạnh thêm gần 40% – phản ánh kỳ vọng rõ nét hơn vào dư địa phục hồi của ngành và năng lực “kiến thiết ngoại ô” của doanh nghiệp đầu ngành bất động sản này.

Lợi nhuận bứt phá, doanh số bán hàng hồi phục mạnh mẽ
Quý I/2025, Vinhomes ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.698 tỷ đồng, tăng mạnh 91% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 2.689 tỷ đồng – tăng gấp 3 lần. Kết quả ấn tượng đến từ việc bàn giao các sản phẩm tại OCP2, OCP3, Royal Island và đặc biệt là doanh thu dịch vụ tư vấn từ dự án Cổ Loa, chiếm tới 45,5% tổng doanh thu.
.png)
Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp sụt giảm từ mức trung bình 38,4% năm 2024 xuống còn 26,3% trong quý I/2025, phần lớn do các chính sách chiết khấu bán hàng mạnh tay tại các dự án OCP trong giai đoạn thị trường còn nhiều bất ổn. Dù vậy, sự hi sinh biên lợi nhuận này đã nhanh chóng được đền đáp bằng thanh khoản và tốc độ bán hàng vượt kỳ vọng.
Doanh số bán mới trong quý đầu năm đạt 35.000 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng dự án Vinhomes Wonder Park tại Đan Phượng (Hà Nội) mang về tới 28.000 tỷ đồng – vượt xa cả dự báo cả năm 2025 của BSC trước đó là 24.641 tỷ đồng. Tính đến cuối quý I, tổng giá trị tồn kho ký bán (backlog) đạt khoảng 120.000 tỷ đồng, với hơn một nửa đến từ mảng bán buôn.
Trái ngược với bức tranh u ám của nhiều doanh nghiệp địa ốc, Vinhomes đang bước vào chu kỳ “bung hàng” với hàng loạt dự án quy mô lớn. Trong năm 2025, doanh nghiệp đồng loạt triển khai ba đại dự án tại cả ba miền: Wonder Park (Hà Nội), Hậu Nghĩa – Đức Hòa (Long An), Dương Kính – Kiến Thụy (Hải Phòng).
Từ nửa cuối năm 2025, Vinhomes dự kiến bắt đầu triển khai hạ tầng và bán buôn tại Vinhomes Long Beach (Cần Giờ) – đại đô thị lấn biển có quy mô lớn nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp. BSC tin rằng “mở khóa” Vinhomes Long Beach (KĐT lấn biển Cần Giờ) sẽ là một động lực quan trọng giúp VHM được tái định giá vì dự án được dự phóng sẽ mang về dòng tiền ròng khoảng 254.360 tỷ VND trong 2026-2031 và gia cố vị thế dẫn đầu của doanh nghiệp về năng lực triển khai cũng như mở rộng quỹ đất.
.png)
Bên cạnh đó, các dự án mới như Vinhomes Làng Vân (Đà Nẵng), Quang Hanh (Quảng Ninh), Mỹ Lâm (Tuyên Quang) cũng đã được đưa vào kế hoạch triển khai trong năm nay, mở rộng đáng kể quy mô hoạt động và vùng phủ chiến lược của doanh nghiệp.
Định giá vẫn hấp dẫn trong chu kỳ phục hồi
BSC dự báo, dù thị giá cổ phiếu VHM đã tăng hơn 30% kể từ tháng 3/2025, BSC vẫn nâng giá mục tiêu lên 81.300 đồng/cp, tương ứng mức tăng kỳ vọng 38,3% so với thị giá hiện tại (58.800 đồng/cp - cập nhật ngày 20/5). Đáng chú ý, mức P/B 2025F hiện tại của VHM chỉ ở 1.0x – thấp hơn đáng kể so với mức trung bình ngành là 1.27x, cho thấy dư địa định giá lại còn lớn.
Triển vọng lợi nhuận năm 2025 được điều chỉnh tăng 11%, với lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ dự kiến đạt 36.602 tỷ đồng (+15% YoY), doanh thu đạt 125.810 tỷ đồng – phần lớn nhờ bàn giao các dự án hiện hữu và backlog bán buôn từ 2024. Trong 2026, dù doanh thu giảm nhẹ do đặc thù bàn giao dự án, lợi nhuận vẫn tiếp tục tăng trưởng (+9%) nhờ đóng góp từ doanh thu tài chính tại Wonder Park và các hợp tác chiến lược.
.png)
Tuy nhiên, VHM đang bước vào giai đoạn mở rộng quy mô lớn với hàng loạt dự án đồng loạt triển khai, kéo theo một số rủi ro cần lưu ý. Đó là tiến độ pháp lý tại các đại đô thị như Long Beach, Làng Vân còn phụ thuộc vào quy trình phê duyệt; chi phí tài chính tăng nhanh do đòn bẩy vay nợ mạnh; cùng với biên lợi nhuận gộp sụt giảm khi áp dụng chính sách chiết khấu để kích cầu.
Nhưng với vị thế đầu ngành, quỹ đất hơn 20.000 ha và khả năng triển khai thực tế đã được chứng minh, các rủi ro trên của VHM được đánh giá là có thể kiểm soát, đặc biệt khi thị trường bước vào chu kỳ hồi phục rõ nét hơn từ nửa cuối 2025.