Cổ phiếu KLM tăng hơn 100% sau 4 phiên

Cập nhật: 08:25 | 27/07/2021 Theo dõi KTCK trên

Trước khi trở về tham chiếu trong 2 phiên gần nhất, cổ phiếu KLM của CTCP Kim loại màu Nghệ Tĩnh (UpCOM: KLM) bất ngờ ghi nhận 4 phiên tăng liên tiếp từ ngày 19 - 22/7/2021 dù trước đó không có bất kỳ giao dịch nào được thực hiện suốt nửa năm.

Kết phiên ngày 26/7/2021, thị giá của mã đứng mức 19.600 đồng - tăng 104% sau một tuần. Tương tự nhiều trường hợp tăng đột biến khác, khối lượng giao dịch của cổ phiếu KLM thấp, khoảng 200 - 500 đơn vị, nhiều phiên thậm chí không có thanh khoản.

1818-klm
Diễn biến giá cổ phiếu KLM các phiên gần đây

Theo tìm hiểu, tiền thân của KLM là Xí nghiệp Liên hợp thiếc Nghệ Tĩnh được thành lập từ năm 1984. Đến năm 2008, doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần do Tổng Công ty Khoán sản (TKV) nắm giữ cổ phần chi phối.

Từ tháng 6/2020, TKV đã chính thức thoái toàn bộ gần 2,4 triệu cổ phiếu - tương đương gần 61% vốn qua đó KLM trở về trạng thái công ty cổ phần do tư nhân nắm giữ 100% vốn điều lệ (38,85 tỷ đồng).

Tính đến ngày 31/5, cổ đông lớn nhất là CTCP Xuất nhập khẩu Thái Nguyên với 27,26% vốn - ứng với gần 1,1 triệu đơn vị KLM. Tiếp đến là Thành viên HĐQT Phạm Hữu Bắc và cá nhân Nguyễn Hồng Lâm - cùng sở hữu 10,75% cổ phần.

CTCP Kim loại màu Nghệ Tĩnh hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác chế biến thiếc thỏi và kinh doanh dịch vụ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Lợi nhuận sau thuế từ năm 2017 trở lại đây của doanh nghiệp này đều không quá 500 triệu đồng dù doanh thu hơn trăm tỷ đồng.

Năm 2020, sản lượng thiếc thỏi tiêu thụ đạt 40,1 tấn - giảm 58% so với năm 2019. Kinh doanh xăng dầu hơn 2 triệu lít - giảm 29%. Theo đó, tổng doanh thu giảm 50% về mức 44,3 tỷ đồng; giá vốn hàng bán hơn 42 tỷ đồng nên lãi gộp còn 2,2 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí hoạt động, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh là âm 1,8 tỷ đồng. Nhờ thanh lý tài sản đem lại hơn 1,9 tỷ đồng nên công ty thoát lỗ.

Tại 31/12/2020, tổng tài sản giảm nhẹ 3% xuống mức 59,57 tỷ đồng - chủ yếu là tài sản ngắn hạn (chiếm 69,1%, tương đương 41,16 tỷ đồng). Tiền và tương đương tiền giảm mạnh 95% xuống 1,8 tỷ đồng chủ yếu do tiền từ hoạt động kinh doanh âm 7,4 tỷ đồng và đầu tư vào CTCP Du lịch Đắk Lắk hơn 30 tỷ đồng. Đây là công ty chuyên kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng, lữ hành.

Giá trị hàng tồn kho cũng giảm 61,5% so với đầu năm về 5,1 tỷ đồng. Song khoản phải thu ngắn hạn tăng 216% lên hơn 11,3 tỷ đồng, hơn nửa đến từ khoản ký quỹ, ký cược. Tài sản dài hạn tăng hơn 406% đạt 41,2 tỷ đồng chủ yếu tới từ các khoản đầu tư góp vốn vào Du lịch Đắk Lắk.

Về nguồn vốn, nợ phải trả giảm 8,6% so với đầu năm xuống gần 19,1 tỷ đồng, trong đó chi phí ngắn hạn phải trả lên đến 15,4 tỷ đồng đến từ chi phí cấp quyền khai thác, sử dụng tài liệu và trích trước chi phí sản xuất kinh doanh; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm ngoái là 252.272 đồng.

Năm 2021, doanh nghiệp đặt chỉ tiêu tổng doanh thu tăng 21,4% lên 51,6 tỷ đồng trong đó chế biến thiếc thỏi mang về 21,8 tỷ đồng và kinh doanh xăng dầu đem lại 26,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận ở mức âm 3 tỷ đồng.

Phiên giao dịch ngày 27/7/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 27/7/2021, ...

Tin tức chứng khoán mới nhất 17h00’ hôm nay 26/7/2021

Thông tin giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu như RAL, D2D, VIB, HVN, TTZ… được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt ...

Tin vui cho cổ đông HAGL Agrico (HNG): Công ty của tỷ phú Trần Bá Dương sẽ tiếp tục “bơm” 600 tỷ đồng

Trước sức ép Thagrico của tỷ phú Trần Bá Dương dừng rót thêm vốn đầu tư, phía HAGL Agrico (HNG) cho biết Ngân hàng BIDV ...

Yến Thanh