Cổ phiếu KBC của Đô thị Kinh Bắc "đo sàn": Người đi chưa chắc tiếc, người ở bắt đầu lo
Chủ tịch KBC từng “tiếc cho cổ đông rời đi”, nhưng với thị giá hiện nay giảm hơn một nửa so với đỉnh, người rời đi chưa chắc tiếc – còn người ở lại, có lẽ đang bắt đầu lo.
Phiên giao dịch ngày 16/5, cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP tiếp tục có diễn biến tiêu cực khi liên tiếp “nháy sàn” tại giá 20.650 đồng/cổ phiếu.
Dù vẫn xuất hiện dư mua, song lực cầu chủ yếu tập trung tại mức giá sàn, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang rất thận trọng với mã bất động sản khu công nghiệp từng được kỳ vọng hàng đầu trên sàn HOSE. Đây cũng là phiên giảm sàn thứ hai liên tiếp của cổ phiếu này.
Chỉ tính từ đầu tháng 4 đến nay, thị giá KBC đã giảm tới hơn 40%, tương ứng vốn hóa thị trường “bốc hơi” hơn 7.000 tỷ đồng. Đà lao dốc này diễn ra trong bối cảnh những thông tin bất lợi liên quan đến chính sách thuế mới công bố từ ngày 2/4/2025, tác động tiêu cực đến toàn bộ nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp nói chung.

Không riêng KBC, hàng loạt cổ phiếu cùng ngành cũng ghi nhận nhịp giảm sâu. GVR – cổ phiếu của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – đã giảm từ mức 32.000 đồng về còn 24.150 đồng/cổ phiếu, mất khoảng 25% giá trị chỉ trong hai tuần. PHR của Cao su Phước Hòa thậm chí giảm hơn 30%, từ vùng giá 63.000 đồng xuống chỉ còn 44.900 đồng/cổ phiếu.
Trở lại với KBC, Chủ tịch HĐQT Đặng Thành Tâm trong cuộc họp ĐHCĐ bất thường hồi đầu tháng 3 đã “khoe” nhiều hợp đồng lớn, song song với đó bày tỏ “cảm thấy tiếc cho các cổ đông trước kia vì họ đã rời công ty”.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, ông Tâm cũng từng phát biểu một cách đầy tự tin: “Ai mà bỏ KBC sau này ân hận”.
Tuy nhiên, với thị giá hiện nay, cổ phiếu KBC đã thấp hơn một nửa so với mức đỉnh hồi cuối năm 2021.
Việc cổ phiếu KBC giảm sâu trong khi Chủ tịch liên tục khẳng định về triển vọng dài hạn đang tạo nên một sự đối lập rõ rệt giữa kỳ vọng của lãnh đạo và thực tế thị trường. Khi mà ông Tâm "tiếc cho những cổ đông đã rời đi", tuy nhiên thực tế lại khiến nhiều người đang “ở lại” lo ngại, rằng liệu họ có đang đánh đổi niềm tin lấy một hành trình nhiều rủi ro.
Nói thêm về KBC, doanh nghiệp vừa thông báo gia hạn thời gian tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2025 đến chậm nhất ngày 30/6/2025. Công ty cho biết lý do gia hạn là do phần lớn các nội dung chiến lược quan trọng đã được thông qua tại đại hội cổ đông bất thường lần 1, tổ chức ngày 6/3/2025.
Trước đó, tại đại hội bất thường, cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với doanh thu mục tiêu 10.000 tỷ đồng, tăng 200% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 3.200 tỷ đồng, gấp 7 lần kết quả thực hiện năm 2024.
Tuy nhiên, kết quả năm 2024 lại là một bức tranh hoàn toàn trái ngược. Dù từng đặt mục tiêu doanh thu 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.000 tỷ đồng, KBC chỉ đạt 423 tỷ đồng lợi nhuận – tương đương 10,5% kế hoạch, giảm hơn 80% so với năm 2023. Chủ tịch Đặng Thành Tâm cũng thẳng thắn thừa nhận: “Kết quả kinh doanh 2024 không tốt do các dự án bị đình trệ".