Cổ phiếu giảm sâu sau soát xét, Nam Sông Hậu đang vướng vào những vấn đề nào?

Cập nhật: 10:40 | 09/04/2024 Theo dõi KTCK trên

Với báo cáo tài chính sau soát xét, Công ty TNHH Kiểm toán TTP đã đưa ra 3 ý kiến ngoại trừ đối với Nam Sông Hậu.

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vừa ra quyết định đưa cổ phiếu PSH của Công ty CP Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu vào diện cảnh báo từ ngày 10/4. Theo HoSE, lý do bởi tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính soát xét năm 2023 của Nam Sông Hậu.

Thông tin tiêu cực từ HOSE khiến cổ phiếu PSH chịu áp lực bán tháo quyết liệt trong phiên cuối tuần trước và đầu tuần này. Cụ thể, PSH đang trải qua chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp, trong đó có 2 phiên giảm hết biên độ. Kết phiên ngày 8/4, thị giá cổ phiếu này giảm 7% xuống 6.600 đồng cùng trạng thái "múa bên trăng", dư bán hàng trăm nghìn đơn vị. Đây cũng là mức thị giá thấp nhất của PSH trong vòng một năm trở lại đây.

Cổ phiếu giảm sâu sau soát xét, Nam Sông Hậu đang vướng vào những vấn đề nào?

Trở lai với báo cáo tài chính sau soát xét, Công ty TNHH Kiểm toán TTP đã đưa ra 3 ý kiến ngoại trừ đối với Nam Sông Hậu.

Ý kiến ngoại trừ đầu tiên liên quan đến việc Nam Sông Hậu bị Cục Thuế tỉnh Hậu Giang ra quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn từ 18/12/2023 đến 17/12/2024 với số tiền 1.139 tỷ đồng và bị Cục Thuế TP Cần Thơ cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn từ 22/12/2023 đến 23/12/2024 vối số tiền 92,5 tỷ đồng. Tổng doanh thu trong năm chưa phát hành hoá đơn là 236,8 tỷ đồng.

Theo lý giải của ban lãnh đạo Nam Sông Hậu, tại thời điểm tháng 12/2023, do khó khăn về tài chính, công ty đã thanh lý một số bất động sản đầu tư tại các tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp, Trà Vinh. Tuy nhiên, do bị cơ quan thuế cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn nên công ty tạm ghi nhận doanh thu đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản mà chưa xuất hoá đơn. "Trong thời gian tới, sau khi công ty hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, công ty sẽ xuất hoá đơn hợp lệ đối với khoản doanh thu trên", ban lãnh đạo Nam Sông Hậu cho hay.

Trong báo cáo tài chính, phía kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ rằng các khoản phải nộp ngân sách nhà nước còn nợ, nợ quá hạn cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Nam Sông Hậu khẳng định công ty đã có phương án khắc phục những khó khăn về tài chính, cụ thể ngày 27/2, công ty đã ký hợp đồng chấp thuận khoản vay với đối tác là tổ chức tài chính Acuity Funding. Theo kế hoạch, Acuity Funding sẽ giải ngân 290 triệu USD trong quý II/2024 cho công ty.

"Với nguồn tài trợ tín dụng dài hạn 20 năm của Acuity Funding sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công ty trong việc tái cơ cấu thanh toán các khoản nợ thuế, nợ quá hạn, nợ trái phiếu còn tồn đọng hiện nay nhằm giảm bớt áp lực tài chính để giúp công ty vượt qua khó khăn, tăng trưởng ổn định và bền vững", ban lãnh đạo Nam Sông Hậu cho biết.

Cổ phiếu giảm sâu sau soát xét, Nam Sông Hậu đang vướng vào những vấn đề nào?
Chủ tịch NSH Petro Mai Văn Huy (phải) và ông Ranjit Thambyrajah, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Acuity Funding ký kết hợp tác

Đối với ý kiến ngoại trừ liên quan đến việc kiểm toán không thể xác định tính hiện hữu của giá trị hàng tồn kho, ban lãnh đạo cho biết hiện hàng tồn kho của Công ty trị giá 4.654 tỷ đồng được chứa tại rất nhiều kho khác nhau và đều có hoá đơn mua hàng, nhập kho đầy đủ. Do công ty đang bàn giao giữa nhân sự cũ và mới nên chưa sắp sếp được thời gian và nhân sự phù hợp phục vụ công tác chứng kiếm kiểm kê hàng tồn kho.

NSH Petro được biết đến là một trong những nhà phân phối xăng dầu lớn nhất khu vực Tây Nam Bộ (miền Tây). Thông tin từ website công ty, PSH có 67 cửa hàng, 550 đại lý, một nhà máy lọc hóa dầu công suất 700.000 lít thành phẩm/ngày và 9 kho cầu cảng với tổng sức chưa hơn 500.000 m3.

Doanh nghiệp được thành lập ngày 14/2/2012, có trụ sở tại tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật là ông Mai Văn Huy. Vốn điều lệ của NSH Petro hiện ở mức hơn 1.261 tỷ đồng, tổng tài sản tính đến cuối năm 2023 lên đến gần 11.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền mặt chỉ còn hơn 24 tỷ đồng, "bốc hơi" gần 90% sau một năm.

Phần lớn tài sản của NSH Petro được tài trợ từ nguồn vốn nợ. Tổng nợ phải trả tại thời điểm cuối năm 2023 lên đến 9.400 tỷ đồng, gấp 5,9 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, riêng nợ vay tài chính đã lên đến hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm 2023 và chiếm gần 55% tổng nguồn vốn. Về cơ cấu, nợ vay tài chính chủ yếu là ngắn hạn với tỷ trọng hơn 77%.

Về kết quả kinh doanh năm 2023, NSH Petro ghi nhận doanh thu 6.099 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2022. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp lãi ròng 51 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ đến 236 tỷ đồng. Đáng chú ý, tình hình kinh doanh NSH Petro tương đối khởi sắc trong nửa đầu năm 2023 nhưng lại lỗ nặng 220 tỷ đồng trong quý 4.

Ông Mai Văn Huy - Chủ tịch HĐQT bị bán giải chấp 1.570.700 cổ phiếu PSH trong ngày 5/4/2023. Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu mà ông Huy nắm giữ giảm từ 78.911.000 cp, chiếm 62,53% xuống còn 77.340.300 cp, chiếm 61,29%. Giao dịch được thực hiện thức phương thức bán trên sàn.

Cùng ngày, HĐQT công ty thông qua việc gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 sau ngày 30/04/2024 và không chậm hơn thời điểm 30/06/2024 do để chuẩn bị các thủ tục Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 được thành công.

NSH Petro (PSH): Cú bơm vốn bất ngờ đưa cổ phiếu quay ngoắt 180 độ

Hậu "lùm xùm" nợ thuế, NSH Petro bất ngờ được tổ chức nước ngoài tài trợ khoản vốn lớn, cổ phiếu PSH cũng theo đó ...

Dầu khí Nam Sông Hậu (PSH) tiếp diễn tình trạng chậm trả lãi trái phiếu

Mới đây, Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (HoSE: PSH) đã có thông báo về việc chậm thanh toán ...

Dầu khí Nam Sông Hậu (PSH) nợ thuế loạt các tỉnh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Tính đến thời điểm hiện tại, Dầu khí Nam Sông Hậu (PSH) đang nợ thuế tại các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long và ...

Linh Đan