Cổ phiếu DGW “phá đỉnh” bất chấp thị trường “đỏ lửa”

Cập nhật: 14:38 | 10/03/2024 Theo dõi KTCK trên

Thị trường chứng khoán bất ngờ “đổ đèo” trong phiên giao dịch cuối tuần (8/3) khiến VN-Index mất mốc 1.250 điểm. Bất chấp sự sụt giảm mạnh từ thị trường chung, một số cổ phiếu vẫn tỏa sáng giúp kìm hãm đà rơi của chỉ số, trong đó DGW của Công ty CP Thế Giới Số (Digiworld) là một ví dụ.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, áp lực bán ồ ạt dâng cao ở những phút cuối phiên khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Qua đó, VN-Index chính thức xuyên thủng đường MA10 và đóng cửa ở vùng giá thấp nhất trong ngày.

Cụ thể, chốt phiên, trên sàn HOSE có tới 408 mã giảm, trong khi chỉ có 89 mã tăng, VN-Index giảm 21,11 điểm (tương ứng mức giảm -1,66%) xuống 1.247,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 1,35 tỷ đơn vị, giá trị 32.502,65 tỷ đồng, tăng 33,66% về lượng và tăng 29,57% về giá trị so với phiên trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 37,61 triệu đơn vị, giá trị 982,23 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhóm VN30 giảm sâu hơn khi để mất tới hơn 26 điểm xuống mốc 1.250 điểm.

VN-Index mất mốc 1.250 điểm
VN-Index giảm mạnh và mất mốc 1.250 điểm trong phiên 8/3

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index chốt phiên giảm 1,04 điểm (tương ứng mức giảm -0,44%) xuống 236,32 điểm với 62 mã tăng và 112 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 127,8 triệu đơn vị, giá trị 2.434,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,8 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 154,46 tỷ đồng.

Tại thị trường UpCoM, chỉ số UPCoM-Index cũng giảm 0,37 điểm (tương ứng -0,41%) xuống 91,23 điểm với 152 mã tăng và 140 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 52,31 triệu đơn vị, giá trị 553,44 tỷ đồng.

Trong phiên cuối tuần, Top cổ phiếu giảm sâu nhất xuất hiện nhiều mã ngân hàng với BID, TCB, CTG, TPB, MBB rơi xuống mức giá thấp nhất trong ngày và chốt phiên đều giảm hơn 3-4%. Theo ghi nhận, bank là nhóm giảm mạnh nhất thị trường, trong đó bộ 3 “BID - CTG – TCB” đã lấy đi tới hơn 6 điểm của VN-Index.

Bất chấp thị trường chìm trong “sắc đỏ, một số cổ phiếu đã ngược dòng thành công. Trong đó phải kể đến những cái tên điển hình như: DRC tăng 5,7%; DGW tăng 3,97%; DCM tăng 3,16%; PHR tăng 2%; CSM tăng 1,55%;…

Đối với DGW, kết phiên cuối tuần, cổ phiếu của Công ty CP Thế Giới Số (Digiworld) bất ngờ tăng gần 4% lên mức 60.300 đồng/cp, qua đó chính thức phá đỉnh một năm (đạt 59.700 trong phiên 9/10/2023) để vươn lên vùng đỉnh 16 tháng. So với thị giá hồi đầu năm 2024 là 52.300, cổ phiếu của Digiworld đã tăng trên 15% giá trị.

Cùng với đó, khối lượng giao dịch phiên cuối tuần của DGW cũng vượt xa mức trung bình 10 phiên khi đạt gần 7,3 triệu đơn vị - mức cao thứ 2 trong lịch sử niêm yết (sau phiên 1/3/2024). Giao dịch mua chủ động chiếm 55,4% so với mức 41,6% ở chiều bán ra. Mặt khác, khối ngoại cũng mua ròng đột biến 63,6 tỷ đồng.

Cổ phiếu DGW “phá đỉnh” bất chấp thị trường “đỏ lửa”
Bất chấp thị trường chung giảm mạnh, cổ phiếu DGW vẫn tiếp đà bứt phá cùng thanh khoản tăng vọt

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý IV/2023, Digiworld ghi nhận doanh thu thuần tăng 19% so với cùng kỳ, đạt 4.849 tỷ đồng. Sau khi trừ giá vốn và các chi phí, Digiworld báo lãi sau thuế quý IV đạt 90,2 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2023, Công ty đạt 18.817 tỷ đồng doanh thu, giảm 14,7% so với năm 2022, lợi nhuận sau thuế giảm 47% về mức 363 tỷ đồng. Năm 2023, Digiworld đặt mục tiêu đạt doanh thu 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới hoàn thành 94% kế hoạch doanh thu và 91% kế hoạch lợi nhuận năm.

Về tình hình tài chính, tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Digiworld đạt 7.501 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền, khoản tương đương tiền tăng mạnh 75%, đạt 1.450 tỷ đồng, chiếm 19% tổng tài sản.

Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 40% lên 2.221 tỷ đồng, chủ yếu từ các khoản phải thu khách hàng đối với Thế giới Di động, FPT Retail, Phong Vũ và các khách hàng khác.

Hàng tồn kho ghi nhận giá trị 3.003 tỷ đồng, giảm 8% nhưng vẫn chiếm đến 40% cơ cấu tài sản. Phần nhiều đến từ giá trị hàng hóa bao gồm điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay…

Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Digiworld tại thời điểm cuối năm 2023 tăng 24% lên 4.874 tỷ đồng. Trong đó, các khoản vay nợ chiếm gần một nửa, ở mức 2.327 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn tại các ngân hàng; trong khi khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng 27% lên 1.557 tỷ.

Vốn chủ sở hữu của công ty tính đến cuối quý IV là 2.627 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó, có 1.672 tỷ đồng vốn góp của chủ sở hữu và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn 867 tỷ.

Sang năm 2024, Digiworld đặt mục tiêu doanh thu 23.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 490 tỷ đồng, tăng lần lượt 22% và 38% so với thực hiện năm 2023. Riêng quý I, công ty kỳ vọng đạt 4.600 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 98 tỷ, tăng 16% và 24% so với kết quả cùng kỳ năm 2023.

Ở diễn biến liên quan, mới đây Digiworld đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc vay vốn tại Ngân hàng Techcombank. Cụ thể, HĐQT Digiworld đã thông qua phương án đề nghị cấp tín dụng tại Ngân hàng Techcombank tối đa 4 tháng theo từng khế ước nhận nợ, tổng hạn mức tín dụng 800 tỷ đồng và không có tài sản bảo đảm.

Mục đích vay nhằm bổ sung vốn lưu động, phát hành bảo lãnh, mở LC mua bán hàng hóa/nguyên vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm công nghệ, hàng tiêu dùng nhanh, chăm sóc sức khỏe của Công ty. Lãi suất sẽ được xác định theo quy định của Techcombank theo từng thời kỳ. Nguồn trả nợ từ hoạt động kinh doanh và các nguồn thu khác của DGW.

Các thành viên của DGW cam kết dùng toàn bộ nguồn thu, tài sản để ưu tiên trả nợ cho Techcombank, theo lịch trả nợ được quy định trước các cá nhân và tổ chức tín dụng khác. DGW cũng cam kết vì bất cứ lý do gì nếu không trả được nợ, sẽ tự nguyện bàn giao toàn bộ tài sản thế chấp, cầm cố để Techcombank toàn quyền xử lý để thu hồi nợ mà không gây bất cứ trở ngại gì. Techcombank cũng được toàn quyền trích tiền từ tài khoản của DGW để thu nợ khi đến hạn.

Tại thời điểm 31/12/2023, dư nợ vay của DGW ở mức 2.327 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm, chiếm 31% tổng nguồn vốn. Hầu hết là vay ngắn hạn tại các ngân hàng như Vietcombank, HSBC Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam, ANZ Việt Nam… đa phần không có tài sản bảo đảm.

Sau phiên giảm kỷ lục 7 tháng, nhà đầu tư nên quan sát kỹ lực cầu tại vùng hỗ trợ 1.230 điểm

Thị trường chứng khoán "lao dốc" mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần (8/3) khi VN-Index mất tới hơn 21 điểm với 408 mã giảm ...

Cổ phiếu SAB (Sabeco) về vùng đáy, tỷ phú người Thái có ôm "trái đắng"?

Với thị giá gần vùng đáy như hiện tại, giá trị vốn hoá của Sabeco đang ngày càng cách xa nhóm doanh nghiệp vốn hoá ...

Các nhóm ngành hứa hẹn "dẫn sóng" dưới góc nhìn chuyên gia

Lựa chọn đầu tư số một của chuyên gia VPBanks trong năm 2024 là ngành ngân hàng, với đánh giá đây vừa là nhóm vốn ...

Nguyễn Thanh