Cổ phiếu DCM lập đỉnh sau phiên tăng trần, động lực tăng giá chưa kết thúc

Cập nhật: 15:20 | 17/03/2021 Theo dõi KTCK trên

Kết phiên giao dịch ngày 17/3/2021, cổ phiếu DCM của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM) bất ngờ tăng trần 6,7% lên mức 17.450 đồng qua đó chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm điểm liên tiếp trước đó. Đây đồng thời cũng là mức đỉnh của DCM kể từ khi niêm yết trên sàn HOSE tháng 3/2015.

1901-aaaa
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Theo ghi nhận, đầu năm 2021, nhóm cổ phiếu phân bón ngành dầu khí liên tục bứt phá, xác lập vùng giá mới và dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới bởi những triển vọng khá tích cực.

Đáng chú ý trong nhóm này là cổ phiếu DCM của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau khi mã đã tăng gần 25% chỉ trong nửa đầu tháng 3 đồng thời tăng gấp 3 lần trong vòng 1 năm qua từ mức giá 5.500 - 6.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 3/2020.

Theo đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nhóm cổ phiếu ngành phân bón đã và đang tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này liên quan đến thị trường thế giới. Theo đó, nhu cầu mạnh mẽ từ hoạt động nông nghiệp năm 2021 từ Brazil và Ấn Độ đã giúp giá Urea trên thị trường thế giới tăng mạnh.

1753-dym
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Ngày 28/2, giá Urea giao ngay trên thị trường Trung Quốc đạt 365 USD/tấn, tăng 25,86% từ đầu năm. Còn tại thị trường trong nước tính đến cuối tháng 2, giá Urea đã tăng từ 6.500 đồng/kg lên 8.700 đồng/kg, tăng 33,84% từ đầu năm.

Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp được dự báo phục hồi kéo nhu cầu phân bón tăng cao. Tình hình thủy văn thuận lợi sẽ giúp cải thiện tình hình xâm nhập mặn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp tại khu vực Nam Bộ trong mùa vụ hè thu 2021.

Trong những tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh giá lúa và các nông sản khác đều tăng tốt nên nông dân đã tăng vụ sản xuất, vụ đông xuân kéo dài hơn mọi năm, nhu cầu phân bón khá tốt, giúp sản lượng tiêu thụ phân bón của các doanh nghiệp tăng cao.

Theo PVN, DCM hiện đang duy trì công suất nhà máy trên 110%, sản lượng tiêu thụ vượt xa so với kế hoạch 2 tháng đầu năm. Công ty đang tiếp tục đẩy mạnh sản xuất để tận dụng cơ hội thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, đồng thời đón đầu sự phục hồi của sản xuất nông nghiệp trên thế giới trong năm 2021 và dự báo sẽ tiếp tục vào năm 2022.

Về kết quả kinh doanh, trong năm 2020, DCM cũng ghi nhận kết quả tương đối khả quan.

Ngay trước khi kết thúc năm 2020, Đạm Cà Mau đã kịp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh so với số liệu đặt ra hồi đầu năm. Trong đó điều chỉnh kế hoạch doanh thu giảm 1.000 tỷ đồng xuống mức 6.953 tỷ đồng; chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế điều chỉnh tăng từ 52 tỷ đồng lên 479 tỷ đồng. Thực tế đến hết năm, doanh nghiệp vượt 8,8% mục tiêu về doanh thu và vượt 39% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Giải trình về kết quả kinh doanh, phía công ty cho biết, tuy giá bán bình quân giảm khoảng 10% so với cùng kỳ, nhưng sản lượng tăng cũng một phần làm cho doanh thu cân bằng hơn. Trong cơ cấu doanh thu của Đạm Cà Mau, doanh thu từ bán Ure đạt hơn 6.025 tỷ đồng, chiếm khoảng 78% tổng doanh thu toàn công ty. Giá vốn của Ure ghi nhận hơn 5.074 tỷ đồng, tương ứng riêng mảng Ure lãi thuần khoảng 950 tỷ đồng.

Về tình hình nợ vay, nợ qua các quý của DCM cũng liên tục giảm từ hơn 4.000 tỷ hồi quý I/2020 về gần 2.400 tỷ khi kết quý IV/2020.

Phiên giao dịch ngày 18/3/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 18/3/2021, ...

Tin tức chứng khoán mới nhất 17h hôm nay 17/3/2021

Thông tin giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu như TCH, CKG, LMH, VPR… được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam ...

Chứng khoán Đại Nam và Chứng khoán Đà Nẵng (DSC) sắp tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng

Hai công ty ngành chứng khoán là Chứng khoán Đại Nam (DNSE) và Chứng khoán Đà Nẵng (DSC) vừa thông qua kế hoạch tăng vốn ...

Yến Thanh