Cổ phiếu CTD 'bay hơi' 65% sau 1 năm, cổ đông than vãn, chủ tịch Bolat Duisenov phân trần

Cập nhật: 08:29 | 17/01/2023 Theo dõi KTCK trên

Kết quả kinh doanh 2022 cũng như kế hoạch đề ra cho năm 2023 cùng các vấn đề nóng như tình hình nợ xấu, giá cổ phiếu,... đã được lãnh đạo Coteccons giải đáp với cổ đông và báo giới tại buổi đối thoại cổ đông.

Doanh nghiệp xây dựng 'hụt hơi' trên đường về đích

Ban lãnh đạo Công ty CP Xây dựng Coteccons (Coteccons, HOSE: CTD) vừa có buổi đối thoại trực tuyến với cổ đông và báo giới nhằm giải đáp một số thắc mắc về tình hình sản xuất kinh doanh của công ty trong năm 2022 cũng như thông tin về kế hoạch năm 2023.

Hoàn thành 97% mục tiêu doanh thu

Một trong những nội dung được cổ đông quan tâm nhất là kết quả kinh doanh năm 2022 của Coteccons - năm được đánh giá là vô cùng khó khăn của ngành xây dựng. Đại diện ban lãnh đạo, CEO Võ Hoàng Lâm cho biết tính tới thời điểm hiện tại, doanh thu ước đạt 14.500 tỷ đồng, hoàn thành 97% kế hoạch (năm 2022, Coteccons đặt mục tiêu doanh thu 15.000 tỷ đồng - PV). Còn lợi nhuận đạt được như dự kiến (lợi nhuận sau thuế kế hoạch là 20 tỷ đồng – PV).

Backlog (giá trị hợp đồng đã ký kết được) hiện đạt 17.000 tỷ đồng, do đó năm 2023, ông Lâm cho biết Coteccons dự kiến chỉ tiêu kinh doanh sẽ tăng 10% - 20% so với mức thực hiện năm 2022.

Bình luận về những con số của năm 2022, chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov nhấn mạnh: “Coteccons đã đặt mục tiêu rất thận trọng vì năm vừa qua không dễ dàng gì. Chúng tôi đã rất chật vật. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đảm bảo để có thể đấu thầu được các dự án lớn, các dự án FDI, các dự án công. Đó là nỗ lực rất lớn”.

Ông Bolat cũng cho biết dù đã thận trọng trong việc đặt ra kế hoạch kinh doanh năm 2022, nhưng công ty vẫn không lường nổi biến động về giá nguyên vật liệu. “Có giai đoạn giá tăng 25%; thép, bê tông tăng giá điên cuồng, ảnh hưởng lớn tới biên lợi nhuận. Năm 2022, cả thế giới vừa bước ra khỏi Covid-19, Trung Quốc cũng vừa mới mở cửa trở lại, chuỗi cung ứng đứt gãy nghiêm trọng. Tôi rất biết ơn đồng nghiệp, cảm thấy mình may mắn khi thực hiện được kế hoạch đề ra. Tôi tin rằng từ năm 2023 trở đi, kết quả kinh doanh của Coteccons chỉ có tốt hơn nữa”.

Giá cổ phiếu không phản ánh đúng năng lực Coteccons

Một vấn đề nổi bật khác được các cổ đông nêu ra để chất vấn lãnh đạo Coteccons là giá cổ phiếu CTD quá thấp. Giải trình về vấn đề này, chủ tịch Bolat cho rằng thị giá CTD hiện tại không phản ánh đúng năng lực và giá trị của công ty. (So với đỉnh 110.000 đồng/cp vào ngày 25/1/2022, cổ phiếu CTD đã xuống đáy 25.200 đồng/cp tại ngày 15/11/2022 - PV)

Coteccons, Bolat Duisenov
Chủ tịch Bolat Duisenov tỏ ra thất vọng khi giá cổ phiếu CTD hiện tại không phản ánh đúng năng lực của Coteccons. Ảnh: Hải Thu

Dù tình hình kinh doanh thời gian gần đây đi xuống song thực tế Coteccons vẫn là doanh nghiệp xây dựng có tiềm lực tốt (vốn chủ dày, lượng tiền mặt dồi dào, nợ vay dù tăng nhưng vẫn tương đối ít - PV). Ông Bolat thông tin thêm Coteccons hiện có những quỹ đầu tư rót vốn vào, khoảng 5%/quỹ.

“Chúng tôi có một số cổ đông chiến lược và ngay trong ban điều hành cũng nắm giữ cổ phiếu, không ai có ý định bán. Khối lượng giao dịch cổ phiếu CTD nhỏ, cho thấy CTD không phải là cổ phiếu đầu tư ngắn hạn. Do đó, giá cổ phiếu hiện tại không phản ánh đúng”, chủ tịch Coteccons chia sẻ.

Người đứng đầu Coteccons cũng cho biết room ngoại của công ty hiện là 60%, nhưng công ty muốn xin cổ đông cho nâng lên 100%. “Dẫu vậy, Coteccons vẫn là một công ty Việt Nam chứ không phải công ty nước ngoài”, ông Bolat khẳng định.

“Cá nhân tôi muốn mà không thể mua thêm cổ phiếu vì bị giới hạn room ngoại”, ông nói.

"Nợ xấu 2.600 tỷ đồng là không chính xác"

Vấn đề nợ xấu cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo cổ đông. Bà Cao Thị Mai Lê - Kế toán trưởng Coteccons cho biết hầu hết dự án công ty tham gia đều có giá trị rất lớn, vài nghìn tỷ đồng/dự án, do đó việc thanh toán cần nhiều thời gian. Điều đó giải thích vì sao khoản trích lập dự phòng rất lớn. “Tuy nhiên, tin đồn nợ xấu 2.600 tỷ đồng là không chính xác”, bà khẳng định.

Cũng theo bà Lê, Coteccons đã thành lập hội đồng thu hồi nợ, năm rồi đã triển khai ban quản trị rủi ro. “Chúng tôi vẫn định kỳ đánh giá nợ xấu, sau đó dựa trên quy trình nội bộ, kết hợp bộ phận kiểm toán để trích lập dự phòng. Hầu như công ty đã trích lập đầy đủ” – bà nói và cho biết năm 2023, Coteccons vẫn tiếp tục tuân thủ quy định, theo nguyên tắc thận trọng và minh bạch. “Số liệu vẫn đang được xem xét, đánh giá, nhưng nếu tình hình tốt lên thì con số sẽ không nhiều”.

Trấn an thêm với cổ đông, CEO Võ Hoàng Lâm cho biết Coteccons thực thi đường lối minh bạch, bất kỳ rủi ro nào cũng được đánh giá để trích lập, chỉ sau khi thu hồi được công nợ thì mới hoàn nhập dự phòng. Điều này giúp tình hình tài chính của công ty rõ ràng để ban điều hành thực hiện kế hoạch năm.

Chủ tịch Bolat Duisenov nói rộng hơn khi cho biết lãnh đạo Coteccons liên tục nhìn vào các khoản phải thu, khách hàng và tình hình thanh toán của các dự án. “Tới thời điểm này, chúng tôi chưa thấy có dấu hiệu nào về việc sẽ bị mất tiền từ các khoản phải thu. Về quản trị rủi ro, chúng tôi sẽ thắt chặt hơn nữa, làm tốt hơn nữa, có thêm nhiều bước đánh giá trước khi quyết định tham gia vào một dự án nào”.

Bolat
Ban lãnh đạo Coteccons bác bỏ tin đồn nợ xấu 2.600 tỷ đồng cũng như chia sẻ về công tác thu hồi nợ. Ảnh: Hải Thu

Cũng theo ông Bolat, để hạn chế tình trạng khách hàng chậm trả, chiếm dụng vốn của nhà thầu, Coteccons đã xác định phát triển các nhóm khách hàng ít nguy cơ. Nhóm thứ nhất là những chủ đầu tư đã từng hợp tác với Coteccons. Nhóm thứ 2 là các dự án FDI. Nhóm thứ 3 là các chủ đầu tư lớn, có thương hiệu mạnh như: Vingroup, Sun Group, BIM Group, Ecopark, Doji Land…

Về các dự án của Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát mà Coteccons từng tham gia thi công, ông Bolat cho biết, Tân Hoàng Minh vốn là một khách hàng lớn của công ty. Nhưng vì biến cố bất ngờ, doanh nghiệp xây dựng này đang phải trích lập dự phòng tới 480 tỷ đồng cho các dự án của Tân Hoàng Minh.

Với Vạn Thịnh Phát, trước kia, Coteccons từng được giao dự án IFC Sai Gon One Tower. Doanh nghiệp đã khởi công nhưng sau đó xảy ra bất đồng với chủ đầu tư trong cách làm việc nên đã rút khỏi dự án. Chi phí bỏ ra trong dự án này được nói là “rất tối thiểu”. “Hiện tại, Coteccons không tham gia bất kỳ dự án nào của tập đoàn FLC”, chủ tịch Bolat thông tin thêm.

"Coteccons là gã khổng lồ khiêm tốn"

Một câu hỏi thú vị bên lề cuộc đối thoại là Coteccons đánh giá như thế nào về cơ hội của công ty khi đối thủ Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HOSE: HBC) đang gặp khủng hoảng nội bộ và bình luận gì về sự đi lên của “hệ sinh thái Nguyễn Bá Dương” khi trong năm 2022, các công ty trong hệ sinh thái này đã có doanh thu đạt khoảng 20.000 tỷ đồng, tức lớn hơn Coteccons và HBC.

Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Bolat Duisenov cho rằng Coteccons muốn nói về mình với thái độ khiêm nhường. “Chúng tôi chỉ muốn tự nhận mình là gã khổng lồ khiêm tốn”.

“Chúng tôi có hơn 2.000 kỹ sư. Kỹ sư là những người thích làm nhiều hơn nói. Ở góc độ điều hành, chúng tôi thấy rất rõ giá trị của công ty, những định hướng tương lai. Chúng tôi biết mình cần làm gì để bảo vệ những giá trị đó, dùng chiến lược gì để mang lại giá trị cho cổ đông, khách hàng, đối tác. Chúng tôi hoàn toàn không tin vào việc một người có thể điều hành được hết, làm được hết trong ngành này” – ông Bolat nói đầy hàm ý.

Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng CTD không muốn so sánh với đơn vị khác. “Nếu ta so sánh với người khác, không lẽ lúc nào cũng phải thay đổi như họ và không được là chính mình”.

Liên quan đến vấn đề này, một câu hỏi được đặt ra là CTD có tính tới việc đầu tư bất động sản hay không. Ông Bolat cho hay Coteccons hiện đang tham gia 1 dự án nhà ở (Coteccons hợp tác với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lê Phong để triển khai dự án căn hộ cao cấp The Emerald 68 tại Bình Dương - PV). Tuy nhiên, Coteccons không đặt mục tiêu trở thành công ty bất động sản và cạnh tranh với các khách hàng hiện nay.

Hải Thu

Tin cũ hơn
Xem thêm