Nhịp đập thị trường

Cổ phiếu bất động sản “dậy sóng”, VN-Index vượt ngưỡng kháng cự 1.240 điểm

Đức Anh 05/05/2025 15:40

Phiên giao dịch đầu tháng 5 chứng kiến VN-Index tăng mạnh 13,75 điểm lên 1.240,05, với nhóm bất động sản, hóa chất và chứng khoán dẫn dắt đà tăng. Cổ phiếu VHM, VRE, DCM, GEX... đồng loạt bứt phá. Thị trường lan tỏa sắc xanh, phản ánh tâm lý tích cực sau kỳ nghỉ lễ và kỳ vọng từ hệ thống KRX.

Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc phiên giao dịch ngày 5/5/2025 trong sắc xanh tích cực, với đà tăng lan tỏa mạnh mẽ trên toàn thị trường và sự bứt phá ấn tượng của nhóm cổ phiếu bất động sản. Chốt phiên, chỉ số VN-Index tăng mạnh 13,75 điểm, tương ứng 1,12%, lên mức 1.240,05 điểm. Thanh khoản ghi nhận giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 14.015 tỷ đồng với hơn 591 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng.

Rổ VN30 ghi nhận mức tăng 10,68 điểm, tương ứng 0,82%, lên 1.320,41 điểm, phản ánh sự đồng thuận của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong đó, các mã thuộc họ Vingroup tiếp tục là điểm sáng nổi bật. VHM tăng 4,28% lên 60.900 đồng/cổ phiếu, đóng góp tới 2,53 điểm cho VN-Index. VIC cũng tăng 2,94%, VRE bứt phá 5,29%, trong khi GVR và BCM lần lượt tăng 4,85% và 4,55%, tạo nên lực đẩy quan trọng giúp thị trường bứt phá vượt ngưỡng 1.240 điểm.

vn.jpg
Diễn biến thị trường phiên 5/5

Tuy vậy, thị trường vẫn ghi nhận áp lực điều chỉnh ở một số cổ phiếu ngân hàng và công nghệ. VCB giảm nhẹ 0,35%, khiến VN-Index mất 0,39 điểm, trong khi VNM, LPB, FPT và HDB lần lượt điều chỉnh từ 0,7% đến hơn 1,2%. Dù mức giảm không lớn, nhưng sự chững lại của các cổ phiếu này cho thấy nhà đầu tư vẫn đang chọn lọc trong việc phân bổ dòng tiền, ưu tiên nhóm đang có lực mua tốt hơn và khả năng hồi phục nhanh sau kỳ nghỉ lễ.

Sàn HNX cũng khởi sắc với mức tăng 0,87 điểm, tương ứng 0,41%, đưa chỉ số HNX-Index lên 212,81 điểm. Giao dịch tại đây ghi nhận gần 43,2 triệu cổ phiếu, đạt giá trị hơn 706 tỷ đồng, phản ánh tâm lý tích cực lan tỏa sang cả nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa. Trong khi đó, sàn UPCoM tạm thời chững lại với mức giảm nhẹ 0,04 điểm, đưa chỉ số UPCoM-Index về mức 92,38 điểm. Thanh khoản vẫn duy trì tốt với hơn 58,8 triệu cổ phiếu và giá trị giao dịch hơn 3.236 tỷ đồng, cho thấy dòng tiền đầu cơ vẫn hiện diện mạnh mẽ tại nhóm cổ phiếu nhỏ.

Dẫn đầu đà tăng là nhóm bất động sản với mức tăng 2,69%, trong đó hàng loạt cổ phiếu trụ như VHM tăng mạnh 4,28%, BCM bật 4,55%, VRE bứt phá 5,29%, còn NLG tăng 5,26% và KDH cộng thêm 3,04%. Đáng chú ý, cổ phiếu BVL tăng tới 11%, SZC tăng 5,05% và PXL tăng 4,35%, cho thấy dòng tiền đang tập trung mạnh mẽ vào các mã có câu chuyện tăng trưởng và tiềm năng hồi phục trong quý II.

Bên cạnh bất động sản, nhóm hóa chất cũng ghi nhận phiên tăng thuyết phục khi tăng tới 3,96%. Hàng loạt mã trong ngành bứt tốc với mức tăng ấn tượng như CSV tăng 6,99%, LAS cộng 6,11%, PLC bật 6,7%, DCM tăng 4,95% và DPM thêm 4,28%. Sự phục hồi của giá phân bón trên thị trường quốc tế cùng kỳ vọng xuất khẩu khởi sắc trong nửa cuối năm đã tạo động lực tăng trưởng mới cho nhóm ngành này.

Ngành du lịch và giải trí cũng không kém cạnh với mức tăng 2,97%, được dẫn dắt bởi bộ ba hàng không HVN (+2,85%), VJC (+4,19%) và SCS (+2,2%). Việc các hãng hàng không ghi nhận lượng khách tăng mạnh trong dịp nghỉ lễ cùng kỳ vọng phục hồi lợi nhuận quý II đã tạo động lực lớn cho cổ phiếu ngành này. Các mã dịch vụ liên quan như SGN, SAS, HTM cũng đồng loạt tăng trên 2%, cho thấy tâm lý tích cực lan tỏa toàn ngành.

Ngành hàng và dịch vụ công nghiệp tiếp tục duy trì phong độ ổn định với mức tăng 1,12%, nổi bật là GEX tăng 6,98%, GMD tăng 2,83%, VSC bật 6,92%, HAH tăng 2,8% và SGP bứt tốc tới 9,24%. Dòng tiền đang quay lại nhóm cổ phiếu logistics và vận tải biển nhờ kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu và lợi nhuận cải thiện từ chi phí vận hành ổn định hơn.

Ngành dịch vụ tài chính, đặc biệt là chứng khoán, cũng ghi nhận sự trở lại của dòng tiền đầu cơ. VIX tăng mạnh 4,18%, EVF cộng 4,87%, VFS tăng gần 2%, SSI, HCM, MBS, VND và TVS đều ghi nhận mức tăng từ 0,5% đến trên 1,5%, phản ánh kỳ vọng về sự phục hồi của thị trường cơ sở sẽ mang lại dư địa lợi nhuận lớn cho các công ty chứng khoán trong quý II.

Ngành bán lẻ và công nghệ cũng khởi sắc, lần lượt tăng 1,04% và dù công nghệ giảm nhẹ 0,47% do áp lực từ FPT, nhưng các mã nhỏ như SGT và CMG vẫn tăng mạnh. Trong khi đó, nhóm ngân hàng chỉ tăng nhẹ 0,23%, với một số mã như NAB, BVB, STB, VIB và BID giữ được sắc xanh, nhưng nhiều cổ phiếu lớn như VCB, LPB, HDB vẫn chịu áp lực điều chỉnh nhẹ.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Cổ phiếu bất động sản “dậy sóng”, VN-Index vượt ngưỡng kháng cự 1.240 điểm
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO