Cổ phiếu ACB được chấp thuận niêm yết trên HOSE, một vụ kiện chưa ngã ngũ

Cập nhật: 09:48 | 21/11/2020 Theo dõi KTCK trên

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vừa thông báo chấp thuận niêm yết đối với hơn 2,16 tỷ cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) - tương ứng vốn điều lệ 21.616 tỷ đồng. Quyết định có hiệu lực từ ngày 20/11.

Hiện nay ACB vẫn đang được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Giá cổ phiếu chốt phiên 20/11 là 27.300 đồng/cổ phiếu, tăng 56% so với hồi đầu năm.

4634-dc
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Hiện, ACB cũng đang có kế hoạch chuyển sàn niêm yết từ HNX sang HOSE. “Chúng tôi dự kiến Ngân hàng sẽ chuyển niêm yết vào tháng 12/2020 hoặc tháng 1/2021 và cổ phiếu được kỳ vọng sẽ không chỉ là một phần của VN-Index mà còn góp mặt trong nhóm VN30”, đại diện VOF chia sẻ.

Theo báo cáo của ngân hàng, sau khi chuyển sang HOSE, cổ phiếu ACB có thể lọt vào các rổ chỉ số như VN30 (tỷ trọng 4%), VNDiamond (10%), VNFIN Select (12%), VNFIN Lead (12%)… Theo đó, các quỹ mô phòng chỉ số này sẽ cho phép khối ngoại gián tiếp đầu tư vào ngân hàng này.

Mới nhất, quỹ VOF VinaCapital đã gom thêm cổ phiếu ACB trong tháng 10 qua đó đưa cổ phiếu này vào nhóm các khoản đầu tư lớn nhất thay thế cho VHM. Tỷ trọng ngành dịch vụ tài chính (bao gồm ngân hàng) trong cơ cấu danh mục Quỹ tăng từ 15,3% lên mức 18,1%.

Phía VinaCapital tự tin rằng kinh nghiệm trong việc phát triển ngân hàng trực tuyến (Timo) của họ sẽ có ích cho quá trình chuyển đổi của ngân hàng ACB.

Trước đó tại phiên họp thường niên 2020, cổ đông ngân hàng thông qua việc chuyển sàn từ HNX sang HOSE. Tổng Giám đốc Đỗ Minh Toàn từng cho biết, ngân hàng sẽ niêm yết HOSE trong tháng 11, 12 sau khi chia cổ tức.

Theo đó vừa qua, ACB đã hoàn tất trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông.

Mới đây, ACB đã thông báo ký hợp đồng đại lý độc quyền phân phối các sản phẩm bảo hiểm cho Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam trong thời hạn 15 năm.

SSI Research giả định phí độc quyền trong trường hợp của ACB có thể khoảng dao động trong khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng; điều này sẽ giúp vốn chủ sở hữu của ngân hàng tăng lên trong năm 2021.

Về tình hình kinh doanh, tại báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020, ACB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 4.485 tỷ đồng, tăng 16,5% so với đầu năm trong đó thu nhập lãi thuần tăng 20,2% đạt 3.635 tỷ đồng. Các mảng khác như kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư cũng có kết quả khả quan, tăng trưởng cao. Trong khi đó, lãi từ hoạt động dịch vụ sụt giảm 5,3% xuống 491 tỷ đồng, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh giảm 66,5% xuống 17 tỷ đồng.

Trong quý III/2020, chi phí hoạt động của ACB chỉ ở mức 1.732 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019. ACB đã trích 162 tỷ đồng cho chi phí dự phòng trong quý, tăng 143% so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý III của ngân hàng đạt 2.591 tỷ đồng, tăng 33,7% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 6.411 tỷ đồng, tăng 15,3%, bất chấp ngân hàng đã tăng mạnh chi phí dự phòng lên hơn 4 lần so với cùng kỳ. Chi phí dự phòng của ACB 9 tháng ở mức 694 tỷ đồng, chỉ chiếm 9,8% so với lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh do ngân hàng có nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất hệ thống.

Động lực tăng trưởng thu nhập chính trong 9 tháng đầu năm của ACB vẫn chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần, tăng 15,8% so với cùng kỳ và đạt 10.166 tỷ đồng.

Ngoài ra, ACB còn ghi nhận lãi đột biến từ mua bán chứng khoán đầu tư, đạt 700 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lãi vỏn vẹn 3,6 tỷ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng tăng trưởng cao, có lãi 488 tỷ đồng, tăng 67,7% so với cùng kỳ.

Đến ngày 30/9/2020, tổng tài sản của ACB đạt 418.748 tỷ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 10,7% đạt 297.385 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 8,6% đạt 334.729 tỷ đồng.

Nợ xấu của ACB ở mức 2.479 tỷ đồng, tăng tới 71% so với đầu năm trong đó nợ nhóm 3 tăng 3,5 lần lên 831 tỷ; nợ nhóm 4 tăng 75% lên 543 tỷ; nợ nhóm 5 tăng 22% lên 1.105 tỷ. Dù vậy, ACB vẫn duy trì tỷ lệ nợ xấu ở hàng thấp nhất hệ thống, chỉ ở mức 0,84%.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ACB tăng nhẹ trong vòng 1 tháng qua với thanh khoản trung bình đạt gần 9 triệu/phiên (trong 10 phiên gần nhất. Kết ngày 19/11, mã này đứng tham chiếu 27.200 đồng. Vốn hóa tại thời điểm này đạt 58.794,39 tỷ đồng.

Hủy án sơ thẩm vụ Ngân hàng ACB khởi kiện Bầu Kiên

Một thông tin liên quan đến ACB cũng rất được du luận chú ý thời gian gần đây là sự kiện tối 30/9/2020, Tòa án Nhân dân TP. HCM đã kết thúc xét xử phúc thẩm và tuyên bố hủy bản án sơ thẩm vụ tranh chấp giữa Ngân hàng thương mại Á Châu (ACB) kiện ông Nguyễn Đức Kiên (tên thường gọi: Bầu Kiên). Ngân hàng ACB khởi kiện, yêu cầu Bầu Kiên trả khoản tiền liên quan đến trách nhiệm bảo lãnh CTCP Đầu tư Á Châu.

Xử sơ thẩm trước đó, Tòa án Nhân dân Quận 3 (TP. HCM) buộc Bầu Kiên trả ACB hơn 80,5 tỷ đồng.

Theo cấp sơ thẩm, đây là khoản tiền bị đơn phải thực hiện trách nhiệm khi ông này ký chứng thư bảo lãnh với Ngân hàng ACB liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng. Sau đó, Bầu Kiên kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nói trên.

Ở tòa phúc thẩm, hội đồng xét xử nhận định hợp đồng liên quan đến kinh doanh vàng giữa Ngân hàng ACB và CTCP Đầu tư Á Châu phù hợp quy định pháp luật tại thời điểm ký kết. Tương tự, chứng thư bảo lãnh do cá nhân Bầu Kiên ký ngày 15/3/2012 cũng hợp pháp. Do đó, tòa phúc thẩm quyết định hủy án sơ thẩm, giao cấp sơ thẩm thu thập đủ chứng cứ và xét xử lại.

Chi tiết xem tại đây...

Các nhà băng toan tính gì khi chuyển sàn?

Chuyển sàn chỉ là vấn đề sớm hay muộn của các doanh nghiệp nhưng việc đi trước một bước cho thấy các ngân hàng đang ...

ACB: Lợi nhuận, nợ xấu "song hành"

Mặc dù ghi nhận sụt giảm thu nhập tại các mảng dịch vụ và hoạt động khác nhưng lợi nhuận thuần của ACB vẫn tăng ...

Cổ phiếu ACB tăng mạnh trước thời điểm chào sàn HOSE

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết hơn 2,16 tỷ cổ phiếu ACB ...

Quốc Trung