Góc nhìn

Cơ hội và thách thức đổi mới tài chính số đối với doanh nghiệp Việt Nam

ThS. Phạm Thị Lan Anh - Khoa Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính 14/03/2025 11:56

Trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới tài chính số là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp. Tại Việt Nam, quá trình này diễn ra mạnh mẽ nhờ ứng dụng công nghệ như blockchain, AI, Big Data, giúp tối ưu chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đối mặt với nhiều thách thức cần vượt qua.

Trong kỷ nguyên của Cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới tài chính số trở thành yếu tố sống còn đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính đang diễn ra mạnh mẽ. Các công nghệ tiên tiến như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) đang góp phần thay đổi cách doanh nghiệp vận hành, từ quản lý tài chính, tối ưu hóa chi phí, đến gia tăng hiệu quả kinh doanh, tuy nhiên, cùng với những cơ hội, các doanh nghiệp cũng đối mặt với nhiều thách thức. Bài viết này phân tích cơ hội và thách thức mà đổi mới tài chính số mang lại, từ đó đề xuất các giải pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tối đa tiềm năng và vượt qua thách thức để phát triển.

Tổng quan về đổi mới tài chính số ở Việt Nam

Đổi mới tài chính số là quá trình ứng dụng các công nghệ hiện đại vào lĩnh vực tài chính nhằm tối ưu hóa hiệu quả, mở rộng phạm vi tiếp cận dịch vụ và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và Internet tạo tiền đề thuận lợi cho đổi mới tài chính số đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ số hóa tài chính nhanh nhất khu vực ASEAN.

Phát triển tài chính số ở Việt Nam đang tăng trưởng cả quy mô thị trường tài chính số và tỷ lệ tăng trưởng (Hình 1). Nhiều dự báo đưa ra quy mô nền kinh tế số tại Việt Nam sẽ đạt 57 tỷ USD vào năm 2025 và 220 tỷ USD năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á.

Cơ hội và thách thức đổi mới tài chính số đối với doanh nghiệp Việt Nam (2)
Quy mô nền kinh tế số tại Việt Nam (Tỷ USD). Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Cơ hội và thách thức đổi mới tài chính số đối với doanh nghiệp Việt Nam (1)
Tỷ trọng Kinh tế số so với quy mô GDP toàn nền kinh tế (%). Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Tại Việt Nam, hệ sinh thái tài chính công nghệ (Fintech) đang mở rộng. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đến năm 2024, Việt Nam có hơn 200 công ty Fintech hoạt động trong các lĩnh vực như thanh toán, cho vay ngang hàng (P2P lending), blockchain, và bảo hiểm. Các ví điện tử như: Momo, ZaloPay, VNPay đã phổ biến, thúc đẩy xu hướng thanh toán không tiền mặt. Hầu hết các ngân hàng lớn như: Vietcombank, BIDV, Techcombank... đều đã triển khai ngân hàng số, giúp khách hàng thực hiện giao dịch trực tuyến dễ dàng và nhanh chóng hơn. Cũng theo NHNN, giá trị giao dịch thanh toán không tiền mặt năm 2023 tăng hơn 50% so với năm 2022, phản ánh sự dịch chuyển mạnh mẽ từ tiền mặt sang các phương thức thanh toán kỹ thuật số.

Tỷ trọng nền kinh tế số so với GDP toàn nền kinh tế cũng ghi nhận sự các mức tăng trưởng đáng kể. Nếu như năm 2019, tỷ trọng này là 5% thì đến 2023, chỉ số này đã tăng lên 16,5%. Dự báo đến 2030, nền kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP toàn nền kinh tế.

Có ba yếu tố cơ bản thúc đẩy đổi mới tài chính số tại Việt Nam là:

Thứ nhất, sự bùng nổ của Internet và smartphone. Tỷ lệ dân số sử dụng Internet tại Việt Nam đạt 75,5% năm 2023, trong khi hơn 90 triệu thuê bao di động cung cấp nền tảng cho việc triển khai các dịch vụ tài chính số.

Thứ hai, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số 2025, tầm nhìn 2030, đã đặt mục tiêu đưa 80% người trưởng thành tại Việt Nam sử dụng tài khoản thanh toán tại các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính.

Thứ ba, hoạt động đầu tư quốc tế vào Fintech. Nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm và các tập đoàn quốc tế đã rót vốn vào các startup tài chính số tại Việt Nam, thúc đẩy sự đổi mới và cạnh tranh.

Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp

Cơ hội

Đổi mới tài chính số là xu hướng tất yếu, là động lực thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Đổi mới tài chính số mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, cụ thể:

Thứ nhất, tăng cường năng lực cạnh tranh. Đổi mới tài chính số giúp doanh nghiệp nâng cao sức mạnh cạnh tranh nhờ cải thiện trải nghiệm khách hàng. Các công cụ tài chính số như: thanh toán trực tuyến, ví điện tử, ngân hàng số giúp khách hàng giao dịch dễ dàng, nhanh chóng, an toàn hơn. Doanh nghiệp sử dụng các giải pháp này sẽ dễ dàng thu hút và giữ chân khách hàng. Ngoài ra, tài chính số còn giúp tăng tốc đổi mới sản phẩm và dịch vụ. Với dữ liệu thời gian thực và hệ thống tài chính số linh hoạt, doanh nghiệp có thể phát triển các sản phẩm tài chính hoặc giải pháp mới đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời gian ngắn.

Thứ hai, tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh. Đổi mới tài chính số mang lại những công cụ mạnh mẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả. Các công cụ quản lý tài chính số tự động hóa các nghiệp vụ như: kế toán, lập hóa đơn, quản lý dòng tiền, giúp doanh nghiệp giảm chi phí nhân lực và hạn chế sai sót. Thanh toán kỹ thuật số giúp giảm chi phí liên quan đến việc sử dụng tiền mặt và giao dịch truyền thống, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có lượng giao dịch lớn. Các nền tảng tài chính số cung cấp dữ liệu tức thời, giúp doanh nghiệp quản lý dòng tiền hiệu quả hơn, đảm bảo khả năng thanh khoản và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Các công nghệ phân tích dữ liệu và AI giúp doanh nghiệp dự đoán và quản lý các rủi ro tài chính, từ rủi ro tín dụng đến rủi ro vận hành.

Thứ ba, mở rộng phạm vi hoạt động. Tài chính số tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua các giới hạn truyền thống và tiếp cận thị trường mới. Với các công cụ thanh toán xuyên biên giới và nền tảng thương mại điện tử tích hợp tài chính số, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế mà không cần đầu tư lớn vào hạ tầng vật lý. Ngoài ra, tài chính số giúp doanh nghiệp phục vụ tốt hơn các nhóm khách hàng chưa được tiếp cận trước đây, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Thách thức

Một là, thách thức về bảo mật và an ninh mạng. An ninh mạng và bảo mật dữ liệu là mối quan tâm hàng đầu khi DN chuyển đổi sang tài chính số. Đặc biệt là các công ty tài chính, trở thành mục tiêu chính của các cuộc tấn công mạng. Các hình thức tấn công như lừa đảo trực tuyến, mã độc tống tiền và tấn công từ chối dịch vụ gây tổn thất lớn cả về tài chính và uy tín.

Ngoài ra, số lượng lớn dữ liệu khách hàng, bao gồm thông tin tài chính nhạy cảm, đòi hỏi doanh nghiệp phải có hệ thống bảo mật mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa đầu tư đủ vào việc bảo vệ dữ liệu, dẫn đến rủi ro rò rỉ thông tin...

Hai là, thách thức từ gia tăng cạnh tranh quốc tế. Đổi mới tài chính số thúc đẩy sự toàn cầu hóa, nhưng cũng tạo ra sức ép cạnh tranh lớn đối với doanh nghiệp. Các công ty Fintech lớn từ nước ngoài như: Grab, PayPal và Stripe đã xâm nhập thị trường Việt Nam với công nghệ tiên tiến và nguồn lực mạnh, gây áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước.

Các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc đã đi trước Việt Nam nhiều năm trong đổi mới tài chính số, với các hệ thống tài chính hiện đại và khung pháp lý hỗ trợ. Doanh nghiệp Việt Nam cần bắt kịp về công nghệ và năng lực vận hành. Các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường quốc tế cần tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về bảo mật, quản lý rủi ro, và quy trình tài chính. Điều này đòi hỏi thời gian, chi phí, năng lực mà nhiều DN chưa đáp ứng được.

Ba là, thách thức từ rào cản về cơ sở hạ tầng. Hạ tầng công nghệ và cơ sở vật chất là yếu tố quan trọng để triển khai tài chính số, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn. Các hệ thống công nghệ tại nhiều DN vẫn rời rạc và lỗi thời, không đáp ứng được yêu cầu tích hợp các giải pháp tài chính số hiện đại.

Hạ tầng công nghệ tại khu vực thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã phát triển, nhưng tại các vùng nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số vẫn còn kém phát triển, gây khó khăn cho việc triển khai tài chính số. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới tài chính số, doanh nghiệp cần đầu tư lớn vào phần cứng, phần mềm, và các dịch vụ đi kèm, điều này gây áp lực tài chính, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đề xuất một số giải pháp

Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức của đổi mới tài chính số, Doanh nghiệp cần áp dụng các giải pháp chiến lược và toàn diện. Một số giải pháp có thể xem xét bao gồm:

Thứ nhất, đầu tư vào hạ tầng công nghệ và bảo mật thông tin thông qua nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, tăng cường bảo mật thông tin và hợp tác với các công ty công nghệ. Doanh nghiệp cần đầu tư vào các giải pháp an ninh mạng tiên tiến, chẳng hạn như tường lửa thông minh, mã hóa dữ liệu, và hệ thống phát hiện xâm nhập (IDS). Đồng thời, xây dựng các quy trình bảo vệ dữ liệu chặt chẽ nhằm giảm thiểu rủi ro tấn công mạng. Liên kết với các công ty Fintech hoặc chuyên gia công nghệ để triển khai các giải pháp an toàn và hiệu quả hơn.

Thứ hai, xây dựng chiến lược tài chính linh hoạt thông qua tận dụng các sản phẩm tài chính số, đa dạng hóa nguồn vốn và quản trị rủi ro tài chính. Sử dụng các công cụ quản lý tài chính như ứng dụng ngân hàng số, hệ thống kế toán tự động, thanh toán kỹ thuật số để tối ưu hóa nguồn lực và cải thiện hiệu quả kinh doanh; Khai thác các kênh huy động vốn hiện đại như cho vay ngang hàng (P2P lending), gọi vốn cộng đồng hoặc phát hành tài sản số; Ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data) để dự đoán và giảm thiểu rủi ro tài chính trong quá trình kinh doanh.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực số thông qua đào tạo và nâng cao kỹ năng, thu hút nhân tài công nghệ và hợp tác với các tổ chức giáo dục. Tổ chức các chương trình đào tạo nội bộ để nâng cao năng lực của nhân viên trong việc sử dụng công nghệ số, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý tài chính và an ninh mạng. Xây dựng chính sách tuyển dụng và đãi ngộ hấp dẫn để thu hút các chuyên gia công nghệ tài chính giỏi. Phối hợp với các trường đại học và trung tâm đào tạo để phát triển nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu chuyển đổi số.

Thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua nghiên cứu và phát triển (R&D) và đổi mới mô hính kinh doanh. Đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển để tạo ra các sản phẩm tài chính số độc đáo và khác biệt. Tận dụng tài chính số để phát triển các mô hình kinh doanh mới như dịch vụ đăng ký thuê bao hoặc các nền tảng chia sẻ. Tập trung vào cá nhân hóa dịch vụ và nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua dữ liệu và công nghệ số.

Thứ năm, tận dụng sự hỗ trợ từ chính sách và nhà nước thông qua tham gia các chương trình chuyển đổi số quốc gia. Doanh nghiệp cần tận dụng các chương trình hỗ trợ của Chính phủ trong việc chuyển đổi số, như các gói hỗ trợ tài chính, đào tạo và tư vấn. Đồng thời, đảm bảo hoạt động tài chính số tuân thủ các quy định pháp luật, đặc biệt trong các lĩnh vực như bảo mật dữ liệu, quản lý rủi ro và thuế.

Theo Nguồn Tạp chí Tài chính
https://tapchitaichinh.vn/co-hoi-va-thach-thuc-doi-moi-tai-chinh-so-doi-voi-doanh-nghiep-viet-nam.html
Copy Link
https://tapchitaichinh.vn/co-hoi-va-thach-thuc-doi-moi-tai-chinh-so-doi-voi-doanh-nghiep-viet-nam.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Cơ hội và thách thức đổi mới tài chính số đối với doanh nghiệp Việt Nam
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO