Cơ hội giải ngân trong mắt nhà đầu tư ngoại

Cập nhật: 07:30 | 11/10/2022 Theo dõi KTCK trên

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc với khách nước ngoài đầu tư bất động sản, mua nhà tại Việt Nam từ những ngày đầu tiên chính sách mở cửa, tôi nhận thấy đa số họ cảm thấy thực sự hài lòng khi an cư, lập nghiệp tại nơi đây.

Thị trường bất động sản trầm lắng, nhà đầu tư nội quan ngại, nhà đầu tư ngoại ‘hồ hởi’ (Ảnh minh họa)

Thị trường bất động sản trầm lắng, nhà đầu tư nội quan ngại, nhà đầu tư ngoại tìm cơ hội đầu tư. Ảnh minh họa

Mấy tháng gần đây, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tín dụng bất động sản, nguồn tiền chảy vào kênh đầu tư này khá nhỏ giọt, thanh khoản kém đi trông thấy.

“Họa vô đơn chí”, thị trường chứng khoán bước vào thời kỳ downtrend, càng khiến các nhà đầu tư nội đứng ngồi không yên, ngày một bi quan, chán chường hơn. Người đã xuống tiền thì lo lắng vì không thể “thoát hàng”, kẻ cầm tiền thì chỉ dám đứng nhìn, chờ đợi một tín hiệu tích cực hơn khi cả hai kênh đầu tư trọng yếu đang diễn biến quá xấu, không hấp dẫn để thu hút đầu tư!

Thế nhưng, đó là suy nghĩ của nhà đầu tư trong nước. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, họ lại có quan điểm khác biệt khi nhận thấy một triển vọng tươi sáng và cho rằng đây mới thực sự là thời điểm thích hợp để bắt đầu “gom hàng”.

Nhà đầu tư ngoại có cái lý để tin vào viễn cảnh lạc quan này. Kinh tế Việt Nam đang đứng trong nhóm có tốc độ phục hồi nhanh nhất sau đại dịch Covid-19 tại châu Á và thế giới.

Chính phủ đã nhạy bén, linh hoạt trong công tác phòng chống dịch, và hậu đại dịch, qua việc ban hành liên tiếp các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh chóng đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường.

Điểm sáng này đã thu hút không ít nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Hồng Kông, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc… và thuyết phục họ chi hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư nhà máy vào các khu công nghiệp Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Long An…

Việt Nam cũng hấp dẫn bởi sở hữu lợi thế về dân số trẻ, người dân tính cách thân thiện, hòa đồng… Không có gì làm lạ, khi Việt Nam được đánh giá là “ngôi sao” đang lên, kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong vòng 5-10 năm tới.

Cơ chế sở hữu bất động sản thông thoáng cũng tạo ra “hấp lực” cho Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Luật Đất đai cho phép người nước ngoài được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam không quá 30% trên tổng số căn hộ trong 1 dự án, thời gian sở hữu 50 năm. Điều này mở ra cơ hội lớn cho những người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam và cả những người có ý định sinh sống tại Việt Nam.

Nhìn chung, giá nhà ở của nước ta so với các nước phát triển về cơ bản đã tương đối hợp lý và hấp dẫn. Ví dụ 1 căn hộ phân khúc hạng B ở Bắc Kinh, hay Thượng Hải (Trung Quốc) đang có mức giá 200-300 triệu đồng/m2 (sau quy đổi), là quá cao so với mặt bằng của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều nơi diện tích sở hữu chung cũng được tính vào giá căn hộ. Chẳng hạn căn hộ đó có diện tích 100 m2 trên giấy chứng nhận sử dụng, nhưng trên thực tế diện tích sử dụng chỉ khoảng 70 m2, phần còn lại được hiểu là diện tích chung, như hàng lang, thang máy…

Với kinh nghiệm nhiều năm phục vụ khách nước ngoài đầu tư, mua nhà tại Việt Nam từ những ngày đầu tiên chính sách mở cửa, tôi nhận thấy đa số nhà đầu tư nước ngoài họ cảm thấy thực sự hài lòng khi an cư, lập nghiệp tại nơi đây. Họ không phải mất tiền cho diện tích công cộng như ở các quốc gia khác, trong khi các dự án đủ điều kiện bán cho người nước ngoài đều thuộc hạng trung cấp trở lên, tiện ích đầy đủ…

Tôi còn biết, có những người nước ngoài ban đầu chỉ mua nhà để cho thuê, thu tiền hàng tháng nhưng sau một thời gian sống tại Việt Nam, họ vô tình đã “phải lòng” cuộc sống giàu văn hóa tại đây, và quyết định đưa cả gia đình sang để định cư, làm việc. Họ cùng chung một cảm nhận, đó là không gian sống ở Việt Nam “dễ thở” hơn nơi khác rất nhiều.

Việc đầu tư bất động sản cũng đem lại cho khách hàng nước ngoài một tỷ suất sinh lời vô cùng hấp dẫn. Ước tính căn hộ có diện tích 64 m2, hai phòng ngủ tại khu đô thị sầm uất, đầy đủ tiện ích ở Hà Nội có thể cho thuê đến 15 triệu đồng/tháng, trong khi số vốn cần bỏ ra là khoảng 3 tỷ đồng. Chưa kể, giá cho thuê này sẽ được điều chỉnh tăng khoảng 5-10% hàng năm.

Một nhà đầu tư ngoại nói với tôi rằng: “Việt Nam sở hữu lợi thế về quy mô, độ tuổi dân số và sức phát triển mạnh mẽ về kinh tế. Với tốc độ phát triển bình quân như hiện tại, có thể chỉ cần 5-7 năm, số tiền thuê nhà thu về cộng với tỷ lệ tăng giá bất động sản, sẽ ngang ngửa số vốn ban đầu chi ra” và khẳng định: “Khó có thể tìm thấy kênh đầu tư nào tối ưu hơn”.

Tuy nhiên, thị trường mặc dù hấp dẫn nhưng vẫn luôn tiềm ẩn những rủi ro khó ngờ. Tôi luôn tư vấn cho nhà đầu tư ngoại là nên cân nhắc kỹ lưỡng trong từng quyết định, giảm thiểu nguy cơ bằng việc tìm kiếm những chủ đầu tư có uy tín, dự án pháp lý đầy đủ.

Sức hấp dẫn của bất động sản đã được khẳng định. Tương tự, các nhà đầu tư nước ngoài cũng tỏ ra hào hứng với thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc rà soát, điều tra, xử lý các sai phạm trên thị trường chứng khoán thời gian qua cũng góp phần nâng cao tính minh bạch của thị trường và tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tôi nhận thấy, dòng vốn thông minh trong khu vực lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, do họ hiểu rõ đặc tính của thị trường chứng khoán Việt Nam và tin rằng câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam cũng sẽ như các thị trường Thái Lan, Đài Loan 5 năm hay 10 năm về trước. Vì vậy khi thị trường giảm là cơ hội để giải ngân và tích lũy.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Tôi là nhà đầu tư" năm 2022 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức. Toàn bộ các bài viết được đăng tải trên fapage: Tôi là nhà đầu tư, mời độc giả like page và tương tác cùng các nhà đầu tư.

Bạn đọc có thể gửi bài viết dự thi vào địa chỉ Email: [email protected];. Tác phẩm dự thi ghi rõ trên tiêu đề thư khi gửi email: Bài tham dự cuộc thi viết “TÔI LÀ NHÀ ĐẦU TƯ".

Ngô Thị Dung (Giám đốc Công ty TNHH Đầu Tư TMDV Diamond Home)