'Cố gắng hết sức' nhưng cổ phiếu DPC của Nhựa Đà Nẵng vẫn vào diện cảnh báo

Cập nhật: 14:05 | 22/03/2024 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Nhựa Đà Nẵng (HNX: DPC) cho hay đã ‘hết sức cố gắng’ trong năm 2023 nhưng kết quả không như kỳ vọng, kết quả kinh doanh bị lỗ. Đây là nguyên do cổ phiểu DPC bị đưa vào diện cảnh báo.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Đà Nẵng vừa ký công văn 22/CV-DPC/HĐQT/2024 về việc công bố thông tin, giải trình và báo cáo tình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo.

Trước đó, ngày 15/3/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội có quyết định đưa cổ phiếu DPC vào diện bị cảnh báo, do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Nhựa Đà Nẵng là số âm.

Trong công văn giải trình, ông Hải cho biết, năm 2023 Công ty đã hết sức cố gắng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh công tác bán hàng, phát triển thị trường và thực hiện thêm các hoạt động khác nhằm khắc phục tình trạng lỗ của Công ty.

Nhựa Đà Nẵng đang trải qua giai đoạn ảm đạm về hoạt động kinh doanh
Nhựa Đà Nẵng đang trải qua giai đoạn ảm đạm về hoạt động kinh doanh

Tuy nhiên tình hình thị trường gặp nhiều khó khăn, sự cạnh tranh từ các nhà cung cấp cùng ngành, thương hiệu ống nhựa của Công ty vẫn chưa mở rộng đến người tiêu dùng. Công tác bán hàng gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt về dòng tiền. Các giải pháp với các bên liên quan như Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP), Công ty CP Tập đoàn Bình Minh Việt (BVG) chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng và mong muốn. Do đó, kết quả sản xuất kinh doanh 2023 vẫn lỗ và làm cho số lỗ lũy kế ngày càng cao.

Ông Hải khẳng định công ty vẫn sẽ tiếp tục tìm các giải pháp, kế hoạch để cải thiện doanh số, tìm kiếm lợi nhuận trong năm 2024.

Trên thực tế, cổ phiếu DPC của Nhựa Đà Nẵng đã từng bị đưa vào diện bị cảnh báo, không được giao dịch ký quỹ từ năm 2022 do kết quả kinh doanh bết bát. Năm 2023, doanh thu của Nhựa Đà Nẵng đạt 30,2 tỷ đồng, tăng so với con số 21,8 tỷ đồng năm 2022. Tuy vậy, giá vốn bán hàng, chi phí bán hàng và các chi phí khác đã thổi bay khoản doanh thu này, kéo lợi nhuận sau thuế về âm 7,3 tỷ đồng (năm 2022 là âm 15,6 tỷ đồng). Tiền trong ‘két’ bốc hơi gần một nửa so với mức đầu năm 2023, về mức 1,3 tỷ đồng.

Quy mô tài sản Công ty giảm từ 82,5 tỷ đồng đầu năm 2023 xuống còn 74,7 tỷ đồng ở thời điểm 31/12/2023. Nợ phải trả ở mức 48,3 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu.

Được biết,Công ty CP Nhựa Đà Nẵng tiền thân là Nhà máy Nhựa Đà Nẵng thành lập năm 1976. Năm 2000, Công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần. Nhựa Đà Nẵng chuyên kinh doanh thiết bị máy móc, nguyên liệu và các sản phẩm ngành nhựa, các sản phẩm chủ yếu hiện nay là bao bì, ống nước các loại sử dụng trong công, nông nghiệp và xây dựng. Thị trường chủ yếu của Công ty hiện nay là Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Ngày 10/6/2009, hơn 2,2 triệu cổ phiếu DPC chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên đạt 17.600 đồng/cp.

Về cơ cấu cổ đông, hiện cổ đông lớn nhất của Công ty là Công ty CP Nhựa Bình Minh (29,05%), tiếp đến gồm bà Nguyễn Thị Phương Lan (20,57%), Công ty TNHH Đầu tư Sao Tháng Năm (5,14%).

Nhựa Đà Nẵng (DPC) bị phạt và truy thu thuế 1,4 tỷ đồng

Cục Thuế TP Đà Nẵng vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với CTCP Nhựa Đà Nẵng (HNX – Mã:DPC).

‘Phú quý giật lùi’, cổ phiếu Nhựa Đà Nẵng bị đưa vào diện cảnh báo

Cổ phiếu DPC của Công ty CP Nhựa Đà Nẵng vừa bị đưa vào diện cảnh báo, không được giao dịch ký quỹ. Đây là ...

Cao Thái