Ngân hàng

Cổ đông lớn nhất của VietABank muốn rút vốn trước thềm ngân hàng lên HOSE

Lê Thành 27/05/2025 17:13

Thoái bớt vốn ngay trước thời điểm VietABank niêm yết sàn HOSE, cổ đông lớn lâu năm này đang định vị lại vai trò trong hệ sinh thái tài chính – đầu tư mà doanh nghiệp đã góp mặt nhiều năm qua.

Thoái vốn ngay trước thềm VAB lên HOSE

Tập đoàn Đầu tư Việt Phương vừa đăng ký bán ra 17 triệu cổ phiếu VAB của Ngân hàng TMCP Việt Á(VietABank) theo phương thức thoả thuận hoặc khớp lệnh, thời gian thực hiện từ ngày 28/5 đến 26/6/2025. Tính theo thị giá hiện tại 14.000 đồng/cổ phiếu, thương vụ này có thể mang về khoảng 238 tỷ đồng cho doanh nghiệp. Nếu giao dịch thành công, Việt Phương sẽ giảm số cổ phiếu nắm giữ từ 65,9 triệu đơn vị xuống còn 48,9 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu hạ từ 12,21% còn 9,06% vốn điều lệ.

vietabank.jpg
Cổ đông lớn muốn thoái bớt vốn tại VietABank trước thềm lên sàn HoSE

Động thái này diễn ra ngay trước thời điểm gần 540 triệu cổ phiếu VAB chuẩn bị "chuyển nhà" từ UPCoM sang niêm yết trên sàn HoSE. Theo giới quan sát, việc bán bớt cổ phần có thể liên quan đến yêu cầu tuân thủ giới hạn sở hữu theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, trong đó một tổ chức không được sở hữu quá 10% vốn điều lệ tại một ngân hàng và nhóm cổ đông có liên quan không vượt quá 15%.

Việt Phương hiện là cổ đông lớn nhất tại VietABank, không chỉ thông qua tỷ lệ sở hữu trực tiếp mà còn bao gồm cả nhóm người liên quan. Trước đó, theo danh sách cổ đông tính đến cuối năm 2024, nhóm này từng nắm giữ tổng cộng hơn 107 triệu cổ phiếu VAB, tương ứng 19,84% vốn điều lệ ngân hàng, cao hơn nhiều so với mức trần cho phép. Trong bối cảnh VietABank chuẩn bị niêm yết HoSE và ngày càng phải tuân thủ chặt chẽ quy định công bố thông tin, việc tái cơ cấu sở hữu của Việt Phương Group được xem là bước đi cần thiết, vừa để phù hợp với luật định, vừa củng cố tính minh bạch trong quản trị.

Việt Phương Group là ai?

Theo tìm hiểu của người viết, được thành lập từ năm 1996, Tập đoàn Đầu tư Việt Phương ban đầu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ vận tải và phân phối vật liệu công nghiệp, trước khi mở rộng ra nhiều lĩnh vực kinh doanh chiến lược trong và ngoài nước. Trong suốt gần ba thập kỷ, Việt Phương Group từng bước phát triển thành một hệ sinh thái đầu tư đa lĩnh vực, hiện diện tại các ngành then chốt như khoáng sản, năng lượng, bất động sản, tài chính ngân hàng và khu công nghiệp.

Tập đoàn này đang sở hữu nhiều mỏ khoáng sản quy mô lớn ở cả Việt Nam và Lào, từ bô xít, đất hiếm, thạch anh cho đến cát trắng – trong đó có mỏ cát Phong Điền (Thừa Thiên Huế) với trữ lượng lên tới 27 triệu tấn. Ở lĩnh vực năng lượng, Việt Phương tham gia đầu tư hàng loạt dự án thuỷ điện tại Lai Châu, Yên Bái, Quảng Nam, Sơn La, đồng thời hiện diện trong lĩnh vực điện mặt trời và điện gió. Ngoài ra, thông qua công ty liên kết TTE (Công ty CP Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh), tập đoàn sở hữu loạt thủy điện nhỏ tại khu vực Tây Nguyên.

Trang chủ - Việt Phương Group
Việt Phương là tập đoàn đầu tư đa ngành kín tiếng, có quy mô lớn tại Việt Nam.

Ở mảng bất động sản, một trong những dấu ấn đầu tiên của Việt Phương là khu nghỉ dưỡng Sơn Trà Resort & Spa tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), bên cạnh đó còn là nhiều dự án tiềm năng tại Hà Nội và các tỉnh ven biển miền Trung. Trong khi đó, mảng tài chính được biết đến nhiều nhất thông qua vai trò là cổ đông lớn của VietABank. Ông Phương Hữu Việt – người sáng lập và điều hành Việt Phương Group – từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT VietABank từ năm 2011 đến 2021 và hiện vẫn là nhân tố có ảnh hưởng lớn đến định hướng dài hạn của ngân hàng này.

Đặc biệt, Việt Phương Group không chỉ hoạt động độc lập mà còn gián tiếp điều phối các doanh nghiệp khác như Capella Group, LEC Group, Infinity Group… – góp phần tạo nên một mạng lưới đầu tư trải rộng, bao phủ nhiều phân khúc kinh tế quan trọng. Mới đây, tập đoàn cũng đã tăng vốn điều lệ từ 6.800 tỷ đồng lên 11.000 tỷ đồng, cho thấy tiềm lực tài chính đáng kể và sự chuẩn bị sẵn sàng cho các kế hoạch mở rộng đầu tư trong giai đoạn tới.

Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư đang tái định vị lại theo hướng tập trung vào những tập đoàn có nền tảng tài chính vững chắc, danh mục đầu tư đa dạng và quản trị minh bạch, Việt Phương Group dù không quá nổi bật trên truyền thông nhưng vẫn đang âm thầm mở rộng ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế. Thương vụ thoái vốn tại VietABank lần này không chỉ đơn thuần là một động thái kỹ thuật, mà còn là dấu hiệu cho thấy quá trình chuẩn hóa sở hữu và chiến lược tái định vị lâu dài của một tập đoàn đầu tư tư nhân đang từng bước bước ra ánh sáng.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Cổ đông lớn nhất của VietABank muốn rút vốn trước thềm ngân hàng lên HOSE
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO