Cổ đông EVN Finance yêu cầu làm rõ những khuất tất của HĐQT trước thềm đại hội

Cập nhật: 03:16 | 26/04/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN- Một nhóm cổ đông của Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance) đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng yêu cầu hoãn tổ chức Đại hội cổ đông thường niên để làm rõ hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại công ty này trong thời gian qua.

co dong evn finance yeu cau lam ro nhung khuat tat cua hdqt truoc them dai hoi


Nhiều dấu hiệu vi phạm cần được làm rõ

Trong đơn đề nghị, nhóm cổ đông trên cho biết, Tháng 3/2018, HĐQT Công ty đương nhiệm đã vi phạm nghiêm trọng Điều 41 của Điều lệ tổ chức Công ty EVN Finance ban hành tháng 4/2016 về việc không thực hiện quyền và nghĩa vụ một cách trung thực cẩn trọng vì lợi ích EVN Finance và các cổ đông. Điều này thể hiện thông qua việc cố tình che dấu thông tin về việc thông báo ứng cử người tham gia HĐQT và Ban kiểm soát khóa 2018-2023, không gửi thông báo trực tiếp đến cho các cổ đông để các cổ đông biết thông tin với mục đích ngăn cản quyền tham gia ứng cử của các cổ đông, tạo điều kiện bất hợp pháp cho các thành viên HĐQT cũ và ban điều hành lợi dụng việc o bế thông tin để tiếp tục đề cử nhau vào HĐQT và BKS.

Thay vào việc gửi thông báo trực tiếp đến từng cổ đông, thì HĐQT Công ty chỉ công bố sơ sài về thông tin ứng cử HDQT, BSK trên trang mạng mà không hiển thị thời gian đăng tải thông tin, không đảm bảo cho các cổ đông tìm kiếm và tiếp cận thông tin, việc làm này cũng đã vi phạm thêm Điều 5 Nghị định 155/2015/TT-BTC về hướng dẫn công bố thông tin đối với công ty đại chúng.

Đại hội cổ đông 2018 liên quan đến việc bầu lại HĐQT mới và được các cổ đông đặc biệt quan tâm, được biết Công ty sẽ tổ chức ĐHCĐ vào 26/4/2018, tuy nhiên các thông tin về các ứng viên HĐQT, nội dung đại hội, thư mời vẫn chưa được công bố trên trang mạng của Công ty để các nhà đầu tư tiếp cận thông tin về danh sách ứng cử thành viên HĐQT và các quyết định thay đổi của HĐQT trong việc lựa chọn danh sách ứng viên HĐQT. Nhóm cổ đông cho rằng việc này vi phạm Điều 27 Điều lệ công ty về triệu tập ĐHCĐ về việc gửi thông tin mời họp trước 20 ngày và đồng thời đăng tải nội dung đại hội cổ đông lên trên trang thông tin điện tử của Công ty.

Cũng theo đơn, với cơ cấu đề xuất HĐQT 2018-2023, Ban Giám Đốc công ty sẽ tham gia trực tiếp là 3 người, 2 người khác của EVNFinance từng tham gia ban giám đốc và hiện nhận lương trực tiếp tại Công ty, và chỉ có 1 thành viên độc lập.
Việc có tới 5 ứng viên HĐQT đều hiện đang hưởng lương hàng tháng tại EVN Finance (toàn bộ các ứng viên thành viên HĐQT này đã hoặc đang làm thành viên Ban Giám đốc), trong đó có 3 thành viên trong Ban giám đốc dẫn tới việc trùng lặp quản trị, điều hành, rất dễ gây ra xung đột lợi ích, triệt tiêu vai trò giám sát và thúc đẩy hoạt động của HĐQT đối với Ban giám đốc Công ty, đây là một mô hình quản trị rất dễ tạo ra lợi ích nhóm, đặc biệt là các tổ chức tín dụng hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng càng cần sự minh bạch. Hiện nay các mô hình quản trị tiên tiến đều phân tách Hội đồng quản trị và Ban giám đốc hoàn toàn riêng biệt và không kiêm nhiệm.

Ngoài ra, việc ông Cao Sỹ Nghị được HĐQT công ty tiếp tục đề cử nhiệm kỳ HĐQT tiếp theo, và đã trình NHNN xin phê duyệt có biểu hiện vi phạm Điều 46 Điều lệ Công ty về tư cách thành viên độc lập và Điều 151 Luật Doanh nghiệp 2014 về cơ cấu và điều kiện làm thành viên HĐQT về việc thành viên HĐQT độc lập không phải là thành viên HĐQT của Công ty tại bất cứ thời điểm nào trong 5 năm liền kề trước đó.

Tuy nhiên, NHNN đã không phê duyệt ông Cao Sỹ Nghị và HĐQT cũ lại đề cử bà Nguyễn Thu Trang - Chủ tịch HĐQT công ty CPĐT và PT đô thị Sơn Nam dự kiến làm Thành viên độc lập HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023.

Theo đơn thư, ông Hoàng Văn Ninh – Chủ tịch HĐQT là người đại diện phần vốn của EVN (trước khi là người đại diện phần vốn EVN – ông Hoàng Văn Ninh là phó trưởng ban tài chính kế toán EVN), do đó về mặt thủ tục, Ông Hoàng Văn Ninh cần công khai vấn đề đại diện phần vốn EVN và thực hiện các thủ tục cần thiết khác và các chức danh hiện tại của ông Ninh tại tập đoàn EVN.

Theo danh sách nhân sự HĐQT dự kiến các nhân sự được đề cử vào vị trí thành viên HĐQT không đại diện cho ý chí của đa số cổ đông mà chỉ đại diện cho 23.11% số cổ phần. Việc HĐQT đề cử số lượng lớn các thành viên Ban giám đốc và tự để cứ các thành viên HĐQT cũ tham gia HĐQT mới sẽ tạo ra lợi ích nhóm của ban lãnh đạo, không có sự tách bạch giữa điều hành và quản trị trong công ty, vô hiệu hệ thống giảm sát và kiểm soát của công ty, gây thiệt hại và thất thoát cho Công ty và các cổ đông.

Nhóm cổ đông đề nghị làm rõ vai trò của ông Hoàng Mạnh Hải (Phó tổng giám đốc EVN Finance) liên quan đến vụ án xảy ra tại Oceanbank. Đó là việc EVNFinance đã nhận tiền gửi 240 tỷ của Ngân hàng Ocean Bank do ông Hà Văn Thắm làm Chủ tịch vào tháng 10/2014, và cùng đó HĐQT EVNFinance đã ra nghị quyết về việc mua có điều kiện 240 tỷ đồng cổ phiếu OCH của Tập đoàn OCG sau khi nhận tiền gửi của ngân hàng Oceanbank. Việc này được cho rằng đã tạo điều kiện để ông Hà Văn Thắm chiếm đoạt số tiền 240 tỷ của EVN Finance thông qua hợp đồng đặt cọc mua cổ phần này.

Đơn thư của nhóm cổ đông đặt nghi vấn hành động của ông Hải đã gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho EVN Finance. Vì thế, nhóm cổ đông đặt vấn đề: Việc đưa ông Hoàng Mạnh Hải - thành viên Ban giám đốc đang có những dấu hiệu sai phạm, vi phạm pháp luật tham gia ứng cử vào HĐQT Công ty là có biểu hiện sự cấu kết giữa HĐQT đương nhiệm (ông Hoàng Văn Ninh, ông Bùi Xuân Dũng, bà Cao Thị Thu Hà, ông Cao Sỹ Nghị) và Ban giám đốc nhằm hợp thức hóa danh sách ứng viên và thao túng các hoạt động quản trị HĐQT, điều hành của công ty và gây ra các xung đột quản trị và lợi ích trong Công ty?

Năng lực của HĐQT và Ban giám đốc yếu kém?

Được biết, trong 05 năm qua (2012-2017), các cổ đông EVN Finance nhận được mức cổ tức rất thấp. Năm 2012 là 4%, năm 2013 là 3%, năm 2014 là 2%, năm 2015 là 3%, năm 2016 là 5% và năm 2017 dự kiến là 6%. Mức cổ tức này rất thấp so với mặt bằng các tổ chức tín dụng khác cũng như vị thế và tiềm năng của Công ty. Điều này thể hiện năng lực quản trị, điều hành của HĐQT, ban Giám đốc rất yếu kém.

Năm 2017, khu vực ngân hàng tăng trưởng rất tốt và các ngân hàng đều có lợi nhuận và cổ tức cao như VPBank dự kiến cổ tức 30%, Ngân hàng Quân đội là 25%, ngân hàng ACB là 15%, VIB là 36%.

Theo báo cáo tài chính năm 2017, các khoản phải thu của công ty hơn 1.141 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro là 356 tỷ đồng. Điều đó chứng tỏ khả năng mất vốn của các khoản phải thu này là rất lớn. Cũng trong báo cáo tài chính 2017, EVNFinance lợi nhuận sau thuế là 180 tỷ nhưng lợi nhuận từ dịch vụ (không sử dụng vốn của công ty) đã là 148 tỷ. Như vây lợi nhuận thực sự từ kinh doanh vốn của Công ty chỉ có 32 tỷ đồng trên tổng tài sản của công ty lên tới gần 20.000 tỷ đồng, và tỷ lệ lợi nhuận này chỉ đạt chưa đến 0,2% so với tổng tài sản hay 1,1% so với vốn chủ sở hữu của cổ đông.

Theo nhiều cổ đông, qua số liệu kết quả kinh doanh những năm vừa qua (2012-2017) và kế hoạch lợi nhuận năm 2018 , năng lực quản trị và điều hành của HĐQT và Ban Giám đốc là rất yếu kém. Vì thế, rất cần thiết không tiếp tục đề cử các cá nhân HĐQT và và Ban giám đốc hiện tại vào HĐQT mới. Đại hội đồng cổ đông công ty cần tìm kiếm và đề cử những thành viên mới, yếu tốt mới có trình độ, năng lực và đạo đức tốt tham gia vào HĐQT, Ban Giám đốc để xây dựng và phát triển lại Công ty.

Nhiều quy định lỏng lẻo?

Hiện nay theo điều lệ của EVNFinance quy định “Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng được đề cử người vào HĐQT, BKS”. Việc này gây khó khăn trong việc đề cử người tham gia HĐQT, BKS của EVNFinance và dẫn tới các thành viên HĐQT Công ty đa số đều do HĐQT quyết định.

Nguyên nhân là do các cổ đông tổ chức lớn không sở hữu trên 10% và không tham gia HDQT trong khi đó các cổ đông cá nhân có mong muốn được tham gia giám sát và quản trị Công ty thì lại khó tập trung được đủ số phiếu theo quy định. Vì vậy quy định tỷ lệ 10% mới được đề cử người vào HĐQT rất bất lợi cho các cổ đông của Công ty và tạo ra lợi ích cục bộ cho HĐQT, tạo ra tiền lệ các thành viên HĐQT mới sẽ do HĐQT cũ tự quyết để duy trì các lợi ích của họ.

Thực tế cho thấy, kết quả đề cử vào HĐQT, BKS thì chỉ có 2 ứng viên đại diện cho 2 nhóm cổ đông với khoảng 23.11%, như vậy, tính đại diện của HĐQT chưa cao, chưa thể hiện ý chí, định hướng của toàn thể cổ đông, là những người sở hữu trực tiếp công ty, còn 4 đề cử còn lại không đại diện cho nhóm cổ đông nào, có môi quan hệ mật thiết với 2 ứng viên được đề cử tham gia HĐQT mới.

Điều này cho thấy quyền lực đều tập trung hết vào HĐQT, của EVNFinance, các nhân sự do HĐQT quyết định hết và toàn bộ thành viên HĐQT (trừ thành viên HĐQT độc lập) đều là người EVNFinance và các cá nhân đó đều khó có thể độc lập vì không đại diện cho phần vốn của các cổ đông, với cơ cấu HĐQT hiện tại nếu có lợi ích nhóm cũng không thể kiểm soát được và cũng không ai giám sát.

Ngoài ra các thành viên HĐQT được đề cử đã từng hoặc đang làm Tổng Giám đốc/Phó TGĐ tức là cấp dưới của Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc hiện tại nên có thể nhiều khi ít có ý kiến trái chiều, và không phải là đại diện phần vốn góp của cổ đông khác nên có thể thiếu tính khách quan vì sợ ảnh hưởng tới công việc, chức vụ.

Năm 2014 Công ty EVNFinance đã ký hợp đồng đặt cọc mua trái phiếu với công ty chứng khoán An phát số 13/2013/HDMG/EVNFC-ANPHAT ngày 10/6/2013, công ty đã chuyển số lượng tiền rất lớn cho Công ty An phát sử dụng vào việc riêng không lấy lãi, đã gây thất thoát lớn, trong khi đó EVNFinance phải huy động vốn với giá rất cao. Ngoài ra công ty còn tiếp tục ký nhiều hợp đồng đặt cọc môi giới tương tự với nhiều công ty sân sau khác nhằm rút tiền sử dụng vào các mục đích. Các khoản mục này đều được đưa vào mục phải thu khác và không được kiểm soát.

Bên cạnh đó Công ty đã giải ngân tín dụng số tiền rất lớn cho các công ty sân sau như Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Tam Ba, Công ty Cổ phần Thạnh Mỹ Lợi, Công ty Mesa… Các công ty này có chủ sở hữu, người đại diện là những những cổ đông cá nhân sở lớn số cổ phần tại EVNFinance hoặc là thành viên Ban giám đốc công ty gồm: Bà Lưu Thị Tuyết Mai (hiện nắm giữ 10,2 triệu cổ phần EVNFinance- người đại diện theo pháp luật của Thạnh Mỹ Lợi, thành viên HĐQT của Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Hà). Bà Lưu Thị Tuyết Hương (nắm giữ 10 triệu cổ phần EVNFinance). Bà Đỗ Hồng Thủy (nắm giữ 6,25 triệu cổ phần của EVNFinance).
Như vậy, nhóm cổ đông đặt ra nghi vấn có thể nhóm cổ đông lớn Lưu Thị Tuyết Mai và Lưu Thị Tuyết Hương đã ủy quyền cho ông Ninh và ông Hải được quyền tiếp tục ứng cử tham gia HĐQT nhiệm kỳ này. Vì vậy, đại hội đồng cổ đông công khai danh sách các cá nhân ủy quyền cho 2 ông Ninh và ông Hải để làm rõ vấn đề này.

Tinh thần của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 19/2017/TT_NHNN sửa đổi thông tư 36/2014/TT-NHNN làm rõ các vấn đề liên quan đến các nhân sự dự kiến được bổ nhiệm là người quản lý, người điều hành và các chức danh khác của TCTD để bảo đảm không để xảy ra tình trạng sở hữu chéo, đứng tên hộ, vay hộ, sở hữu từ nguồn tiền đi vay của các cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan, hạn chế rủi ro cho các TCTD. Nếu sự việc trên là đúng thì các thành viên HĐQT của EVNFinance đã vi phạm pháp luật, thao túng, có hành vi chiếm đoạt công ty nhằm trục lợi cho các cá nhân. Việc này cần được làm rõ và công khai cho các cổ đông của EVNFinance được biết.

Đề nghị hoãn Đại hội cổ dồng:
Theo đơn thư, do tính chất phân tán của các cô đông cá nhân (hơn 57,000 cổ đông) sở hữu 80 % cổ phần của Công ty, nên việc đáp ứng đủ điều kiện tham dự đại hội đồng cổ đông là rất khó khăn, và các thủ tục ủy quyền của Công ty khi tham dự đại hội lỏng lẻo và dễ bị trục lợi, làm khống.Vấn đề này cần được NHNN kiểm tra làm rõ vấn đề này tại đại hội năm nay và công khai cho toàn thể các các cổ đông công ty được biết.
Vì vậy, các cổ đông của Công ty trong đó đa số là các cán bộ công nhân viên của EVN đã nhiều năm tin tưởng, giao phó tài sản của gia đình mình cho công ty với mong mỏi dưới sự chỉ đạo của EVN cũng như của HĐQT công ty sẽ đưa Công ty hoạt động có hiệu quả và sinh lời trên số tiền mà các cổ đông đã góp vào.
Trước nguy cơ quyền và lợi ích của các cổ đông khác đang có nguy cơ bị phạm, nhiều cổ đông đề nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam có ý kiến chỉ đạo hoãn phiên họp ĐHĐCĐ thường niên và không chấp nhận danh sách các ứng viên HĐQT 2018-2023. Đồng thời tiến hành xin ý kiến cổ đông về sửa điều lệ để có nhiều nhân sự đại diện hơn cho cổ đông tham gia HĐQT kỳ 2018-2023. Đây là sự cần thiết trong thời điểm bây giờ, phòng tình trạng lợi ích nhóm gây phương hại đến lợi ích của các cổ đông.

Thành Vinh