Đen đá không đường

Chuyện những con số “xấu xí” và cơ hội cho người kiên nhẫn

Cafe Chứng 10/05/2025 07:24

Đôi khi, chờ đợi cũng là một chiến lược đầu tư, miễn là không đánh đổi bằng sự nóng vội.

Chiều cuối tuần, quán cà phê ven hồ vắng lặng. Tuấn – cậu bạn cũ cùng theo học ngành tài chính với tôi – vừa nhấp ngụm cà phê vừa trầm ngâm: “Cậu còn giữ cổ phiếu ngân hàng à? Tháng 4 vừa rồi, VN-Index mất hơn 80 điểm, nhóm ngân hàng giảm gần hết, TPBank rớt hơn 10%, VPBank, BIDV, Vietcombank… đâu có khá hơn. Mà nợ xấu thì cứ tăng phi mã thế kia, sao mà dám ôm tiếp”?

picture1.png
Hình minh họa

Tôi gật đầu, không vội phản bác. Thực tế, những con số Tuấn nhắc đến không hề sai. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, nợ xấu toàn ngành đã tăng thêm 34.000 tỷ đồng, tốc độ xử lý lại chậm chạp. Dù Vietcombank vẫn được coi là “ông lớn” kiểm soát rủi ro tốt nhất, nhưng nợ xấu cũng nhích lên 1,03%. BIDV, VietinBank thậm chí còn tăng mạnh về giá trị nợ xấu, trong khi các ngân hàng như VPBank, VIB, Saigonbank lại đang loay hoay với tỷ lệ trên 3%, có ngân hàng tiệm cận 5%.

Liệu đã chạm đáy chưa? – Tuấn hỏi.

Tôi im lặng một lát, rồi đáp: “Khó nói. Thị trường có dấu hiệu hồi phục nhẹ từ đầu tháng 5, một số mã như Techcombank, VPBank, SHB có nhịp tăng trở lại. Nhưng chưa biết thế nào, có thể đó chỉ là phản ứng kỹ thuật sau đợt giảm sâu. Nền kinh tế vẫn đang đối mặt nhiều thách thức. Vụ Mỹ áp thuế lên hàng xuất khẩu của Việt Nam chưa biết sẽ tác động tiêu cực ra sao. Còn nợ xấu bất động sản, chính các lãnh đạo ngân hàng cũng thừa nhận, phải hết nửa đầu năm mới bộc lộ hết”.

Tuấn thở dài, có lẽ vẫn chưa tìm thấy câu trả lời.

“Anh thấy đấy,” – tôi tiếp lời – “Nếu Quốc hội sớm thông qua sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, việc thu hồi tài sản đảm bảo dễ dàng hơn, có thể giúp giảm bớt áp lực. Nhưng chính sách ấy dù có thông qua, cũng cần thời gian để thấm vào kết quả kinh doanh. Trong ngắn hạn, tôi vẫn chưa kỳ vọng có đột biến ngay được”

Tuấn chống tay lên cằm, đôi mắt nhìn xa xăm: “Vậy giờ cầm cổ phiếu ngân hàng là mạo hiểm”?

Tôi cười nhẹ: “Không hẳn là mạo hiểm, nhưng là chấp nhận thử thách. Cổ phiếu ngân hàng sẽ khó có sóng lớn sớm, nhưng với những nhà đầu tư dài hạn, kiên nhẫn và chọn đúng ngân hàng có năng lực kiểm soát rủi ro tốt, biết xoay xở trong giai đoạn khó khăn… thì vẫn có cơ hội. Chỉ là, tôi nghĩ sẽ phải xác định đi qua thêm vài quý giông gió nữa”.

Tuấn gật đầu, như thể cuối cùng cũng đồng tình với một sự thật: Đôi khi, chờ đợi cũng là một chiến lược đầu tư, miễn là không đánh đổi bằng sự nóng vội.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Chuyện những con số “xấu xí” và cơ hội cho người kiên nhẫn
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO