Chuyên gia nêu những yếu tố giúp chứng khoán giữ đỉnh, còn đó cơ hội cho các nhà đầu tư "lỡ tàu"
Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào tuần cao điểm mùa báo cáo quý 2/2025 với kỳ vọng duy trì đà tăng. VN-Index có thể kiểm định lại vùng đỉnh 1.535 điểm nhờ kết quả kinh doanh tích cực từ nhóm ngân hàng, chứng khoán.
VN-Index vừa trải qua một tuần giao dịch đầy thăng hoa khi tăng gần 34 điểm, tương đương 2,26%, chính thức vượt đỉnh lịch sử theo giá đóng cửa với mốc 1.531,13 điểm. Thanh khoản bùng nổ lên mặt bằng mới 35.000–37.000 tỷ đồng/phiên cho thấy dòng tiền nội vẫn rất hào hứng với triển vọng trung hạn của thị trường.
Trong bối cảnh đó, giới đầu tư đang đặt câu hỏi lớn: Đà tăng ấn tượng này liệu có tiếp tục được duy trì trong tuần tới – cao điểm mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2025?

Chu kỳ tăng mới, sóng ba của thị trường?
Theo ông Nguyễn Trọng Đình Tâm – Phó Giám đốc Khối Phân tích, Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), xét theo phân tích kỹ thuật, vùng đỉnh lịch sử thực sự của VN-Index vẫn nằm quanh khu vực 1.535 điểm, được thiết lập vào tháng 1/2022. Như vậy, dù đã vượt mốc đỉnh đóng cửa, thị trường vẫn còn dư địa tăng nếu muốn chinh phục hoàn toàn vùng kháng cự kỹ thuật quan trọng này.
Tuy nhiên, điểm tích cực là từ cuối tháng 6 tới nay, thị trường đã hình thành xu hướng tăng mạnh mẽ, đi kèm thanh khoản cao đột biến và khối lượng giao dịch trên HOSE vượt mốc 6,8 tỷ cổ phiếu/tuần – mức kỷ lục mới.
Dựa trên lý thuyết sóng Elliot, ông Tâm nhận định VN-Index đã hoàn tất sóng tăng 1 (tháng 4–5), điều chỉnh nhẹ ở sóng 2 (tháng 6) và hiện đang bước vào sóng tăng 3 – sóng mạnh nhất trong cấu trúc sóng đẩy. Nếu đúng theo kịch bản này, thị trường vẫn còn dư địa tăng tiếp, trước khi bước vào nhịp điều chỉnh (sóng 4) và hồi phục sau đó (sóng 5).

Những động lực giữ chân dòng tiền
Thị trường tăng không chỉ nhờ yếu tố kỹ thuật mà còn được hỗ trợ bởi loạt tín hiệu vĩ mô tích cực.
Thứ nhất, chính sách tiền tệ, tài khóa vẫn duy trì độ nới lỏng hợp lý. Lãi suất thấp giúp dòng tiền tìm đến các kênh đầu tư hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm, trong đó chứng khoán nổi bật với thanh khoản cao và kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ từ khối doanh nghiệp niêm yết.
Thứ hai, các chỉ số kinh tế vĩ mô tiếp tục cải thiện. GDP quý 2/2025 tăng 7,96% – cao nhất trong nhiều quý gần đây. Dự báo cả năm, tăng trưởng kinh tế có thể đạt 7,5%–8%, tạo nền tảng cho sự phục hồi đồng đều của nhiều nhóm ngành.
Thứ ba, dòng vốn FDI có tín hiệu tích cực trở lại với mức đăng ký mới trong tháng 6 lên tới 5,98 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ – mức cao nhất kể từ đầu năm.
Thứ tư, kỳ vọng nâng hạng thị trường từ hạng cận biên lên hạng mới nổi theo đánh giá của FTSE Russell vào tháng 9 tới đang trở thành chất xúc tác quan trọng cho dòng tiền dài hạn.
Tâm điểm lợi nhuận quý 2
Tuần tới cũng đánh dấu cao điểm mùa công bố báo cáo tài chính quý 2/2025. Theo ASEANSC, kết quả bước đầu từ nhóm chứng khoán và một số ngân hàng đang khá khả quan, tạo nền tảng hỗ trợ xu hướng thị trường.
Cụ thể, lợi nhuận ngành chứng khoán được dự báo tăng trên 20% so với cùng kỳ, nhờ thanh khoản thị trường cao và hoạt động tự doanh hiệu quả. Các công ty như SSI, TCBS và đặc biệt là VIX ghi nhận kết quả vượt kỳ vọng.
Ngành ngân hàng – trụ cột chính của VN-Index cũng được kỳ vọng giữ nhịp thị trường tuần tới. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống đến cuối tháng 6 tăng gần 10% so với đầu năm và hơn 19% so với cùng kỳ. Đồng thời, thu nhập ngoài lãi gia tăng, trong đó mảng bancassurance và tiết giảm chi phí từ số hóa đang giúp cải thiện biên lợi nhuận.
Ngành bất động sản tiếp tục cho thấy sự phân hóa mạnh. Một số doanh nghiệp có kế hoạch bàn giao sản phẩm đúng thời điểm sẽ ghi nhận doanh thu đột biến, trong khi các doanh nghiệp chưa tháo gỡ được nút thắt pháp lý sẽ có kết quả trầm lắng hơn. Tuy nhiên, nhìn về trung, dài hạn, mặt bằng lãi suất thấp, giá bán sơ cấp vẫn neo cao và tiến trình tái cơ cấu nợ đang hỗ trợ tích cực cho nhóm này.
Chiến lược giao dịch: Kiểm định đỉnh cũ – chọn lọc cổ phiếu
Trong ngắn hạn, VN-Index có thể gặp áp lực khi tiến sát vùng kháng cự mạnh 1.535 – 1.540 điểm. Một nhịp điều chỉnh kỹ thuật để hấp thụ lực cung chốt lời là cần thiết, giúp thị trường củng cố đà tăng bền vững hơn trong tháng 8 tới.
Chiến lược đầu tư hợp lý là ưu tiên các nhóm ngành đang dẫn dắt và có kết quả kinh doanh quý 2 tích cực như ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ, công nghệ. Đồng thời, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội ở nhóm bất động sản trung cấp và khu công nghiệp nếu có tín hiệu vượt cản kỹ thuật trong tuần tới.
Dòng tiền khối ngoại, sau nhịp bán ròng cục bộ ở một số cổ phiếu lớn, có thể quay trở lại nếu thông tin nâng hạng thị trường được củng cố thêm. Đây cũng là yếu tố cần theo dõi sát trong tháng 8 – tháng bản lề của kỳ vọng nâng hạng.