Chuyên gia FiinGroup: Mặt bằng định giá cao đang là yếu tố thách thức với thị trường chứng khoán

Cập nhật: 14:38 | 23/11/2023 Theo dõi KTCK trên

Chuyên gia FiinGroup cho rằng, nhà đầu tư cần nhìn sâu hơn từng lớp ngành, lớp cổ phiếu bên trong để đánh giá định giá thực sự của thị trường. Nếu không tính đến nhóm bất động sản, P/E thị trường đã cán mốc 23,5 lần – cao hơn định giá khi VN-Index vượt mốc 1.500 điểm để thiết lập mức đỉnh lịch sử từ trước đến nay.

Tại hội thảo Triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán năm 2024 do FiinGroup tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup nhìn nhận bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam gần đây đã có dấu hiệu cải thiện nhất định ở nhiều chỉ số quan trọng.

Chuyên gia FiinGroup: Mặt bằng định giá cao đang là yếu tố thách thức với thị trường chứng khoán

Thứ nhất, xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục và dự báo tiếp tục hồi phục khi tổng cầu của các thị trường xuất khẩu chủ đạo cải thiện khi các nền kinh tế lớn đã gần như hết chu kỳ tăng lãi suất, sự hồi phục của nhóm doanh nghiệp nội địa và xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam diễn ra mạnh mẽ.

Thứ hai, FDI tăng trưởng trở lại nhờ triển vọng dịch chuyển sang Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề xuất xứ tại Trung Quốc để xuất khẩu đi Mỹ và Châu Âu. Dịch chuyển chuỗi giá trị tiếp tục từ các tập đoàn đa quốc gia. Sự phục hồi từ các thị trường truyền thống và chủ đạo như Singapore, Hàn Quốc, Nhật bản.

Thứ ba, đầu tư công được giải ngân ở tốc độ cao hơn so với nhiều năm trước. Dư địa giải ngân đầu tư công vẫn còn lớn nhờ Nợ công/ GDP thấp (khoảng 38%) và sự quyết liệt của Chính phủ làm động lực tăng trưởng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch FiinGroup đánh giá rủi ro với nền kinh tế là khá lớn trong năm tới khi xét đến bối cảnh quốc tế. Mỹ và Trung Quốc đều được dự báo phục hồi chậm trong năm 2024. Trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, Trung Quốc đứng đầu nhóm các nền kinh tế đầu tư nhiều nhất vào nước ta.

“Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm tới đạt khoảng 4,5%. Trong trường hợp thị trường bất động sản nước này khó khăn hơn, tăng trưởng GDP năm 2024 chỉ khoảng 3%. Mức này theo chúng tôi đánh giá là nền kinh tế suy thoái”, ông Nguyễn Quang Thuân nói.

Chuyên gia FiinGroup: Mặt bằng định giá cao đang là yếu tố thách thức với thị trường chứng khoán
ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup

Về rủi ro với tăng trưởng xuất phát từ vấn đề nội tại của kinh tế Việt Nam, đại diện FiinGroup nhấn mạnh rủi ro chính là thị trường bất động sản đóng băng dài hơn dự kiến. Góc nhìn chung của các tổ chức là thị trường bất động sản hồi phục giữa năm sau, tuy nhiên chưa có chỉ báo khẳng định hồi phục thời gian nào, giữa năm 2024 hay cuối năm 2024.

Ông cho rằng tín hiệu hồi phục của thị trường bất động sản sẽ đến khi hài hòa được lợi ích của chủ đầu tư, ngân hàng và cơ quan quản lý. Khi nào chủ đầu tư giảm giá, ngân hàng giảm lãi suất và cơ quan quản lý đồng hành trên diện rộng, hỗ trợ pháp lý, tạo điều kiện trên diện rộng, khi đó thị trường sẽ có điểm mở. Hai rủi ro khác được ông đề cập đến là huy động vốn của doanh nghiệp vẫn khó khăn và rủi ro địa chính trị và thực thi chính sách chậm của Việt Nam.

"NĐT cần nhìn sâu hơn từng lớp ngành, lớp cổ phiếu bên trong để đánh giá định giá thực sự của thị trường"

Dù bối cảnh vĩ mô có nhiều điểm sáng, song bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng nhóm Phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ Thông tin Tài chính FiinGroup cho rằng, điều này vẫn chưa thể tạo ra sự đột phá cho bức tranh lợi nhuận quý 3/2023. Mức giảm lợi nhuận toàn thị trường khoảng 1,7% trong quý 3 khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi thất vọng, bởi trước đó nhà đầu tư kỳ vọng những yếu tố tích cực như mặt bằng lãi suất hạ nhiệt, cầu trong nước dần hồi phục, bất động sản bớt căng thẳng sẽ giúp lợi nhuận tăng trưởng dương trở lại.

Chuyên gia FiinGroup: Mặt bằng định giá cao đang là yếu tố thách thức với thị trường chứng khoán

Bàn về thị trường chứng khoán, bà Đỗ Hồng Vân cho biết mặt bằng định giá cao cũng đang là yếu tố gây thách thức với thị trường chứng khoán. Theo đó, định giá P/E hiện ở mức 13,1 lần - thấp hơn trung bình giai đoạn từ 2015 đến nay và nhiều nhận định cho rằng định giá thị trường đang ở mức rất hấp dẫn. Tuy nhiên, bà Đỗ Hồng Vân cho rằng, nhà đầu tư cần nhìn sâu hơn từng lớp ngành, lớp cổ phiếu bên trong để đánh giá định giá thực sự của thị trường. Nếu không tính đến nhóm bất động sản, P/E thị trường đã cán mốc 23,5 lần – cao hơn định giá khi VN-Index vượt mốc 1.500 điểm để thiết lập mức đỉnh lịch sử từ trước đến nay.

Nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ là nhóm có hiệu suất tốt nhất từ đầu năm đến nay và định giá của nhóm này cũng đã vượt đỉnh lịch sử và vượt xa giai đoạn tiền rẻ năm 2021. Nhà đầu tư cần nhìn nhận thực tế là chúng ta đang nắm cổ phiếu trên mặt bằng đỉnh định giá và điều này cho thấy câu chuyện đầu tư giá trị không còn là trọng yếu ở thời điểm hiện tại.

Với định giá đang neo vùng đỉnh trong khi kết quả kinh doanh quý 3 kém hơn kỳ vọng, vị chuyên gia cho rằng VN-Index cần chiết khấu sâu thêm để hấp dẫn dòng tiền hoặc các doanh nghiệp niêm yết phải tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ ở phía trước. Chỉ khi đáp ứng được một trong hai điều kiện trên mới có thể giúp nhà đầu tư tránh việc mua cổ phiếu giá cao quá đà. Mặc dù vĩ mô hiện tại đang ủng hộ cho đà phục hồi của các doanh nghiệp niêm yết và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 dự báo sẽ tích cực hơn khi đạt khoảng 8-10%. Tuy nhiên, chuyên gia FiinGroup cho rằng để đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng 20% như giai đoạn Covid-19 kết thúc sẽ rất thách thức.

Sắc tím xuất hiện tại cổ phiếu L14, VN-Index liên tục kiểm định mốc MA200

Thị trường chứng khoán tiếp tục giằng co tại mốc MA200, tương đươn vùng 1.115 điểm. Đáng chú ý, L14 bất ngờ tăng trần với ...

Đầu tư chứng khoán - từ bước đi chập chững đến niềm đam mê, yêu thích

Tới khi ra trường, tôi cũng giống các bạn học khác, đi kiếm việc, tích lũy kinh nghiệm, lãnh lương duy trì cuộc sống. Tuy ...

Nhóm cổ phiếu dầu khí đang đứng trước "con sóng lớn"

Nhắc tới nhóm cổ phiếu dầu khí, phần lớn nhà đầu tư (NĐT) trên thị trường chứng khoán đều có chung góc nhìn đây là ...

Quỳnh Nga