Góc nhìn

Chuyên gia Dragon Capital nói về ảnh hưởng thực tế của mức thuế mới với các doanh nghiệp trên sàn

Anh Vũ 04/04/2025 09:10

Chính sách áp thuế 46% của Mỹ với hàng Việt có thể khiến xuất khẩu giảm 37,5 tỷ USD và ảnh hưởng đến 2% GDP. Dragon Capital đánh giá tác động trực tiếp đến doanh nghiệp niêm yết là không đáng kể, trong khi nền kinh tế vẫn giữ vững tiềm năng tăng trưởng.

Tại sự kiện “Investor Day Chiến lược đầu tư với chính sách mới” do Dragon Capital tổ chức, bà Đặng Nguyệt Minh – Giám đốc Khối nghiên cứu Dragon Capital nhận định rằng, chính sách áp thuế nhập khẩu toàn diện của Mỹ vừa công bố cao hơn nhiều so với kỳ vọng, trong đó mức thuế suất lên tới 46% với hàng hóa từ Việt Nam là "cú sốc thực sự" đối với nền kinh tế.

d2.png
Chính sách thuế của Mỹ công bố cao hơn rất nhiều so với kỳ vọng của nhà đầu tư, trong đó Việt Nam ở mức 46%

Theo bà Minh, với mức thuế này, chi phí xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ sẽ đội lên, khiến các doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ bị chuyển đơn hàng sang các quốc gia có ưu đãi thuế tốt hơn. Ước tính, tổng tác động từ mức thuế 46% có thể khiến kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sụt giảm khoảng 37,5 tỷ USD, tương đương 9% tổng kim ngạch xuất khẩu và tác động tiêu cực từ 1,5–2% GDP.

Cụ thể, 13,4 tỷ USD là tổn thất do cầu tiêu dùng tại Mỹ suy giảm khiến giá trị nhập khẩu từ Việt Nam giảm. Thêm vào đó, 24,1 tỷ USD là thiệt hại tiềm tàng từ việc các nhà sản xuất toàn cầu chuyển đơn hàng khỏi Việt Nam để tránh gánh nặng thuế.

Dù vậy, bà Minh lưu ý, Mỹ thường đưa ra mức thuế trần cao nhằm tạo áp lực đàm phán, do đó, 46% có thể không phải mức thuế cuối cùng nếu các bên đạt được thỏa thuận song phương.

Trước áp lực lớn từ chính sách thuế, Chính phủ Việt Nam đã chủ động thúc đẩy nhiều biện pháp để giảm thiểu rủi ro thương mại:

Thứ nhất, đẩy mạnh ký kết các thỏa thuận thương mại với Mỹ trong các ngành mà Mỹ có lợi thế như năng lượng, hàng không, nông nghiệp… Tổng giá trị các thỏa thuận có thể lên đến 90,3 tỷ USD, trong đó khoảng 50,15 tỷ USD đã ký kết, 36 triệu USD đang đàm phán. Riêng ngày 13/3 vừa qua, hai bên đã ký thêm gói hợp tác trị giá 4,15 tỷ USD.

Thứ hai, Việt Nam cắt giảm thuế nhập khẩu với 12 nhóm hàng từ Mỹ (khí LNG, ô tô, ethanol, nông sản…).

Thứ ba, tăng thuế với hàng hóa từ Trung Quốc có nguy cơ trung chuyển để tránh thuế, điển hình như: thép cán nóng (19,38 – 27,83%), thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc (15 – 37%).

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang sử dụng các “đòn bẩy phi thương mại” như: linh hoạt chính sách ngoại hối, cấp phép cho Starlink hoạt động, tăng cường quan hệ với AmCham và triển khai hợp tác dự án với các tập đoàn Mỹ (Trump Organization, NVIDIA, Qualcomm…).

d1.png
Nhóm phân tích cho rằng, triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ được cân bằng giữa tăng trưởng toàn cầu và chính sách nội địa với mức tăng trưởng 15 – 17%.

Tác động thực tế đến doanh nghiệp và thị trường chứng khoán

Theo Dragon Capital, mức ảnh hưởng thực tế đến doanh thu các doanh nghiệp Việt trên sàn không quá nghiêm trọng. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong rổ VN-Index (trừ tài chính và BĐS) đạt khoảng 111 tỷ USD, trong đó chỉ 18% có hoạt động xuất khẩu và chỉ 2% là xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ.

Do đó, ảnh hưởng trực tiếp từ thuế 46% đến doanh thu – lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được đánh giá là không quá đáng kể. Những ngành nhạy cảm nhất vẫn là hóa chất, tiêu dùng, thực phẩm, thép và vật liệu xây dựng.

Bà Minh cho biết, tâm lý nhà đầu tư hiện rất lo lắng, nhưng nền kinh tế Việt Nam có nền tảng nội lực tốt, với mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8%, cao hơn mức trung bình ASEAN và các nước mới nổi. Điều này vẫn duy trì sức hấp dẫn của Việt Nam với nhà đầu tư trung và dài hạn.

Nhóm phân tích của Dragon Capital kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp năm 2025 sẽ tăng trưởng 15–17%, được hỗ trợ bởi xu hướng nới lỏng tín dụng, gỡ vướng pháp lý bất động sản, kích thích tiêu dùng nội địa và tăng cường đầu tư công.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chuyên gia Dragon Capital nói về ảnh hưởng thực tế của mức thuế mới với các doanh nghiệp trên sàn
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO