e magazine
Chuyển động chứng khoán tuần: VCB, VPB, HPG, MSN,… đè thị trường, VIC và FPT “gánh còng lưng”

12:19 | 17/12/2023

Sau 2 phiên đầu tuần trồi sụt trong biên độ hẹp, thị trường bất ngờ bị bán mạnh trong ngày thứ Tư khiến các chỉ số đồng loạt “lao dốc”, trong đó VN-Index đóng cửa mất tới trên 13 điểm. Lực bán vẫn tiếp diễn trong những phiên cuối tuần đã đẩy chỉ số chính sụt giảm tới 22,14 điểm so với tuần trước. Một điểm tiêu cực nữa trong tuần qua là việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng đột biến tới 3.500 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu vào mã HPG và nhóm ngân hàng.
Chuyển động chứng khoán tuần: VCB, VPB, HPG, MSN,… đè thị trường, VIC và FPT “gánh còng lưng”

Chuyển động chứng khoán tuần: VCB, VPB, HPG, MSN,… đè thị trường, VIC và FPT “gánh còng lưng”

Sau 2 phiên đầu tuần trồi sụt trong biên độ hẹp, thị trường bất ngờ bị bán mạnh trong ngày thứ Tư khiến các chỉ số đồng loạt “lao dốc”, trong đó VN-Index đóng cửa mất tới trên 13 điểm. Lực bán vẫn tiếp diễn trong những phiên cuối tuần đã đẩy chỉ số chính sụt giảm tới 22,14 điểm so với tuần trước. Một điểm tiêu cực nữa trong tuần qua là việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng đột biến tới 3.500 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu vào mã HPG và nhóm ngân hàng.

Tuần qua, thị trường đón nhận nhiều thông tin quan trọng như: FED quyết định giữ nguyên lãi suất (5,25% - 5,5%) sau cuộc họp chính sách, đồng thời lần đầu tiên kể từ tháng 3/2021, các nhà hoạch định chính sách đưa ra dự báo sẽ không tăng thêm lãi suất và dự kiến ít nhất sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024; Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đều quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất; Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết thương mại toàn cầu trong năm nay ước tính sụt giảm 5% so với năm ngoái, đồng thời dự báo triển vọng ảm đạm vào năm 2024;…

Quay trở lại với chứng khoán trong nước, thị trường vừa trải qua tuần giao dịch kém tích cực dưới áp lực bán ròng mạnh liên tiếp của khối ngoại với động thái giao dịch được cho là từ các nhà đầu tư Thái Lan khi nước này sẽ áp thuế thu nhập cá nhân với khoản đầu tư nước ngoài, áp dụng vào đầu năm 2024. VN-INDEX sau 2 phiên đầu tuần tăng điểm nhẹ ở vùng 1.130 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất tháng 11/2023 đã có 3 phiên liên tiếp chịu áp lực bán khá mạnh.

Kết tuần, VN-INDEX dừng ở mức 1.102,30 điểm, tương ứng giảm 1,97% so với tuần trước. HNX-INDEX có diễn biến tương tự khi kết tuần giảm 1,81% so với tuần trước về mức 227,02 điểm.

Chuyển động chứng khoán tuần: VCB, VPB, HPG, MSN,… đè thị trường, VIC và FPT “gánh còng lưng”

Trong tuần, thanh khoản trên HOSE đạt 77.512,71 tỷ đồng, giảm 25,8% so với tuần trước, khối lượng giao dịch giảm 27,6%. Điều này thể hiện việc thị trường phân hóa, nhiều mã vẫn tích lũy, hồi phục tốt trước áp lực bán. Thanh khoản HNX giảm 32,0 % so với tuần trước với 8.766,53 tỷ đồng được giao dịch.

Nhóm cố phiếu vốn hóa lớn trong VN30 sau tuần phục hồi tốt, đa số chịu áp lực điều chỉnh mạnh trở lại dưới áp lực bán của khối ngoại, thanh khoản trên mức trung bình như MSN (-4,83%), BCM (-4,62%), VPB (-4,59%), MWG (-4,34%), SAB (-4,27%), STB (-3,90%),... ngoài các mã vẫn duy trì xu hướng tích cực với FPT (+2,12%), VIC (+1,75%), ACB (+1,56%), HDB (+1,11%),...

Các cổ phiếu nhóm cổ phiếu bất động sản có diễn biến kém tích cực hơn, đa số chịu áp lực điều chỉnh mạnh, thanh khoản ở mức trung bình với PDR (-8,36%), L14 (-6,07%), DIG (-5,79%), QCG (-5,65%), NHA (-5,62%),... Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp cũng có diễn biến tương tự, đa số chịu áp lực bán khá mạnh, thanh khoản trên mức trung bình như DTD (-6,11%), KBC (-5,68%), VGC (-5,20%), TIP (-4,72%), BCM (-4,62%),...

Trong khi đó, các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán lại có diễn biến phân hóa tích cực hơn với MBS (+2,73%), HCM (+1,61%), FTS (+0,71%),... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản trên mức trung bình như VIX (-4,07%), VFS (-3,72%), PSI (-3,30%), VCI (-3,11%),...

Sắc đỏ chiếm chủ đạo trên nhóm cổ phiếu ngân hàng với 23/27 giảm giá. Trong đó, NVB là mã giảm mạnh nhất với mức -8%, đóng cửa tuần với giá 10.300 đồng/cp. Cổ phiếu này đã giảm liên tiếp trong 4 phiên đầu tuần và đứng tham chiếu trong phiên cuối cùng.

Chuyển động chứng khoán tuần: VCB, VPB, HPG, MSN,… đè thị trường, VIC và FPT “gánh còng lưng”

Về mức độ tác động đến VN-Index, cổ phiếu VCB đã lấy đi gần 3,8 điểm của chỉ số. Kết tuần, giá cổ phiếu VCB giảm 2,6% còn 82.200 đồng/cp, đây là mức giá thấp nhất trong 6 tháng trở lại đây của nhà băng này. Không chỉ có VCB, nhóm ngân hàng còn có 3 đại diện là VPB, BID và STB nằm trong top 10 cổ phiếu tiêu cực nhất. Số cổ phiếu này kéo giảm hơn 2,8 điểm của chỉ số, trong đó VPB là cổ phiếu tiêu cực thứ hai cả sàn - lấy mất gần 1,8 điểm của chỉ số. Phía bên kia, 2 cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng có biểu hiện tích cực nhất là ACB và HDB, tuy nhiên, kéo tăng chỉ 0,3-0,2 điểm mỗi mã.

Ngoài nhóm ngân hàng, ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số còn có những cổ phiếu có vốn hóa lớn như HPG kéo giảm gần 1,3 điểm - cao thứ ba toàn sàn; thực phẩm MSN gần 1,1 điểm; năng lượng GAS và đồ uống SAB gần 0,9 điểm mỗi mã; bất động sản BCM khoảng 0,8 điểm; bán lẻ MWG xấp xỉ 0,7 điểm.

Ở chiều ngược lại, đại diện cổ phiếu họ Vingroup - VIC trở thành trụ đỡ chính cho VN-Index trong tuần qua, nhưng chỉ giúp tăng hơn 0,7 điểm, xếp ngay sau là “ông lớn” công nghệ FPT mang về hơn 0,6 điểm…

Chuyển động chứng khoán tuần: VCB, VPB, HPG, MSN,… đè thị trường, VIC và FPT “gánh còng lưng”

Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch tiếp tục bán ròng đột biến trong tuần với giá trị 3.461,28 tỷ đồng trên HOSE, tập trung bán ròng mạnh nhóm ngân hàng, thép, bất động sản; mua ròng trên HNX với giá trị 154,77 tỷ đồng. Cụ thể:

Trên sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng 5 phiên liên tiếp. Tổng cộng, khối này đã bán ròng 121,79 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng đạt 3.369,18 tỷ đồng, giảm 8,38% về lượng và 14,79% về giá trị so với tuần trước.

Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 4 phiên và bán ròng 1 phiên. Tổng cộng trong tuần, khối này đã mua ròng 3,33 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 154,35 tỷ đồng, trong khi tuần trước bán ròng 4,1 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 73,03 tỷ đồng.

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại đã bán ròng 5 phiên. Tổng cộng, khối ngoại đã bán ròng 25.110 đơn vị, trong khi tuần trước mua ròng 842.740 đơn vị; tổng giá trị vẫn là bán ròng 34,78 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với tuần trước đó.

Chuyển động chứng khoán tuần: VCB, VPB, HPG, MSN,… đè thị trường, VIC và FPT “gánh còng lưng”

Trên thị trường phái sinh, kết thúc tuần kỳ hạn VN30F2312 ở mức 1.099,3 điểm, giảm 1,14% so với tuần trước, chênh lệch dương 1,90 điểm so với VN30. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức trung bình khi thị trường biến động. Khối lượng mở OI vẫn duy trì ở mức cao khi thị trường sẽ đáo hạn trong tuần tiếp theo. Xu hướng ngắn hạn VN30F2312 tiếp tục tích lũy kém tích cực hơn dưới vùng kháng cự quanh 1.110 điểm, vùng hỗ trợ quanh 1.100 điểm. Các kỳ hạn VN30F2401, VN30F2403, VN30F2406 chênh lệch từ -0,2 điểm đến -2,4 điểm, các mức chênh lệch thu hẹp, cho thấy các trader vẫn vẫn chưa lạc quan với VN30, nghiêng về VN30 sẽ phục hồi trong phiên tiếp theo, phòng ngừa rủi ro giảm điểm ở kỳ hạn lớn.

Nhận định xu hướng thị trường tuần từ 18-22/12

Các chuyên gia VCBS cho rằng: Trên góc nhìn kỹ thuật, VN Index tiếp tục giảm điểm do lực bán của đến từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, thanh khoản bán trong phiên cuối tuần không quá lớn và chủ yếu đến từ việc các quỹ cơ cấu danh mục. Xét về khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI đã ở vùng quá bán cho thấy xác suất cao thị trường sẽ có những phiên bật nảy phục hồi trở lại trong tuần tới. Bên cạnh đó, ở khung đồ thị ngày, 2 chỉ báo nêu trên mới chỉ tạo 1 đỉnh cho thấy đây chỉ là nhịp điều chỉnh ngắn hạn trong trend tăng dài hạn.

VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư vẫn cần giữ vững tâm lý, duy trì tỉ trọng đối với những cổ phiếu vẫn đang giữ được vùng hỗ trợ ngắn hạn, không hoảng loạn bán đuổi trong những phiên rung lắc mạnh. Những phiên giảm điểm mạnh sẽ là cơ hội tốt để giải ngân từng phần đối với những cổ phiếu vẫn đang trong xu hướng tăng trung hạn.

Ở góc nhìn khác, chuyên gia chứng khoán SHS đưa ra quan điểm: Thị trường trong ngắn hạn đang điều chỉnh trong nền tích lũy và vẫn có kỳ vọng phục hồi, hướng tới cản ngắn hạn 1.150 điểm nếu Vn-Index tăng điểm trở lại và test hỗ trợ 1.100 điểm thành công. Nhà đầu tư ngắn hạn trong trường hợp này vẫn có thể giải ngân với tỷ trọng thấp bởi nhịp hồi phục nếu có diễn ra cũng sẽ khó dự báo và có thể kết thúc bất kỳ thời điểm nào.

Trong trung, dài hạn thị trường dù mất xu hướng uptrend nhưng sẽ đi tìm điểm cân bằng mới và tích lũy lại nên rủi ro trung dài hạn không cao. Nhà đầu tư trung hạn vẫn có thể xem xét giải ngân trong các giai đoạn giảm điểm, mục tiêu nên hướng tới các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các cố phiếu có tiềm năng tăng trưởng trong năm tới và đang vận động trong trạng thái tích lũy.

Chuyển động chứng khoán tuần: VCB, VPB, HPG, MSN,… đè thị trường, VIC và FPT “gánh còng lưng”

Đánh giá về triển vọng năm tới, tại toạ đàm đầu tư “2024 – Đi lên từ chân sóng” tổ chức vào ngày 16/12 vừa qua, bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng phòng Phân tích Dữ liệu FiinGroup nhận định: Năm 2024, bối cảnh vĩ mô tươi sáng hơn sẽ hỗ trợ cho các nhóm ngành tốt hơn. Về lợi nhuận, ở thời điểm hiện tại, giới phân tích kỳ vọng năm sau toàn thị trường sẽ tăng trưởng ở mức 20,3% trên nền suy giảm hơn 8% năm 2023, đây là con số rất cao dựa trên nhóm ngân hàng là chủ yếu và thị trường kỳ vọng ngân hàng sẽ dẫn dắt tăng trưởng 2024 với 21%, nhóm phi tài chính tăng trên 18%.

Dù vậy, khi đánh giá về ngành, chuyên gia FiinGroup cho rằng ngân hàng, bất động sản có triển vọng chưa thực sự tích cực vào năm tới, trong khi đó là 2 ngành lớn, chiếm tỷ lệ lợi nhuận lớn, chi phối định giá toàn thị trường. Ở chiều ngược lại, công nghệ thông tin, thuỷ sản, dệt may liên quan hoạt động xuất khẩu tích cực trở lại.

Ngoài ra, thép sẽ ăn theo câu chuyện đầu tư công, các dự án túc tắc trở lại thúc đẩy nhu cầu sử dụng thép; còn bất động sản khu công nghiệp thì gắn với câu chuyện dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc. Nhóm khai thác đá cũng có kỳ vọng nhất định trong 1-2 năm tới nhờ dòng vốn đầu tư công là động lực tăng trưởng.

Trong khi đó, ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Khối nghiên cứu và Phân tích đầu tư FIDT cho rằng: Năm 2024, Việt Nam có nhiều kỳ vọng tăng trưởng hơn, kỳ vọng tăng 6 – 6,5% do chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá có độ trễ nhất định nên sẽ phát huy vào năm sau. Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu cũng có 2 tháng hồi phục là tháng 10, 11, cho thấy tín hiệu ban đầu của hồi phục kinh tế và là bước đệm cho năm 2024…

Theo đó, chuyên gia FIDT đưa ra 3 kịch bản:

Kịch bản cơ sở: VN-Index đạt 1.300 điểm (+/-20 điểm) khi kinh tế Việt Nam hồi phục tốt năm 2024; kinh tế Mỹ hạ cánh mềm. Rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản ở mức hạn chế và dòng vốn ngoại trở lại từ cuối quý II/2024.

Kịch bản tích cực: VN-Index đạt 1.420 điểm (+/-30 điểm) khi kinh tế Việt Nam hồi phục tốt và xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ; kinh tế Mỹ tăng trưởng gần mức tiềm năng dài hạn. Bên cạnh đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xử lý vấn đề pháp lý trên thị trường bất động sản và chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng tốt lên. Cuối cùng là dòng vốn ngoại trở lại mạnh mẽ cho triển vọng nâng hạng.

Kịch bản tiêu cực: VN-Index ở mức 1.150 điểm (+/-20 điểm) khi kinh tế Việt Nam hồi phục nhưng còn bấp bênh; kinh tế mỹ xảy ra suy thoái nhẹ. Mặt khác, pháp lý bất động sản và rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng chưa nhiều cải thiện; còn dòng vốn ngoại vẫn tập trung ở thị trường phát triển.

Nguyễn Thanh

"Anh cả" ngành ngân hàng trở thành gánh nặng, VN-Index quay đầu giảm điểm tuần qua

Nguyên nhân chính khiến VN-Index quay lại đà giảm tuần qua thuộc về "anh cả" ngành ngân hàng - VCB đã lấy đi gần 3,8 ...

Giao dịch khối ngoại tuần 11-15/12: Cổ phiếu HPG bất ngờ bị bán mạnh, dòng Bank liên tục bị rút ròng

Trong tuần giao dịch từ 11-15/12, thanh khoản thị trường chứng khoán khối ngoại tiếp tục neo cao khi bán ròng hơn 3.200 tỷ đồng, ...