Chuyển đổi số - Việc làm cấp thiết để các doanh nghiệp Chứng khoán vượt qua đại dịch và phát triển

Cập nhật: 15:59 | 19/07/2021 Theo dõi KTCK trên

Đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn thế giới từ năm 2020 đến nay vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, các công ty Chứng khoán đã có nhiều giải pháp để ứng phó vượt qua đại dịch Covid 19 và một trong những giải pháp hữu hiệu đó là chuyển đổi số. Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (HHKDCKVN) chuyển đổi số không còn là xu thế mà là một yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp, cần triển khai càng sớm càng tốt.

5647-chuyen-doi-so-chung-khoan-1
Chuyển đổi số - Việc làm cấp thiết của các doanh nghiệp Chứng khoán.

PV: Trong giai đoạn dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, các công ty Chứng khoán (CTCK) cần ứng phó bằng các giải pháp như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất trong hoạt động kinh doanh của mình, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Kỳ: Đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn thế giới từ năm 2020 đến nay vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Toàn bộ các hoạt động của nền kinh tế đã và đang phải có những thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới nhằm thực hiện mục tiêu kép phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động trên TTCK cũng không nằm ngoài bối cảnh chung đó. Tuy nhiên, các CTCK đã có nhiều giải pháp để ứng phó vượt qua đại dịch Covid 19, đó là:

Thứ nhất, các CTCK tái cấu trúc hoạt động của công ty, quản trị rủi ro chặt chẽ, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự, cải tiến các quy trình nghiệp vụ, tối ưu hóa bộ máy theo mô hình tinh gọn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty.

Thứ hai, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, công cụ đầu tư mới nhằm mở rộng cơ hội đầu tư cho khách hàng và tăng thanh khoản cho thị trường.

Thứ ba, nâng cao hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong các ứng dụng phần mềm quản lý và giao dịch. Nhiều nền tảng giao dịch trực tuyến mới được ra mắt nhằm tăng cường giao dịch trực tuyến cho nhà đầu tư, đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu về giãn cách xã hội.

Thứ tư, chủ động thu xếp mở rộng nguồn vốn, đảm bảo hoạt động cung cấp margin cho nhà đầu tư.

Thứ năm, miễn, giảm phí giao dịch cho nhà đầu tư.

PV: Theo ông, trong việc thực thi các giải pháp đó, đặc biệt là giải pháp chuyển đổi số, thì các đơn vị gặp những khó khăn gì và hướng giải quyết của họ ra sao?

Ông Nguyễn Thanh Kỳ: Chuyển đổi số không còn là xu thế mà là một yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp, cần triển khai càng sớm càng tốt. Đặc biệt là trong ngành chứng khoán, hệ thống công nghệ thông tin là nền tảng quan trọng nhất trong hoạt động giao dịch của thị trường và không phải chỉ thực hiện một lần, mà cần được nâng cấp thường xuyên để nâng cao năng lực xử lý của hệ thống. Để triển khai giải pháp chuyển đổi số, các CTCK gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có hai vấn đề lớn nhất là chi phí cho chuyển đổi số tương đối lớn và thiếu nhân lực triển khai thực hiện.

Để giải quyết những vấn đề này, các CTCK thời gian qua đã tìm cách gia tăng nguồn vốn thông qua các kênh phát hành quyền mua cổ phiếu, phát hành riêng lẻ và/hoặc trái phiếu chuyển đổi, thu hút nguồn vốn nước ngoài. Đồng thời, các CTCK cũng tìm cách thu hút nhân lực IT, đặc biệt là các nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất làm việc của nhân viên IT.

Vì vậy, đến thời điểm này, chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán đang diễn ra khá tích cực. Tất cả các CTCK đều có thể triển khai giao dịch trực tuyến cho nhà đầu tư, các hoạt động giao dịch, thanh toán đều được thực hiện trực tuyến. Các CTCK cũng triển khai cập nhật hệ thống giao dịch mới của Hàn Quốc, của FPT FPT (xử lý nghẽn lệnh cho Sở Giao dịch TP. Hồ Chí Minh HOSE) để đảm bảo thị trường được kết nối thông suốt. Nhiều công ty chứng khoán đã phát triển các phần mềm có nhiều tính năng hỗ trợ nhà đầu tư quản lý tài khoản cũng như có ngưỡng cảnh báo rủi ro. Khi các hoạt động nghiệp vụ được thực thi trên nền tảng số, sẽ thúc đẩy tính minh bạch, hiệu quả trên thị trường và đặc biệt chất lượng quản trị rủi ro của mỗi nhà đầu tư, của các công ty chứng khoán sẽ được cải thiện.

5649-chuyen-doi-so-chung-khoan-2
Ông Nguyễn Thanh Kỳ - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam.

PV: Ông có thể cho biết về thực trạng chuyển đổi số của lĩnh vực chứng khoán tại Việt Nam như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Kỳ: Lĩnh vực chứng khoán tại Việt Nam đã đi vào hoạt động được hơn 20 năm nay, đến nay thị trường chứng khoán Việt Nam đã có gần 3,5 triệu tài khoản của nhà đầu tư. Các nhà đầu tư cũng được nâng cao rất nhiều về trình độ sử dụng các tính năng, tiện ích trên các hệ thống giao dịch điện tử tại các công ty chứng khoán thành viên. Nếu như trước đây, phương thức giao dịch chủ yếu là thực hiện thủ công viết phiếu lệnh tại CTCK hoặc qua đại diện giao dịch của công ty chứng khoán tại sàn để nhập vào hệ thống, thì ngày nay nhà đầu tư hầu hết đều tự thao tác giao dịch được bằng tài khoản giao dịch trực tuyến trên máy tính hoặc điện thoại.

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, quá trình chuyển đổi số đã bắt đầu diễn ra. Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định rõ những lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số trước, trong đó có ngành Tài chính - Ngân hàng.

Những bước tiến rất nhanh của công nghệ khiến nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng đã có sự thay đổi nhanh chóng, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của các CTCK. Sản phẩm dịch vụ không chỉ đáp ứng nhu cầu mà phải tiến tới nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Cùng với đó, tất cả các dữ liệu cũng được số hóa, với các công cụ phân tích, thống kê, dự báo… đều sử dụng năng lực của các phần mềm và công cụ điện tử.

Hệ thống giao dịch điện tử đã được số hóa. Tuy nhiên, sự quá tải trong việc xử lý số lượng lệnh giao dịch như thời gian vừa qua cho thấy, hệ thống cần được nâng cấp chuyển đổi số lên năng lực xử lý cao hơn.

PV: Ông có thể cho biết một số khuyến nghị dành cho các đơn vị kinh doanh chứng khoán trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay?

Ông Nguyễn Thanh Kỳ: Chuyển đổi số là một quá trình diễn ra liên tục, không chỉ gắn với thay đổi mô hình kinh doanh, mà còn làm thay đổi cả văn hóa doanh nghiệp. Để đón dòng vốn từ nhà đầu tư trong và ngoài nước, hoạt động chuyển đổi số trên thị trường chứng khoán cần chuyển động nhanh hơn, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp. Để triển khai chuyển đổi số thành công, các CTCK cần có kế hoạch chi tiết để cân đối nguồn lực tài chính và thời gian dự kiến hoàn thành, đồng thời có sự chuẩn bị đầu tư thích đáng để có nguồn nhân lực có chuyên môn đảm bảo cho việc triển khai chuyển đổi số thực hiện theo kế hoạch. Các CTCK cũng cần chú ý lựa chọn đối tác, giải pháp chuyển đổi số phù hợp với phạm vi ứng dụng và năng lực triển khai của doanh nghiệp. Các CTCK cần phối hợp chặt chẽ với các Sở GDCK và UBCKNN để đảm bảo an toàn hệ thống của cả thị trường, cũng như trong quá trình phát triển các hệ thống mới.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi, chia sẻ rất thiết thực và bổ ích này!.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Dương Lâm

Tin cũ hơn
Xem thêm