Chuỗi ngày đáng quên với cổ đông Vietnam Airlines (HVN)

Cập nhật: 17:01 | 22/07/2024 Theo dõi KTCK trên

Tiếp tục là một phiên giao dịch "đáng quên" với cổ đông của Vietnam Airlines khi cổ phiếu HVN nằm sàn phiên 22/7, đánh dấu phiên điều chỉnh thứ 7 liên tiếp, trong đó gồm 4 phiên giảm kịch sàn.

Chốt phiên 22/7, giá cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airline, HOSE: HVN) ghi nhận phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp, tương ứng với mức giảm 6,8% về mức giá 24.350 đồng/cp với thanh khoản đạt 1,1 triệu đơn vị, lượng dư bán sàn hơn 4 triệu đơn vị. Phiên giảm sàn hôm nay đánh dấu phiên giảm thứ 7 liên tiếp của cổ phiếu Vietnam Airlines.

Kể từ đỉnh hồi đầu tháng 7 (36.400 đồng/cp), thị giá cổ phiếu HVN đã bốc hơi tới 33%. Vốn hóa thị trường cũng bị thổi bay tới 26.700 tỷ đồng (khoảng 1,05 tỷ USD) chỉ trong khoảng 3 tuần giao dịch, ghi nhận còn 53.920 tỷ đồng.

Diễn biến giá cổ phiếu HVN
Diễn biến giá cổ phiếu HVN

Tuy nhiên, nhìn rộng ra, tính từ giá đóng cửa cao nhất của năm tại mức 10.200 đồng/cp (phiên 31/10/2023), thị giá HVN đã tăng 88% do vậy, áp lực chốt lời của nhà đầu tư là khá dễ hiểu. Thêm vào đó, việc thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa thể vượt ngưỡng cản 1.300 điểm, thậm chí đang bước vào nhịp điều chỉnh khiến các cổ phiếu thiếu đi động lực bứt phá, HVN cũng không ngoại lệ. Đồng thời, kết quả kinh doanh quý 2 của Vietnam Airlines không được như kỳ vọng.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức vào ngày 16/7, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Vietnam Airlines ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất của hãng hàng không này trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 4.600 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính quý 1, Vietnam Airlines lãi trước thuế 4.528 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với con số hơn 19 tỷ cùng kỳ 2023. Đây là mức lợi nhuận cao nhất mà hãng hàng không này đạt được trong một quý kể từ khi thành lập.

Chủ tịch Vietnam Airlines cũng cho biết, mặc dù có một số yếu tố thuận lợi nhưng 6 tháng đầu năm nay vẫn là giai đoạn có nhiều thách thức đối với Vietnam Airlines. Trong đó, giá nhiên liệu tăng làm tăng chi phí vận hành; đồng thời, việc tỷ giá tăng 4,8% từ đầu năm đến nay cũng ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của tổng công ty. Đồng thời, toàn ngành hàng không Việt Nam đối mặt với tình trạng thiếu hụt tàu bay do các lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất. Hiện các hãng bay Việt Nam chỉ còn hơn 160 tàu bay hoạt động.

Mặc dù số tàu bay sẵn sàng hoạt động giảm nhưng giờ bay của Vietnam Airlines trong nửa đầu năm nay vẫn tăng so với năm ngoái để đảm bảo các chuyến bay của người dân, ông Đặng Ngọc Hòa cho biết thêm.

Năm 2024, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ ở mức 80.984 tỷ đồng và doanh thu hợp nhất 105.946 tỷ đồng. Đây đều là các mức cao nhất từ trước đến nay của Vietnam Airlines. Mức lãi ròng của công ty mẹ trong năm nay dự kiến khoảng 105 tỷ đồng và mức lợi nhuận hợp nhất trên 4.230 tỷ đồng. Kế hoạch này được lập trên giả định giá nhiên liệu bay ở mức 104 USD/thùng.

Như vậy, Vietnam Airlines đã hoàn thành 108,7% mục tiêu lợi nhuận hợp nhất cả năm nay.

Theo báo cáo tài chính của Vietnam Airlines, tại thời điểm 31/3 công ty còn lỗ lũy kế 36.742 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 12.556 tỷ đồng. Điều này khiến cổ phiếu HVN nằm diện kiểm soát, hạn chế giao dịch của HOSE và vẫn đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Tại cuộc họp ĐHCĐ diễn ra cuối tháng 6/2024, Vietnam Airlines cũng cho biết tình hình dòng tiền năm 2024 dự kiến rất khó khăn do nhiều khoản nợ tái cơ cấu đến hạn thanh toán trong năm, đặc biệt là từ tháng 7/2024 khi các khoản vay tái cấp vốn bắt đầu đến hạn hoàn trả.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, công ty kỳ vọng đến năm 2025 có thể xóa bỏ được tình trạng âm vốn chủ sở hữu, dần xóa lỗ lũy kế và đưa bức tranh tài chính lành mạnh như trước dịch Covid-19. Hãng bay đã có nhiều giải pháp để thực hiện điều này, trong đó có cả hỗ trợ từ Nhà Nước nhưng các giải pháp nội lực vẫn là quan trọng nhất.

Cổ phiếu HVN bị đưa vào diện kiểm soát từ quý 1/2022 do lỗ lũy kế và âm vốn chủ sở hữu. Tình trạng này kéo dài đến tháng 7/2023 khi HVN chuyển sang diện bị hạn chế giao dịch vì chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Tuy nhiên, sau khi công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022, HVN được đưa ra khỏi diện cảnh báo vào tháng 12/2023. Mặc dù vậy, cổ phiếu HVN vẫn đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết do lỗ lũy kế 3 năm liên tục, âm vốn chủ sở hữu và tổng nợ vay tài chính cao. Hiện nay, HVN chỉ được giao dịch buổi chiều trên HoSE.

Để khắc phục tình trạng này, Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 và tập trung vào các giải pháp tăng cường thích nghi, kinh doanh có lãi, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính. Mục tiêu của HVN là khắc phục âm vốn chủ sở hữu hợp nhất trong giai đoạn 2024-2025.

Cổ phiếu HVN dù "bay cao", án hạn chế giao dịch vẫn còn đó

Thị giá hiện tại của HVN đang ở mức đỉnh cao nhất của cổ phiếu ngành hàng không này trong 5 năm qua, kể từ ...

Công ty con của Vietnam Airlines (HVN) mạnh tay chi cổ tức, cổ phiếu chạm mốc 3 chữ số

Tại ngày 31/3/2024, Vietnam Airlines nắm quyền chi phối 55,13% vốn tại NCT và dự kiến sẽ bỏ túi khoảng 72 tỷ đồng trong đợt ...

Chứng khoán tiếp đà hồi phục ngày HVN "cất cánh"

Trong một ngày mà HVN "cất cánh" tăng mạnh, chỉ số chính thị trường chứng khoán tiếp tục hồi phục, tuy nhiên thanh khoản vẫn ...

Đức Anh

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm