Chứng khoán Việt lại lỡ hẹn với "chuyến tàu" nâng hạng

Cập nhật: 10:12 | 29/09/2023 Theo dõi KTCK trên

Trong kết quả xếp hạng thị trường tháng 9/2023 của FTSE Russell, Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging market) dù đã được thêm vào danh sách theo dõi từ năm 2018.

Theo đó, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí “Chu kỳ thanh toán (DvP)” – vốn đang ở được xếp ở mức “hạn chế” (Restricted). Nguyên nhân do thông lệ thị trường về việc kiểm tra trước giao dịch, đảm bảo có vốn trước khi thực hiện giao dịch. Thị trường cũng chưa gặp phải các giao dịch thất bại nào, do đó mục “thanh toán – chi phí liên quan tới giao dịch thất bại” chưa được đánh giá.

Chứng khoán Việt lại lỡ hẹn với

FTSE Russell ghi nhận những tương tác mang tính xây dựng của cơ quan quản lý thị trường Việt Nam trong 12 tháng qua và việc ban hành luật nhằm hỗ trợ tham vọng nâng cao thông lệ thị trường. Ngoài ra, nên có những cải tiến liên quan đến việc đăng ký tài khoản mới, hiện tại thông lệ thị trường có thể kéo dài quá trình đăng ký. Hướng đến một cơ chế hiệu quả cho giao dịch đối với những chứng khoán đã hoặc sắp đạt đến giới hạn sở hữu nước ngoài (cổ phiếu fullroom) cũng được coi là quan trọng.

Việt Nam vẫn nằm trong Danh sách theo dõi với tư cách là thị trường cận biên (Frontier market) và sẽ được xem xét để phân loại lại thành Thị trường mới nổi thứ cấp trong chương trình Phân loại quốc gia của FTSE tại Đánh giá tạm thời vào tháng 3/2024.

Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán SSI, các cơ quan chức năng đang tập trung nhiều nguồn lực để có thể đảm bảo thỏa mãn được các tiêu chí từ các tổ chức xếp hạng như FTSE Russel và MSCI. Nhìn chung các tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện.

Nhóm tiêu chí định tính mới là những rào cản chính nhưng trong số các tiêu chí định tính mà FTSE Russel và MSCI đưa ra, các yêu cầu từ FTSE Russel đơn giản hơn khá nhiều. Tuy nhiên, một trong những điều kiện quan trọng nhất mà cả FTSE hay MSCI đều nhắc đến đối với hạn chế của Việt Nam chính là việc quy định phải có tiền trước khi giao dịch (prefunding).

Việc vận hành hệ thống KRX là điều kiện cần và sự xuất hiện của cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) là điều kiện đủ để các giao dịch được thực hiện và kiểm soát rủi ro về mặt thanh toán. Việc vận hành có hiệu quả của cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm CCP cần sự tham gia nỗ lực từ các bên trong đó về phía các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà Nước, Bộ Tài Chính hay Ủy Ban Chứng khoán, các Luật liên quan cần phải sửa đổi như Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, dự kiến KRX hoàn thành công tác chuẩn bị hệ thống vào cuối tháng 12/2023 để sẵn sàng triển khai. SSI Research cho rằng giai đoạn này chính là thời điểm thích hợp cho việc nâng hạng của thị trường Việt Nam, cũng là bước đệm để đón nguồn vốn lớn từ các quỹ đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp khác như các quỹ tương hỗ (mutual fund), quỹ hưu trí (pension fund).

Ngoài ra, quy mô thị trường của Việt Nam đã trở nên quá lớn để ở lại nhóm thị trường cận biên, khi thị trường cổ phiếu đã có trọng số trên 30% trong chỉ số thị trường cận biên toàn cầu của MSCI. Thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước nhảy vọt sau giai đoạn Covid-19, cho thấy có thể đáp ứng được yêu cầu thanh khoản của nhóm các thị trường mới nổi.

Thị trường chứng khoán ngày 29/9/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Thanh khoản giảm mạnh, VN-Index tạm "dậm chân"; BSR muốn niêm yết trên thị trường quốc tế; Tổ chức liên quan đến Tổng Giám đốc ...

Các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ngày 29/9/2023

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến quý độc giả tổng hợp các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ...

Cổ phiếu Vinfast "ngừng rơi", chứng khoán Mỹ bắt đầu hồi phục

Sự su yếu của lãi suất trái phiếu kho bạc là nguyên nhân chính giúp chỉ số DowJones tiếp tục hồi phục trong phiên giao ...

Nhật Hải

Tin cũ hơn
Xem thêm