Chứng khoán tuần tới dưới góc nhìn chuyên gia: VN-Index vượt 1.400 điểm?
Sau tuần giao dịch sôi động với kỳ vọng từ đàm phán thương mại Việt – Mỹ và kỳ vọng nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn mới khi tâm điểm dần chuyển sang mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2.
Sau ba phiên tăng mạnh nhờ kỳ vọng vào kết quả đàm phán thuế quan Việt – Mỹ, thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh nhẹ nhưng sớm phục hồi trong phiên cuối tuần, với sự dẫn dắt của nhóm chứng khoán, công nghệ và bất động sản.
Kết thúc tuần giao dịch 30/6–4/7, chỉ số VN-Index tăng 15,53 điểm (+1,13%) lên mức 1.386,97 điểm. Thị trường chứng kiến ba phiên đầu tuần tăng liên tiếp, nhờ thông tin tích cực về đàm phán thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, cùng kỳ vọng mức thuế đối ứng sẽ “dễ thở” hơn cho hàng xuất khẩu Việt Nam.
Một số nhóm cổ phiếu xuất khẩu như thủy sản, dệt may tăng tốt nhưng về cuối tuần có điều chỉnh do chưa có thông tin chính thức. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán bật tăng trở lại, còn bất động sản ghi nhận phiên “đồng khởi” trong ngày cuối tuần.
Diễn biến nổi bật nhất tuần qua là thông tin từ phía Mỹ xác nhận đã đạt được thỏa thuận khung về thuế quan với Việt Nam vào tối 3/7 (giờ Việt Nam). Qua đó, Việt Nam tránh được mức thuế đối ứng lên tới 46% và được áp dụng mức thuế 20% – thấp hơn nhiều so với mức 55% với Trung Quốc. Thỏa thuận này giúp giảm rủi ro bất định, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp và dòng vốn FDI linh hoạt điều chỉnh chiến lược sản xuất – kinh doanh.
VN-Index vẫn trong xu hướng tăng, mục tiêu ngắn hạn quanh 1.400 điểm
Ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Khối Phân tích của VNDirect cho rằng bước sang tuần giao dịch 7–11/7, thị trường sẽ dần chuyển sự chú ý từ yếu tố vĩ mô sang mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết. Đây sẽ là động lực chính dẫn dắt diễn biến thị trường trong nửa đầu tháng 7.

Theo ông Hinh, xu hướng tăng ngắn hạn của VN-Index vẫn được duy trì, với mục tiêu hướng tới vùng kháng cự mạnh quanh 1.400 điểm. Bối cảnh vĩ mô trong nước tiếp tục tích cực là yếu tố củng cố niềm tin cho dòng tiền. Cụ thể, GDP 6 tháng đầu năm 2025 được ước tính tăng 7,5–7,6%, xuất khẩu tăng 14,4%, tổng đầu tư toàn xã hội tăng 9,8%, vốn FDI thực hiện tăng 8,1%, và tín dụng toàn nền kinh tế tăng 8,3% tính đến ngày 26/6.
Trong bối cảnh đó, kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp dự báo sẽ có nhiều điểm sáng. Những nhóm ngành được kỳ vọng tăng trưởng nổi bật gồm ngân hàng (hưởng lợi từ tăng trưởng tín dụng), chứng khoán (được hỗ trợ bởi thanh khoản cao và tự doanh), cùng với các ngành tiêu dùng, bán lẻ – phục hồi sức mua và mùa cao điểm du lịch nội địa.
Chiến lược đầu tư: Ưu tiên cổ phiếu có triển vọng KQKD sáng, tận dụng nhịp điều chỉnh
Ông Đinh Quang Hinh khuyến nghị nhà đầu tư tận dụng những nhịp điều chỉnh kỹ thuật hoặc rung lắc trong ngắn hạn để tái cơ cấu danh mục. Ưu tiên các nhóm cổ phiếu có triển vọng lợi nhuận quý 2 tích cực, đặc biệt là doanh nghiệp đầu ngành, nền tảng tài chính vững và khả năng hưởng lợi trực tiếp từ đà phục hồi kinh tế.
Dòng tiền lớn vẫn hiện diện ở các nhóm dẫn dắt, đồng thời khối ngoại mua ròng trong ba phiên cuối tuần cho thấy sự quan tâm đến thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, khi VN-Index tiệm cận vùng cản 1.400 điểm, biến động ngắn hạn có thể gia tăng, đòi hỏi nhà đầu tư linh hoạt, không mua đuổi trong các nhịp hưng phấn và kiên nhẫn với cơ hội có nền tảng cơ bản vững chắc.