Chứng khoán Tiên Phong (ORS) muốn vay 1.000 tỷ đồng từ VPBank

Cập nhật: 14:59 | 18/12/2023 Theo dõi KTCK trên

Số tiền này sẽ được Chứng khoán Tiên Phong dùng để đầu tư kinh doanh trái phiếu Chính phủ và chứng chỉ tiền gửi do các tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tín dụng là công ty con của VPBank) phát hành.

Mới đây, Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (HOSE: ORS) đã thông qua nghị quyết về việc vay vốn tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB).

Theo đó, Chứng khoán Tiên Phong đề nghị VPBank cho vay theo hạn mức/cấp cho công ty chứng khoán này hạn mức tín dụng với giá trị tối đa 1.000 tỷ đồng, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng. Hạn mức này không có tài sản đảm bảo và các tài sản khác.

Chứng khoán Tiên Phong (ORS) muốn vay 1.000 tỷ đồng từ VPBank
Chứng khoán Tiên Phong muốn vay 1.000 tỷ đồng từ VPBank

Với 1.000 tỷ đồng huy động được từ VPBank, Chứng khoán Tiên Phong sẽ sử dụng vào mục đích đầu tư kinh doanh trái phiếu Chính phủ và chứng chỉ tiền gửi do các tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tín dụng là công ty con của VPBank) phát hành.

Nghị quyết nêu rõ, hạn mức tín dụng sẽ được VPBank giải ngân cho Chứng khoán Tiên Phong sử dụng phù hợp với mục đích sử dụng nêu trên và hợp đồng/thỏa thuận cho vay ký kết giữa công ty chứng khoán này và VPBank.

Đồng thời, nghị quyết cũng thông qua việc giao và uỷ quyền thực hiện các công việc liên quan đến vay vốn, sử dụng hạn mức tín dụng của công ty tại VPBank cho bà Bùi Thị Thanh Trà – Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.

Chứng khoán Tiên Phong (ORS) muốn vay 1.000 tỷ đồng từ VPBank
Nghị quyết của Chứng khoán Tiên Phong

Trước đó, trong quý III/2023, Chứng khoán Tiên Phong đã mới hoàn tất đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 1.000 tỷ đồng để cơ cấu nợ. Lô trái phiếu này có kỳ hạn lên tới 5 năm và lãi suất 11%. Tổng dư nợ trái phiếu tính tới ngày 30/9/2023 ghi nhận ở mức 3.000 tỷ đồng.

Cũng trong quý III, công ty chứng khoán này cũng thông qua nghị quyết về việc vay vốn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) – chi nhánh Thăng Long với giá trị hạn mức tín dụng là tối đa 900 tỷ đồng. Số tiền huy động từ Vietcombank được sử dụng để thanh toán tiền mua trái phiếu Chính phủ, chứng chỉ tiền gửi và các giấy tờ khác.

Cũng cần nói thêm, từ đầu năm, Chứng khoán Tiên Phong cũng đã có kế hoạch huy động 1.000 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu và tăng vốn điều lệ lên mức 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tới nay, công ty chứng khoán này vẫn chưa thể triển khai đợt chào bán quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu.

Hạ tuần tháng 11, Chứng khoán Tiên Phong đã có quyết nghị thông qua việc bổ sung chi tiết về mục đích và kế hoạch sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Theo đó, với số tiền 1.000 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán, công ty chứng khoán này sẽ sử dụng với thứ tự ưu tiên dự kiến như sau: 700 tỷ đồng cho hoạt động tự doanh chứng khoán; 200 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư vốn và 100 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh, nghiệp vụ hợp pháp khác.

Chứng khoán Tiên Phong dự kiến sẽ giải ngân toàn bộ số tiền nói trên trong năm 2024 phù hợp với kế hoạch kinh doanh của công ty tại từng thời điểm. Tuy nhiên, tùy vào tình hình hoạt động thực tế, thời điểm giải ngân và số tiền sử dụng cho từng mục đích có thể thay đổi.

Đáng chú ý, tại nghị quyết này, Chứng khoán Tiên Phong cũng đề cập đến thời điểm diễn ra đợt chào bán là trong năm 2024. Trong khi đó, thực tế, từ tháng 8, HĐQT công ty chứng khoán này đã công bố phương án chào bán 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua. Tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1, cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được hưởng 1 quyền mua, mỗi quyền mua được mua thêm 1 cổ phiếu mới. Số cổ phiếu này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.

Về tình hình kinh doanh, luỹ kế 9 tháng đầu năm, Chứng khoán Tiên Phong ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 2.251 tỷ đồng, với gần 1.100 tỷ đồng là lãi từ các tài sản FVTPL. Khấu trừ các chi phí, công ty chứng khoán này báo lãi ròng 170 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của Chứng khoán Tiên Phong đạt 7.054 tỷ đồng, tăng gần 5% so với đầu năm nhưng giảm hơn 2.300 tỷ so với thời điểm cuối quý II. Danh mục FVTPL giá trị hợp lý 2.310 tỷ đồng, tăng 48% so với thời điểm cuối quý II, chủ yếu do tăng chứng chỉ tiền gửi lên 840 tỷ đồng. Dư nợ margin cuối quý III đạt 842 tỷ đồng, tăng 23% sau 3 tháng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ORS đã hồi phục đáng kể sau đợt lao dốc kéo dài từ cuối tháng 9 đến hết tháng 10. Trong phiên giao dịch ngày 18/12/2023, mã này đang dao động trong khoảng 16.350 đồng/cp, tăng 21% so với vùng đáy ngắn hạn hồi cuối tháng 10.

Hàng loạt các công ty chứng khoán lên kế hoạch tăng vốn

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán mới chỉ bước đầu hồi phục, hàng loạt các công ty chứng khoán vẫn liên tiếp lên các ...

Tiếp diễn làn sóng tăng vốn, Chứng khoán Tiên Phong (ORS) không muốn "kém cạnh"

HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (HOSE: ORS) vừa thông qua phương án chào bán quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện ...

Chứng khoán Tiên Phong (TPS) muốn bơm thêm 700 tỷ đồng cho tự doanh sau khi thua lỗ trong quý 3

Quý 3/2023, tổng giá trị bán trái phiếu của TPS đạt trên 12.000 tỷ đồng song ghi nhận mức lỗ 219 tỷ. Công ty cũng ...

Hà Lê