Chứng khoán phiên chiều 20/5: Lỡ hẹn mốc 1.280 điểm

Cập nhật: 15:31 | 20/05/2024 Theo dõi KTCK trên

Áp lực bán gia tăng dần về cuối ngày đã khiến nhiều cổ phiếu lớn bé trên sàn "tuột dốc" và VN-Index đành lỡ hẹn mốc 1.280 điểm phiên hôm nay.

Tâm lý lạc quan của thị trường chứng khoán toàn cầu đã tác động tích cực tới thị trường trong nước. Lực cầu sôi động nhập cuộc ngay khi mở cửa đã giúp sắc xanh lan tỏa bảng điện tử và VN-Index tiếp đà khởi sắc. Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng dần về cuối ngày đã khiến nhiều cổ phiếu lớn bé trên sàn "tuột dốc" và VN-Index đành lỡ hẹn mốc 1.280 điểm phiên hôm nay.

Chốt phiên giao dịch ngày 20/5, sàn HOSE có 264 mã tăng và 174 mã giảm, VN-Index tăng 4,47 điểm (+0,35%), lên 1.277,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,16 tỷ đơn vị, giá trị hơn 27,6 nghìn tỷ đồng.

Chứng khoán phiên chiều 20/5: Lỡ hẹn mốc 1.280 điểm
Các chỉ số chính thị trường đóng cửa phiên 20/5

Nhóm VN30 cũng lùi về mức điểm thấp nhất trong ngày khi chốt phiên chỉ tăng nhẹ 2,40 điểm, với 18 mã tăng và 10 mã giảm. Tuy nhiên mức giảm cũng không quá tiêu cực, đa số dưới 1% như SAB, STB, TCB, VIC...

Giảm mạnh nhất trong nhóm là cổ phiếu VJC với việc đánh mất 2,39%, đưa thị giá cổ phiếu này giảm về 114.600 đồng/cổ phiếu.

Ngược chiều, cổ phiếu BCM giữ sức nóng, tỏa sáng nhất trong nhóm VN30 với việc kịch trần gần 7% lên mức giá 62.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 2 triệu đơn vị và dư mua mua trần hơn nửa triệu cổ phiếu.

Tâm điểm của dòng tiền hôm nay tiếp tục tục đổ vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, bên cạnh DXS vẫn trong trạng thái dư mua trần, các mã vừa và nhỏ bất động sản khác như CIG tăng 6,54%, BCG tăng 4,29%, , TCD tăng 3,34%..., trong đó BCG ghi nhận thanh khoản sôi động với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 15 triệu đơn vị.

Ngoài ra, nhiều mã vừa và nhỏ của ngành khác như HAG, EVF, GEX... đều chốt phiên trong sắc xanh với thanh khoản lên tới hàng chục triệu đơn vị khớp lệnh.

Xét về nhóm ngành, đa số các nhóm ngàng đều "đi lùi" dù sắc xanh vẫn giữ được sự áp đảo.

Tại nhóm thép, HPG tiếp tục xu hướng đi lên với việc tăng hơn 1,2%, đưa thị giá tiếp tục neo đậu vùng đỉnh với 32.000 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch "khủng" với 46 triệu đơn vị được sang tay.

Điểm sáng tại nhóm ngân hàng là cổ phiếu EIB với giao dịch đột biến. Chốt phiên hôm nay, EIB tăng 4,23% lên mức 18.500 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh chỉ thua HPG trên toàn thị trường, đạt hơn 26 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, kết phiên hôm nay 103 mã tăng và 91 mã giảm, HNX-Index tăng 1,03 điểm (+0,43%), lên 242,57 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 109 triệu đơn vị, giá trị giao dịch đạt hơn 2.100 tỷ đồng.

NTP vẫn giữ sức nóng khi chốt phiên tăng 9,81% lên mức giá trần 47.000 đồng/CP và dư mua trần hơn 200 nghìn đơn vị. Ngoài ra, TDN tăng 2,78%, PLC tăng 1,72%, DXP tăng 3,91%...

Cổ phiếu chứng khoán SHS ghi dấu ấn khi là mã có giao dịch sôi động nhất thị trường, với hơn 19 triệu đơn vị được sang tay, tuy nhiên thị giá kết phiên lại đứng mốc tham chiếu.

Các cổ phiếu nhà APEC là điểm sáng, với IDJ tăng 4,76%, APS tăng 4,35%. Còn với riêng API, cổ phiếu này vẫn có cho mình mức tăng trần với khối lượng khớp hơn 2 triệu đơn vị và dư mua trần 0,6 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường đóng cửa với mức tăng nhẹ. Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,46 điểm (+0,49%), lên 93,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 65 triệu đơn vị, giá trị giao dịch đạt hơn 1 nghìn tỷ đồng.

Đáng tiếc trên UPCOM hôm nay là việc cổ phiếu BSR không giữ được đà tăng mạnh mẽ như đầu phiên, chốt phiên chỉ còn tăng 1,53% lên mức 19.900 đồng/CP, tuy nhiên thanh khoản vẫn sôi động nhất với hơn 8,4 triệu đơn vị..

Cổ phiếu AAH tiếp tục tăng trần 14,55%, Một số mã đáng chú ý khác có thể kể tới như VEA tăng 3,77%, DDV tăng 1,61%, thanh khoản đều đạt hơn 2 triệu đơn vị.

Nhận định về thị trường phiên hôm nay, Chứng khoán DSC cho rằng, yếu tố thanh khoản tăng là điểm nghi vấn cho thấy sức ép dần gia tăng tại vùng kháng cự. Tuy nhiên, áp lực này tạm thời chưa gây tín hiệu vi phạm xu hướng; các vị thế ngắn hạn tiếp tục có thể cầm hàng.

Về mặt kỹ thuật, có 3/5 tiêu chí kỹ thuật ở trạng thái tích cực. Nếu 1 trong 2 điều kiện độ biến động thu hẹp hoặc dòng tiền mạnh mẽ hơn thì trạng thái kỹ thuật sẽ đạt tiêu chuẩn.

Nhà đầu tư trung-dài hạn ưu tiên cầm tiền, đây chưa phải thời điểm mua lý tưởng. Bất chấp việc VN-Index có thể mạnh thêm nữa thì cơ hội mua vẫn chưa phù hợp.

Nhà đầu tư ngắn hạn: tạm thời dừng việc mua mới, chỉ giữ lại những cp thực sự khỏe đang có lãi, cổ phiếu nào đang lỗ thì phải canh xử lý vì nhiều khả năng đó là cổ phiếu yếu.

Sự thay đổi lớn trong danh mục đầu tư của ngành Bảo hiểm: “Trong cái khó ló cái khôn”

Mới đây, Chứng khoán Mirae Asset đã có Báo cáo ngắn về ngành Bảo hiểm. Điểm nhấn trong Báo cáo là việc các doanh nghiệp ...

Chứng khoán phiên sáng 20/5: VN-Index nỗ lực tiến lên mốc 1.280 điểm

Diễn biến phiên sáng 20/5, tâm lý lạc quan của thị trường toàn cầu đã tác động tích cực tới chứng khoán Việt Nam. Dòng ...

Một công ty chứng khoán đưa ra dự báo sốc về VN-Index

Công ty chứng khoán này kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ bứt phá trong nửa cuối năm, cùng ...

Nguyên Nam