Nhịp đập thị trường

Chứng khoán Mỹ tạm ngưng giao dịch, dòng tiền sẽ đổ về đâu?

Hoàng Thái 19/04/2025 07:06

Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ ngừng giao dịch tại phiên cuối tuần. Trong bối cảnh thị trường toàn cầu tiếp tục biến động vì chính sách thương mại và phát biểu từ giới chức Fed, nhà đầu tư đang đối mặt với tâm lý bất ổn và áp lực điều chỉnh mạnh trước kỳ nghỉ lễ.

Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tạm ngừng giao dịch ngày 18/4 (tức ngày 19/4 theo giờ Việt Nam) nhân dịp Thứ Sáu Thánh (Good Friday) – một trong những ngày lễ tôn giáo quan trọng đối với cộng đồng Kitô giáo.

Theo đó, cả Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) và sàn Nasdaq sẽ đóng cửa trong ngày này và mở cửa trở lại vào thứ Hai, ngày 21/4. Riêng thị trường trái phiếu Mỹ sẽ kết thúc phiên sớm hơn bình thường trong ngày thứ Năm (17/4) và sẽ tiếp tục đóng cửa vào thứ Sáu, theo thông báo từ Hiệp hội Thị trường Chứng khoán và Tài chính (SIFMA).

chung-khoan-my-hom-nay-ngay-19_4.jpg
Chứng khoán Mỹ tạm ngưng giao dịch, sẽ hoạt động bình thường vào thứ Hai tuần sau

Dưới đây là danh sách các ngày nghỉ lễ theo lịch chính thức của thị trường chứng khoán Mỹ trong năm 2025:

• Thứ Sáu Thánh (Good Friday): Thứ Sáu, 18/4
• Ngày Tưởng niệm (Memorial Day): Thứ Hai, 26/5
• Ngày Juneteenth: Thứ Năm, 19/6
• Quốc khánh Mỹ (Independence Day): Thứ Sáu, 4/7
• Ngày Lao động (Labor Day): Thứ Hai, 1/9
• Lễ Tạ ơn (Thanksgiving): Thứ Năm, 27/11
• Lễ Giáng sinh (Christmas): Thứ Năm, 25/12

Khá hiếm khi thị trường Mỹ đóng cửa vào một ngày không phải là ngày lễ liên bang. Theo Nasdaq, việc đóng cửa này xuất phát nhiều từ truyền thống lịch sử hơn là nghĩa vụ tôn giáo: "Thông lệ này đã được áp dụng ít nhất từ cuối thế kỷ 19."

Diễn biến thị trường trong tuần giao dịch rút ngắn trước kỳ nghỉ không mấy tích cực. Cả ba chỉ số chính đều kết phiên trong sắc đỏ. Chỉ số S&P 500 nhích nhẹ 7,00 điểm (0,13%) đạt mức 5.282,70 điểm. Nasdaq Composite mất 20,71 điểm (0,13%) còn 16.286,45 điểm, trong khi Dow Jones giảm sâu nhất khi mất 527,16 điểm (1,33%) chốt phiên với 39.142,23 điểm.

Những biến động trên diễn ra trong bối cảnh các chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump tiếp tục phủ bóng lên thị trường. Mặc dù sự không chắc chắn gia tăng, một số cổ phiếu thuộc nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn thể hiện vai trò là nơi trú ẩn an toàn, trở thành nhóm có hiệu suất tốt nhất trong chỉ số S&P 500 từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu chịu ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt từ các chính sách thương mại mới.

Tâm lý nhà đầu tư tiếp tục dao động sau phát biểu gây chú ý của Tổng thống Trump hôm thứ Năm, khi ông công khai chỉ trích Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell. “Nếu tôi muốn ông ta ra đi, ông ta sẽ biến mất khỏi đó rất nhanh, tin tôi đi,” Trump phát biểu. “Tôi không nghĩ ông ta đang làm tốt công việc của mình. Ông ta quá chậm. Luôn luôn quá chậm.”

Trước đó một ngày, Chủ tịch Powell trong một bài phát biểu đã cảnh báo về nguy cơ đình lạm do tác động từ các chính sách kinh tế mới, đồng thời bác bỏ khả năng ngân hàng trung ương sẽ hạ lãi suất để hỗ trợ thị trường – điều từng được giới đầu tư kỳ vọng như một “Fed put”.

Những phát biểu thận trọng từ Powell đã khiến thị trường phản ứng mạnh, với chỉ số S&P 500 giảm hơn 2% ngay sau bài phát biểu. Chỉ số CBOE Volatility Index (VIX), thường được coi là “thước đo nỗi sợ hãi” của Phố Wall, tăng vọt lên mức cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008 và đại dịch COVID-19 năm 2020, cho thấy tâm lý thị trường đang ngày càng nhạy cảm với các tín hiệu vĩ mô.

Stuart Kaiser, Trưởng bộ phận chiến lược giao dịch cổ phiếu Mỹ tại Citi, cho rằng phản ứng của thị trường cho thấy tâm lý đầu tư hiện rất mong manh. Ông cho biết: “Ngay cả Chủ tịch Powell hôm qua cũng chỉ đưa ra nhận định quen thuộc: thuế quan không tốt cho tăng trưởng, chúng đẩy lạm phát lên cao và thị trường vẫn phản ứng tiêu cực trước thông tin đó.”

      Nổi bật
          Mới nhất
          Chứng khoán Mỹ tạm ngưng giao dịch, dòng tiền sẽ đổ về đâu?
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO