Nhịp đập thị trường

Chứng khoán Mỹ rung lắc: Dow Jones thăng hoa, điểm trừ cổ phiếu công nghệ

Hoàng Thái 01/04/2025 07:02

Chứng khoán Mỹ khởi động quý II với diễn biến trái chiều khi Dow Jones bật tăng hơn 400 điểm, trong khi Nasdaq suy yếu do áp lực bán tháo nhóm công nghệ. Cổ phiếu Tesla lao dốc hơn 35% từ đầu năm, Nvidia cũng mất 20% giá trị.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/3 lúc 16h00 (giờ Mỹ), tức rạng sáng 1/4 lúc 3h00 (giờ Việt Nam), chỉ số S&P 500 tăng 30,91 điểm (0,55%) lên mức 5.611,85 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 23,70 điểm (0,14%) xuống 17.299,29 điểm, trong khi Dow Jones tăng 417,86 điểm (1%) đóng cửa ở mức 42.001,76 điểm.
Trong bối cảnh thị trường biến động, lĩnh vực công nghệ thông tin (.SPLRCT) và hàng tiêu dùng không thiết yếu (.SPLRCD) ghi nhận mức giảm hai con số về phần trăm trong quý. Tuy nhiên, phần lớn các ngành còn lại của S&P 500 đều tăng trưởng, dẫn đầu là ngành năng lượng (.SPNY) với mức tăng 9,3%.

chung-khoan-my-hom-nay-ngay-1.4.jpg
Thị trường chứng khoán Mỹ khép lại phiên giao dịch rung lắc

Nhóm "Magnificent Seven" từng là động lực kéo thị trường chứng khoán Mỹ lên cao trong đà tăng kéo dài suốt 2023 và 2024, nay trở thành nhân tố gây áp lực khi giới đầu tư đẩy mạnh bán tháo cổ phiếu tăng trưởng. Quỹ ETF Roundhill Magnificent Seven (MAGS) giảm 0,4% trong phiên, đồng thời ghi nhận mức giảm 10,5% trong tháng Ba.
Toàn bộ cổ phiếu trong nhóm "Magnificent Seven" đều giao dịch đều đang giao dịch trong sắc đỏ kể từ đầu năm, trong đó Tesla giảm mạnh nhất với mức giảm hơn 35% do doanh số sụt giảm và lo ngại về sự tham gia chính trị của CEO Elon Musk. Nvidia cũng mất 20% giá trị, hiện giao dịch ở mức 108,38 điểm. Các cổ phiếu còn lại ghi nhận mức giảm từ 2% (Meta) đến 18% (Alphabet) kể từ đầu năm 2025.
Cổ phiếu Discover Financial Services (DFS) tăng 7,5% đạt mức 170,7 điểm sau khi có thông tin CEO tạm thời J. Michael Shepherd sẽ tiếp tục dẫn dắt công ty cho đến khi thương vụ sáp nhập với Capital One Financial (COF) hoàn tất. Báo cáo từ The Capitol Forum cho biết Bộ Tư pháp Mỹ có thể không ngăn chặn thương vụ này dù vẫn còn những lo ngại về ảnh hưởng đối với người tiêu dùng không có lịch sử tín dụng. Cổ phiếu Capital One cũng tăng 3,3% lên 179,3 điểm.
Trong khi đó, cổ phiếu American International Group (AIG) tăng 4,0% lên mức 86,79 điểm sau khi hội đồng quản trị thông qua kế hoạch mua lại tới 7,5 tỷ USD cổ phiếu thường, thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng công ty.
Cổ phiếu Moderna (MRNA) giảm 8,9% xuống 28,35 điểm, trở thành cổ phiếu giảm mạnh nhất trong S&P 500 phiên này. Đà lao dốc của công ty công nghệ sinh học diễn ra sau thông tin Peter Marks, quan chức cấp cao về vắc-xin tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), thông báo từ chức.
Lululemon Athletica (LULU) cũng giảm 3,4% xuống 283,06 điểm, kéo dài đà giảm từ tuần trước dù báo cáo doanh thu và lợi nhuận vượt dự báo. Nguyên nhân đến từ triển vọng kinh doanh kém lạc quan khi công ty cảnh báo về sự suy giảm lượng khách hàng trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng thận trọng hơn.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang New York, ông John Williams, cho biết chính sách tiền tệ hiện tại đang ở vị thế phù hợp để phản ứng trước các diễn biến kinh tế, đồng thời cảnh báo về nguy cơ lạm phát có thể gia tăng trở lại.
Dự báo của Fed trở nên phức tạp hơn khi các mức thuế quan từ chính quyền Trump có thể được mở rộng vào thứ Tư tuần này, làm gia tăng áp lực lạm phát trong ngắn hạn và đặt ra nhiều dấu hỏi về tác động dài hạn.
Trong bối cảnh đó, Goldman Sachs đã nâng xác suất xảy ra suy thoái kinh tế Mỹ từ 20% lên 35%, nhấn mạnh sự suy giảm niềm tin của hộ gia đình và doanh nghiệp. Các tuyên bố từ Nhà Trắng cũng cho thấy chính quyền sẵn sàng chấp nhận một giai đoạn suy yếu kinh tế để theo đuổi các mục tiêu chính sách. Sự thay đổi trong triển vọng này đang khiến giới đầu tư kỳ vọng vào các đợt cắt giảm lãi suất từ Fed, khi ngân hàng trung ương có thể phải hành động để hỗ trợ nền kinh tế.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chứng khoán Mỹ rung lắc: Dow Jones thăng hoa, điểm trừ cổ phiếu công nghệ
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO