Chứng khoán Mỹ phản ứng dữ dội, S&P500 mất điểm mạnh nhất kể từ đại dịch Covid-19
Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh sau khi Tổng thống Trump công bố mức thuế quan mới, khiến hàng loạt cổ phiếu công nghệ và bán dẫn mất giá trị nghiêm trọng. Nhà đầu tư lo ngại căng thẳng thương mại leo thang sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế và đẩy lạm phát lên cao, đặt Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào tình thế khó xử trong chính sách lãi suất.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/4 lúc 16h00 (giờ Mỹ), tức rạng sáng 4/4 lúc 3h00 (giờ Việt Nam), chỉ số S&P 500 giảm 274,45 điểm (4,48%) xuống mức 5.396,52 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 1.050,44 điểm (5,97%) đạt 16.440,60 điểm, trong khi Dow Jones giảm 1.679,39 điểm (3,98%), chốt phiên ở mức 40.545,93 điểm.
Đây là mức sụt giảm mạnh nhất trong một ngày của S&P 500 kể từ giai đoạn thị trường chao đảo vì đại dịch COVID-19. Các công ty thuộc chỉ số này đã bốc hơi tổng cộng 2,4 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa. Nhóm công nghệ thuộc S&P 500 (.SPLRCT) giảm 6,9%, trong khi lĩnh vực năng lượng (.SPNY) lao dốc 7,5%, do giá dầu trượt hơn 6%.

Cổ phiếu Apple (AAPL) dẫn đầu đà giảm của nhóm "Magnificent 7" sau khi Tổng thống Trump thông báo áp thuế quan mới. Cổ phiếu này mất hơn 9% - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020, khiến vốn hóa của tập đoàn bốc hơi hơn 310 tỷ USD. Các nhà phân tích lo ngại thuế quan có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của Apple tại Việt Nam và Ấn Độ.
Amazon (AMZN) và Meta (META) cũng giảm khoảng 9% xuống mức 203,19 điểm, trong khi Tesla (TSLA) ghi nhận mức giảm 5%, chốt phiên với 267,28 điểm. Cổ phiếu của Alphabet (GOOGL) và Microsoft (MSFT) lần lượt mất 4% và 2%.
Nhóm cổ phiếu bán dẫn cũng không nằm ngoài xu hướng giảm. Nvidia mất hơn 7,5% đạt 101,82 điểm, trong khi Broadcom (AVGO) lao dốc 11% xuống 154,01 điểm, mất hơn 70 tỷ USD vốn hóa. TSMC, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới cung cấp linh kiện cho Nvidia và Apple, giảm hơn 7% chạm mức 157,38 điểm. Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan là những nhà xuất khẩu máy chủ lớn vào Mỹ, bao gồm cả dòng máy chủ AI sử dụng GPU của Nvidia. Các mức thuế mới có thể đẩy chi phí lên cao, ảnh hưởng đến nhu cầu chip AI.
Cổ phiếu các hãng sản xuất thiết bị công nghệ bị ảnh hưởng nặng nề. Dell Technologies (DELL) ghi nhận mức giảm mạnh nhất S&P 500 trong phiên, lao dốc 19% đạt mức 77,23 điểm. Cổ phiếu của HP (HPQ) cũng mất 15%. Trong khi cổ phiếu tập đoàn Western Digital (WDC), nhà sản xuất ổ cứng và công nghệ lưu trữ, mất 18% giá trị, hiện đang giao dịch ở mức 34,15 điểm.
Trong khi thị trường chung lao dốc, Lamb Weston Holdings (LW) bất ngờ tăng 10% sau khi công bố lợi nhuận vượt kỳ vọng. Các cổ phiếu thuộc ngành y tế cũng diễn biến tích cực: Molina Healthcare (MOH) tăng 7,5%, Centene (CNC) tăng 5,9% và Elevance Health (ELV) tăng 5,4%.
Xu hướng chuyển sang các cổ phiếu có khả năng chống chọi tốt hơn trước suy thoái tiềm tàng cũng giúp thúc đẩy cổ phiếu của nhà bán lẻ giá rẻ Dollar General (DG), tăng 4,7%. Công ty có thể đang ở vị thế thuận lợi để thu hút người mua sắm quan tâm đến chi phí nếu suy thoái kinh tế xảy ra và tâm lý người tiêu dùng tiếp tục xấu đi.
Các nhà kinh tế nhanh chóng điều chỉnh dự báo, cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ phải đối mặt với thách thức kép: lạm phát cao hơn và tăng trưởng chậm lại. "Những rủi ro gia tăng đối với cả lạm phát và việc làm đẩy Fed vào tình thế khó xử hơn nữa trong thời gian tới”, Evercore ISI nhận định trong một báo cáo hôm thứ Năm.
Các nhà giao dịch đã nâng dự báo số lần cắt giảm lãi suất của Fed trong năm nay lên bốn lần, kỳ vọng đợt cắt giảm đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 6, khi nguy cơ suy thoái được đánh giá là lớn hơn áp lực lạm phát.
Tuy nhiên, nhiều nhà hoạch định chính sách của Fed vẫn tỏ ra thận trọng. Trong những ngày gần đây, họ nhấn mạnh rằng muốn giữ lãi suất ở mức hiện tại để đánh giá tác động từ các chính sách thương mại của chính quyền Trump. Phó Chủ tịch Fed, Philip Jefferson, phát biểu hôm thứ Năm rằng "không cần phải vội vàng" trong việc điều chỉnh lãi suất, cho thấy quan điểm thận trọng của Fed trước những biến động kinh tế.