Chứng khoán Mỹ hồi phục, cổ phiếu công nghệ dẫn dắt thị trường

Cập nhật: 07:51 | 06/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh vào buổi chiều phiên giao dịch 5/7 sau khi quan ngại suy thoái kéo tụt các chỉ số chính trong buổi sáng. Tuy nhiên, khả năng Fed giảm lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế đã giúp đẩy thị trường đi lên.

Hình minh họa
Hình minh họa

Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite leo 1,75% lên 11.322,24 điểm sau đà giảm mạnh lúc mở cửa. S&P 500 tăng 0,16% lên 3.831,39 điểm sau khi rớt hơn 2% tại thời điểm thấp nhất trong phiên. Ngược lại, chỉ số Dow Jones rút ngắn đà giảm 129,44 điểm (tương ứng 0,4%) còn 30.967,82 điểm sau khi lao dốc hơn 700 điểm trước đó trong phiên.

Theo tờ CNBC, lo ngại về tăng trưởng kinh tế vẫn đang đeo bám nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán Mỹ có 4 tuần tiêu cực trong 5 tuần gần nhất, và chỉ số S&P 500 đã mất hơn 20% so với mức đỉnh. Một số nhà kinh tế tin rằng GDP của Mỹ đã suy giảm liên tiếp trong hai quý đầu năm, cách xác định mà nhiều người dùng để báo hiệu suy thoái.

Một đoạn của đường cong lợi suất đã đảo ngược vào ngày 5/7. Trong lịch sử, diễn biến này đã nhiều lần báo hiệu đúng suy thoái. Khi lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn ngắn vượt quá lợi suất kỳ hạn dài, đó có thể là dấu hiệu cho thấy rằng nhà đầu tư đang kỳ vọng sự giảm tốc của nền kinh tế sẽ buộc các Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải cắt giảm lãi suất.

Các cổ phiếu gắn với tăng trưởng kinh tế giảm mạnh phiên 5/7. Ông Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng của Allianz cho biết: “Thị trường chứng khoán Mỹ đang phản ánh vào giá sự giảm tốc của nền kinh tế, và việc Fed buộc phải tăng lãi suất đến mức kìm nén tăng trưởng”.

Tuy nhiên, triển vọng giảm lãi suất có thể là chất xúc tác cho các cổ phiếu công nghệ bứt phá, giúp Nasdaq vượt mặt hai chỉ số chứng khoán chính còn lại. Chứng chỉ Ark Innovation, quỹ ETF chuyên đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ mang tính đầu cơ của "nữ kiệt" Cathie Wood, nhảy vọt hơn 8%.

Mặt khác, giá dầu cũng đi xuống, phản ánh nguy cơ nền kinh tế Mỹ chậm lại. Giá dầu WTI rơi xuống dưới mốc 100 USD/thùng. Cổ phiếu đại gia dầu Chevron sụt 2,6%.

Tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua nửa đầu năm tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ. Một số chuyên gia tin rằng sự giảm tốc của nền kinh tế đã phần nào được phản ánh vào giá chứng khoán.

Triển vọng cho quý II vẫn rất mờ mịt. Ông Jonathan Golub, chuyên gia của Credit Suisse viết trong một lưu ý mới rằng ông kỳ vọng Mỹ sẽ tránh được suy thoái nhưng hạ dự báo cuối năm cho S&P 500 từ 4.900 điểm xuống 4.300 điểm. Mức mục tiêu mới này đồng nghĩa với việc thị trường chứng khoán Mỹ có thể lấy lại một nửa mất mát trong 6 tháng đầu năm.

Trong tuần này, nhà đầu tư đang trông ngóng báo cáo việc làm tháng 6, dự kiến được công bố ngày thứ Sáu (8/7). Theo ước tính của Dow Jones, tăng trưởng việc làm tháng 6 đã chậm lại, với 250.000 việc làm phi nông nghiệp mới được tạo ra, giảm mạnh so với con số 390.000 hồi tháng 5. Các nhà kinh tế được khảo sát dự đoán tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên ở 3,6%.

Dữ liệu đơn đặt hàng nhà máy công bố ngày 5/7 thể hiện tăng trưởng mạnh hơn dự kiến. Đến ngày 6/7, Fed sẽ tung ra biên bản cuộc họp chính sách tháng 6.

Trên phương diện chính trị, nhà đầu tư đang quan sát liệu chính quyền Tổng thống Joe Biden có rút lại thuế quan đánh vào hàng hóa Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại hay không. Các quan chức Nhà Trắng hy vọng sự điều chỉnh này sẽ giúp giảm bớt áp lực lạm phát.

Thị trường chứng khoán ngày 6/7/2022: Thông tin trước giờ mở cửa

Cổ phiếu ngân hàng gánh không nổi, VN-Index mất hơn 14 điểm;Tự doanh tiếp tục mua ròng mạnh DGC; FLC, ROS cùng HAI sẽ vào ...

Cổ phiếu ngân hàng tháng 6: Vốn hóa tiếp tục bay hơi, thanh khoản cũng vơi mạnh

Trong tháng 6, giá trị vốn hóa của nhóm ngân hàng giảm 112.784 tỷ đồng, xuống còn 1,54 triệu tỷ đồng (tính đến 30/06/2022), tỷ ...

Chứng khoán SSI tiếp tục mở rộng thâu tóm thị phần môi giới cổ phiếu sàn HoSE

Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI nắm 10,02% thị phần môi giới trong quý II, tăng so với mức thị phần 9,66% trong quý ...

Khánh Vân