Chứng khoán Mỹ giữ đà tăng bất chấp Moody’s hạ tín nhiệm
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng nhẹ bất chấp Moody’s hạ tín nhiệm. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu năng lượng tái tạo giảm sâu do lo ngại chính sách.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/5 theo giờ Mỹ (rạng sáng 20/5 giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận sắc xanh ở cả ba chỉ số chính. Chỉ số S&P 500 nhích 5,22 điểm (0,088%) đạt mức 5.963,60 điểm. Nasdaq Composite tăng 4,36 điểm (0,023%) lên 19.215,46 điểm, trong khi Dow Jones tăng 137,33 điểm (0,32%) chốt phiên với 42.792,07 điểm.
Trong lĩnh vực bán lẻ, cổ phiếu Dollar General (DG) tăng 4,9% lên 98,18 điểm sau khi Walmart (WMT) cảnh báo nguy cơ tăng giá do thuế quan. Các chuyên gia phân tích cho rằng Dollar General có mức độ tiếp xúc với rủi ro thuế quan thấp hơn, giúp củng cố triển vọng tăng trưởng.

Nhóm cổ phiếu công nghệ sinh học ghi nhận diễn biến tích cực khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt hoàn toàn vắc-xin COVID-19 dạng protein của Novavax (NVAX), giúp cổ phiếu hãng này tăng vọt 15% lên 7,74 điểm. Cổ phiếu Moderna (MRNA) cũng hưởng lợi, tăng 6,2% lên 26,39 điểm.
Dẫn đầu đà tăng của S&P 500 là cổ phiếu UnitedHealth Group (UNH) với mức tăng 8,2%, lên 315,89 điểm. Đà phục hồi này tiếp nối xu hướng từ cuối tuần trước, sau giai đoạn chịu áp lực do cuộc điều tra gian lận Medicare của Bộ Tư pháp Mỹ, cùng thông tin lãnh đạo cấp cao từ chức và công ty tạm ngưng đưa ra dự báo tài chính. Đáng chú ý, các hồ sơ giao dịch cho thấy tân CEO Stephen Hemsley đã mua vào lượng lớn cổ phần, góp phần củng cố niềm tin thị trường.
Trái ngược với xu hướng chung, nhóm cổ phiếu năng lượng tái tạo bị bán mạnh sau thông tin từ Hạ viện Mỹ về khả năng rút sớm một số ưu đãi thuế năng lượng sạch. Cổ phiếu First Solar (FSLR) giảm mạnh 7,6% còn 164,92 điểm, là cổ phiếu giảm sâu nhất S&P 500, trong khi đó Enphase Energy (ENPH) mất 3,2% xuống 48,78 điểm.
Cổ phiếu của nhà sản xuất điện AES Corp. (AES) có danh mục đầu tư đa dạng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng giảm 4,1%.
Cổ phiếu Best Buy (BBY) giảm 3% còn 71,60 điểm sau khi Wells Fargo hạ mục tiêu giá. Dù một số nhà phân tích kỳ vọng người tiêu dùng có thể đẩy nhanh mua sắm để tránh tác động của thuế quan, nhưng lo ngại về rủi ro thị trường vẫn hiện hữu.
Bất chấp việc Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Mỹ từ mức Aaa xuống Aa1 vào cuối tuần trước, các chỉ số chứng khoán gần như không phản ứng tiêu cực. Trước đó vào năm 2023, tổ chức này đã chuyển triển vọng tín nhiệm của Mỹ từ “ổn định” sang “tiêu cực”, viện dẫn lo ngại về thâm hụt ngân sách và chi phí lãi vay gia tăng. Nợ công của Mỹ hiện đã lên tới 36.000 tỷ USD.
Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ chỉ nhích nhẹ lên 4,46%, vẫn thấp hơn mức đỉnh 4,59% hồi tháng trước. Các chuyên gia tại Capital Economics nhận định: “Việc hạ bậc tín nhiệm không tạo ra nhiều biến động trên thị trường, tương tự các lần hạ tín nhiệm trước đó năm 2011 và 2023”.
Tuy nhiên, hệ quả gián tiếp lại thể hiện rõ trên thị trường thế chấp. Theo Mortgage News Daily, lãi suất trung bình đối với khoản vay mua nhà cố định 30 năm tại Mỹ đã tăng lên 7,04%, mức cao nhất kể từ ngày 11/4, khiến người mua nhà đối mặt với chi phí vay cao hơn.