Chứng khoán Mỹ đảo chiều ngoạn mục, vấn đề Deutsche Bank không đáng lo?

Cập nhật: 09:20 | 25/03/2023 Theo dõi KTCK trên

Thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch ngày 24/3 dao động mạnh khi chỉ số ban đầu đi xuống mức thấp trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại cuộc khủng hoảng ngân hàng đang lan tới Deutsche Bank. Tuy nhiên về cuối phiên, các chỉ số hồi phục lên giá xanh.

Lãi vay ngân hàng đến thời hạ nhiệt

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước báo cáo gói hỗ trợ lãi suất 2% trước 25/3

Cổ đông VIB sắp được nhận cổ tức tiền mặt

Dow Jones có lúc rớt 300 điểm nhưng đóng cửa tăng

Theo đó, trong phiên 24/3 thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc mất 300 điểm nhưng đóng cửa tăng 132 điểm so với tham chiếu, tương đương 0,41%. S&P 500 và Nasdaq Composite kết phiên tăng lần lượt 0,56% và 0,3%.

Tính chung cả tuần qua, ba chỉ số chính đều đi lên. Dow Jones tăng 0,4%, S&P 500 và Nasdaq thêm tương ứng 1,4% và 1,6% trong tuần vừa qua.

Diễn biến chỉ số Dow Jones trong tuần qua
Diễn biến chỉ số Dow Jones trong tuần qua

Chứng chỉ quỹ ETF gồm các cổ phiếu ngân hàng khu vực SPDR S&P Regional Banking (KRE) tăng 3%, hỗ trợ đắc lực cho đà tăng của thị trường chung.

Cổ phiếu Deutsche Bank niêm yết trên sàn New York có lúc rớt 7% trong phiên 24/3 nhưng sau đó phục hồi một phần và khi đóng cửa chỉ còn giảm 3,11%. Cổ phiếu Deutsche Bank tại Đức có lúc lao dốc 15% nhưng kết phiên chỉ còn giảm 8,5%.

Cổ phiếu ngân hàng lớn nhất nước Đức này bị bán tháo sau khi chi phí hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) Deutsche Bank tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2018 dù không có một chất xúc tác rõ ràng nào.

Lo ngại khủng hoảng lan sang Deutsche Bank

Làn sóng bán tháo cổ phiếu ngân hàng của Đức niêm yết tại Mỹ, Deutsche Bank, vào sáng ngày thứ Sáu đã đè nặng lên tâm l‎ý thị trường và các chỉ số chính trước khi ngân hàng này phục hồi phần nào những gì đã mất trước đó.

Nhà đầu tư bắt đầu bán tháo cổ phiếu Deutsche Bank sau khi hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của nhà cho vay này tăng vọt mà không có bất kỳ lý do rõ ràng nào. Động thái này đã làm gia tăng mối lo ngại về sức khỏe của hệ thống ngân hàng châu Âu.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã lên tiếng trấn an nhà đầu tư khi cho biết các ngân hàng Eurozone vẫn vững chắc vì sở hữu vốn và thanh khoản mạnh. Bà cũng cho biết ECB có thể cung cấp thanh khoản cho hệ thống tài chính nếu cần thiết.

khủng hoảng lan sang Deutsche Bank
Khủng hoảng lan sang Deutsche Bank

Deutsche Bank đã báo lãi quý thứ 10 liên tiếp, sau khi hoàn tất quá trình tái cấu trúc trị giá hàng tỷ euro bắt đầu từ năm 2019 với mục đích giảm chi phí và cải thiện khả năng sinh lời. Ngân hàng này ghi nhận mức thu nhập ròng hàng năm là 5 tỷ euro (tức 5,4 tỷ USD) vào năm 2022, tăng 159% so với năm trước.

Tỷ lệ CET1 - thước đo thanh khoản của ngân hàng - ở mức 13,4% vào cuối năm 2022, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LCR - thước đo đánh giá khả năng phòng thủ của ngân hàng trước rủi ro liên quan đến nợ xấu) là 142% và tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (NSFR) ở mức 119%.

Những con số này, theo CNBC, cho thấy không có lý do gì để lo ngại về thanh khoản hay trạng thái thanh khoản của ngân hàng này.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 24/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng cho biết Deutsche Bank đã "tổ chức lại và hiện đại hóa mô hình kinh doanh một cách triệt để và là ngân hàng có lợi nhuận cao". Ông cho rằng không có cơ sở để suy đoán về tương lai của ngân hàng này.

Trước đó, Cuộc giải cứu khẩn cấp của UBS đối với Credit Suisse sau khi ngân hàng Mỹ SVB sụp đổ đã khiến giới đầu tư lo ngại về rủi ro lây lan trong lĩnh vực ngân hàng. Rủi ro này càng đáng ngại hơn khi mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ.

Mặc dù giới chức và ngân hàng trung ương Thụy Sĩ và các nước trên toàn cầu kỳ vọng thương vụ mua lại Credit Suisse của UBS sẽ giúp xoa dịu thị trường, song giới đầu tư vẫn cho rằng thỏa thuận này không đủ để làm giảm những căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng.

Trong một lưu ý mới đây, Moody's cho rằng việc giải cứu này có thể đạt được thành công trên diện rộng. Tuy nhiên, trong một môi trường kinh tế không chắc chắn và niềm tin nhà đầu tư mong manh, có khả năng các nhà hoạch định chính sách sẽ không thể ngăn chặn được tình hình hỗn loạn hiện nay mà không gây ra những hậu quả nghiêm trọng và kéo dài trong và ngoài lĩnh vực ngân hàng.

Moody's cho rằng thậm chí ngay cả trước khi những căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng trở nên trầm trọng thì các điều kiện tín dụng trên toàn cầu cũng sẽ suy yếu trong năm 2023 do lãi suất cao hơn trong khi tăng trưởng thấp hơn, bao gồm cả suy thoái ở một số nước.

Moody's khuyến cáo, khi các ngân hàng trung ương tiếp tục kiềm chế lạm phát, điều kiện tài chính thắt chặt càng lâu, thì rủi ro căng thẳng lan rộng ra ngoài lĩnh vực ngân hàng, gây thiệt cho kinh tế và tài chính càng lớn hơn.

Hồng Giang