Nhịp đập thị trường

Chứng khoán còn nhiều áp lực, VN-Index rời mốc 1.140 điểm

Đức Anh 08/04/2025 15:56

Kết thúc phiên 8/4, VN-Index giảm 77,88 điểm (-6,43%) về 1.132,79 điểm. Áp lực bán tháo lan rộng khiến thị trường “đỏ lửa”, hàng loạt cổ phiếu lớn như VCB, BID, VIC, HPG giảm sàn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam mở đầu tuần giao dịch ngày 8/4 với sắc đỏ bao trùm khắp các bảng điện tử. Chỉ số VN-Index mất tới 77,88 điểm, tương đương mức giảm 6,43%, đóng cửa tại 1.132,79 điểm. Trong khi đó, chỉ số VN30 đại diện cho nhóm cổ phiếu lớn cũng bốc hơi 83,01 điểm, tương đương 6,48%, về mốc 1.197,51 điểm, phản ánh mức sụt giảm đồng loạt của toàn bộ nhóm dẫn dắt thị trường.

vn.jpg
Các chí số chính thị trường tạm dừng phiên ngày 8/4

Sức ép bán tháo không chỉ dừng lại ở sàn HOSE mà còn lan rộng sang HNX và UPCoM, khi cả hai sàn đều rơi tự do với mức giảm lần lượt 7,34% và 7,28%. HNX-Index đóng cửa ở 201,04 điểm, trong khi UPCoM-Index rơi về 84,50 điểm. Tình trạng giảm sàn hàng loạt, trắng bên mua xuất hiện ở nhiều cổ phiếu từng được coi là trụ cột hoặc có nền tảng cơ bản tốt, càng làm gia tăng sự hoang mang và dấy lên lo ngại về làn sóng tháo chạy mang tính dây chuyền.

Thanh khoản toàn thị trường tiếp tục ở mức rất cao với hơn 1,16 tỷ cổ phiếu được sang tay, giá trị giao dịch đạt tới 25.303 tỷ đồng. Riêng rổ VN30 cũng ghi nhận thanh khoản lên tới 17.322 tỷ đồng với hơn 619 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, cho thấy lực bán diễn ra chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nơi vốn luôn đóng vai trò nâng đỡ thị trường trong những thời điểm nhạy cảm.

Dẫn đầu danh sách các mã kéo tụt VN-Index là loạt cổ phiếu ngân hàng và bất động sản. VCB giảm kịch biên độ 7%, lấy đi tới 8,32 điểm khỏi chỉ số chung – mức ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất trong phiên. BID, CTG, VHM và VIC cũng lần lượt giảm sàn hoặc gần sàn, kéo theo mỗi mã mất từ 3 đến hơn 4 điểm khỏi VN-Index.

vn1.jpg
Nguồn: Fitrade

Trong khi đó, danh sách các cổ phiếu tác động tích cực gần như không đáng kể, chỉ lác đác vài mã như STG, SVI, CLC tăng giá với mức ảnh hưởng chưa đủ 0,1 điểm – một tỷ lệ quá nhỏ để có thể chống đỡ lại làn sóng bán tháo lan rộng.

Ngành dầu khí dẫn đầu đà lao dốc khi mất tới 8,01%, trong đó các cổ phiếu chủ lực như BSR, PLX, PVD, PVS đều giảm sàn hoặc sát sàn. Riêng OIL và TOS ghi nhận mức giảm kịch khung, lần lượt mất 14,56% và 14,94%.

Tài nguyên cơ bản và hóa chất – hai nhóm từng là tâm điểm thu hút dòng tiền đầu năm – cũng không tránh khỏi thảm họa khi lần lượt giảm 7,93% và 6,89%. HPG, HSG, NKG cùng đồng loạt giảm gần hết biên độ, trong khi các cổ phiếu như MSR, MTA, TVN, GDA và MVB mất trắng tới 14-15%.

Ngành hóa chất càng tê liệt hơn khi những cái tên đầu ngành như DGC, DCM, DPM, LAS, GVR và CSV rơi sâu, có mã giảm trên 10%.

Dịch vụ tài chính và ngân hàng – hai nhóm giữ vai trò dẫn dắt thị trường – lần lượt giảm 7,1% và 6,72%, phản ánh rõ mức độ tác động hệ thống từ tâm lý tháo chạy. SSI, VND, VCI, SHS, HCM đều giảm kịch biên độ, kéo theo hàng loạt mã khác như MBS, BVS, VIX, DSC chìm trong sắc đỏ.

Các ngân hàng lớn như VCB, BID, CTG, TCB, MBB, VPB, STB cũng không thể trụ vững khi bị bán mạnh, mất từ 6% đến 7%, bất chấp việc nhiều cổ phiếu đã về vùng định giá hấp dẫn. Cá biệt BVB, NVB, VAB, SGB hay TPB cũng rơi sâu hơn 8% đến hơn 13%.

Bất động sản giảm 6,11%. VIC, VHM, VRE đều nằm trong danh sách các mã tác động tiêu cực nhất đến VN-Index, trong khi loạt cổ phiếu đầu cơ như CEO, DIG, DXG, KDH, SCR, HQC, PDR đều giảm kịch biên độ với thanh khoản rất cao. Những cái tên từng gây sốt đầu năm như NTC, PXL, IDV, SID, TAL, TIG cũng đồng loạt nằm sàn.

Không chỉ các ngành chu kỳ và trụ cột, những nhóm mang tính phòng thủ như hàng cá nhân – gia dụng, bán lẻ, tiện ích, dịch vụ công nghiệp hay công nghệ thông tin cũng bị cuốn vào vòng xoáy hoảng loạn. FPT, CMG, RAL, PNJ, TLG, MSH, GIL, TCM, MWG, DGW đều giảm từ 6% đến gần 10%, bất chấp nền tảng cơ bản tốt và ít chịu ảnh hưởng từ rủi ro vĩ mô. Nhóm vận tải – logistics từng được đánh giá là điểm sáng đầu tư quý II cũng không tránh khỏi khi GMD, HAH, VSC, MVN, VTP, STG đồng loạt giảm sàn hoặc cận sàn.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Chứng khoán còn nhiều áp lực, VN-Index rời mốc 1.140 điểm
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO