Chứng khoán châu Á trái chiều, cổ phiếu công nghệ Trung Quốc "có biến"
Chứng khoán châu Á trái chiều, với Nikkei 225 tăng nhờ kỳ vọng chính sách tiền tệ. Trong khí đó tại thị trường trong nước, VN-Index nỗ lực giữ mốc 1.310 điểm nhờ lực cầu bắt đáy nhóm midcap.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 336,46 điểm (0,91%) đạt mức 37.496,73 điểm. Động lực đến từ nhóm cổ phiếu phòng thủ và kỳ vọng chính sách tiền tệ thay đổi trong bối cảnh lạm phát tăng cao.
Theo dữ liệu công bố ngày 26/5, lạm phát tiêu dùng cơ bản của Nhật Bản tăng lên 3,5% trong tháng 4 đạt mức tăng nhanh nhất kể từ đầu năm 2022, chủ yếu do giá thực phẩm leo thang. Diễn biến này làm gia tăng khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ tiếp tục nâng lãi suất trước cuối năm.

Tại Trung Quốc, thị trường ghi nhận sắc đỏ với chỉ số Shanghai Composite mất 0,22% xuống còn 3.341,82 điểm và CSI300 giảm 0,75% xuống mức 3.852,30 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông bốc hơi 1,22% hiện đang giao dịch ở mức 23.316,52 điểm.
Áp lực bán lan rộng sau khi Trung Quốc hạ trần lãi suất tiền gửi, một động thái được cho là nhằm hỗ trợ lợi nhuận ngân hàng và hạn chế dòng tiền chảy vào kênh tiết kiệm.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu công nghệ chịu áp lực sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế 25% lên các sản phẩm Apple nhập khẩu từ Trung Quốc. Cổ phiếu các nhà cung ứng lớn cho Apple đồng loạt giảm: Luxshare giảm 2,2%, Lens Tech mất 1,8% và Goertek lùi 1,1%.
Tại các thị trường châu Á khác, chỉ số Taiex của Đài Loan giảm 0,53% xuống còn 21.536,57 điểm. Tại Hàn Quốc, chỉ số kospi tăng nhẹ 1,34% lên mức 2.626,39 điểm. Chỉ số Sensex của Ấn Độ nhích 0,62% lên 82.228,39 điểm. Thị trường Australia cũng ghi nhận sắc xanh khi S&P/ASX 200 tăng 0,0012%, đạt 8.361,00 điểm.
Đồng Euro cùng nhóm tiền tệ nhạy cảm với rủi ro như đô la Úc đồng loạt tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút lại kế hoạch áp thuế 50% lên hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/6.
Động thái trên khiến đồng đô la Mỹ tiếp tục suy yếu so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt. Trong phiên, chỉ số đô la Mỹ (DXY), thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ 6 đồng tiền lớn, giảm 0,3% xuống 98,813 điểm, nối dài đà giảm 1,9% từ tuần trước.
Đồng USD mất giá 0,24% so với yen Nhật, xuống còn 142,23 chạm mức thấp nhất trong tháng này. Đồng bạc xanh cũng giảm xuống 0,8193 franc Thụy Sĩ, mức thấp nhất trong vòng hai tuần rưỡi.
Ngược lại, đồng Euro tăng 0,55% lên 1,1418 USD, đánh dấu lần đầu tiên đạt mức này kể từ ngày 29/4. Đồng đô la Úc cũng bật tăng 0,58%, giao dịch ở mức 0,6537 USD. Đồng đô la New Zealand thậm chí còn tăng mạnh hơn, vọt 0,75% lên 0,6031 USD, đạt mức đỉnh kể từ ngày 7/11.