Chuẩn bị trả cổ tức với tổng tỷ lệ 45%, cổ phiếu doanh nghiệp khoáng sản bất ngờ "tím đậm"

Cập nhật: 14:12 | 19/02/2024 Theo dõi KTCK trên

Tổng cộng tỷ lệ cả 2 đợt chia cổ tức năm 2023 của doanh nghiệp này đã lên tới 45%...

Mới đây, HĐQT Công ty CP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HNX: HGM) đã thông qua Nghị quyết về việc thanh toán cổ tức đợt 2 năm 2023 bằng tiền mặt. Chi tiết ngày 26/2 tới đây, Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang sẽ chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức đợt 2/2023 bằng tiền với tỷ lệ 35% (tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ được nhận 3.500 đồng).

Với 11,92 triệu cổ phiếu được lưu hành, Khoáng sản Hà Giang cần bỏ ra gần 42 tỷ đồng trả cổ tức đợt này cho cổ đông. Thời gian thanh toán dự kiến là 25/3/2024.

Chuẩn bị trả cổ tức với tổng tỷ lệ 45%, cổ phiếu doanh nghiệp khoáng sản bất ngờ
Hoạt động khai thác khoáng sản.

Trước đó, doanh nghiệp khoáng sản này thực hiện chia cổ tức đợt 1 vào gần cuối tháng 12/2023 với tỷ lệ 10%. Như vậy, số tiền cần chi cho cả hai đợt trả cổ tức năm 2023 của HGM ước tính khoảng gần 54 tỷ đồng - xấp xỉ bằng lợi nhuận đạt được cả năm 2023 của công ty. Tổng tỷ lệ 2 đợt chi trả đạt tới 45%.

Tính đến cuối năm 2023, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) đang là cổ đông lớn nhất, sở hữu gần 5.9 triệu cp, tỷ lệ 46.6%, ước tính SCIC thu về hơn 20 tỷ đồng từ đợt cổ tức đợt 2 này.

Về kết quả kinh doanh năm 2023, Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang ghi nhận đạt 176 tỷ đồng doanh thu, giảm 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế gần như đi ngang, đạt 55 tỷ đồng.

So với kế hoạch kinh doanh đã đặt ra trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 với doanh thu dự kiến đạt 171 tỷ và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 41 tỷ đồng thì HGM đều đã vượt kế hoạch kinh doanh năm (cụ thể vượt 2% kế hoạch doanh thu và 68% kế hoạch lợi nhuận).

Tính hết ngày 31/12/2023, tổng tài sản của HGM đạt gần 239 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm và tập trung phần lớn ở dạng tài sản ngắn hạn với 169 tỷ đồng, chiếm 71%. Trong đó, HGM có tổng 120 tỷ đồng đang gửi tại các ngân hàng thương mại, chiếm 50% tổng tài sản, gồm 22 tỷ đồng là khoản tiền ngoại tệ và 100 tỷ đồng từ khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.

Hàng tồn kho 35 tỷ đồng, giảm 12%; trong khi đó chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm mạnh 89%, chỉ còn hơn 1 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả của HGM còn hơn 41 tỷ đồng, tăng 23% so đầu năm. Doanh nghiệp này ghi nhận không có nợ vay tài chính.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HGM thanh khoản rất thấp, chỉ khoảng 7.000 đơn vị; thậm chí, nhiều phiên không có cổ phiếu khớp lệnh. Đóng cửa phiên giao dịch sáng ngày 19/02, giá cổ phiếu HGM hiện đang ở mức 55.000 đồng/cp, tương ứng mức tăng kịch trần 10%.

Xu hướng của ngành khoáng sản trong thời gian tới

Đầu quý 4/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Dự thảo về việc ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035. Giảm phụ thuộc vào khai thác tài nguyên khoáng sản; khai thác hiệu quả tài nguyên nước và kinh tế rừng là mục đích cũng như xu hướng khai thác, sử dụng tài nguyên của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Dự thảo chỉ rõ, trong những năm qua tại Việt Nam, nguồn lực tài nguyên khoáng sản đã phát huy tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, từng bước kiểm soát tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Sau hơn 10 năm từ 2011 đến 2022), tỷ lệ đóng góp của ngành khai khoáng vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 6,4% đã giảm xuống còn 2,8%. Điều này cho thấy, sự phát triển kinh tế của Việt Nam đang giảm phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Theo phương pháp phân tích dòng vật liệu, để tạo ra một nghìn đồng GDP cần tiêu tốn hết khoảng 19,19g than đá hoặc 0,25g sắt, thép hoặc 1,6g dầu thô. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh mức độ phụ thuộc của nền kinh tế và nguyên liệu thô đã giảm dần.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại trong khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là đối với lĩnh vực khai thác, chế biến than, xi măng... Điều này thúc đẩy các ngành phát triển theo hướng bền vững, giảm tiêu hao điện, năng lượng, giảm tổn thất tài nguyên khoáng sản, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Chính sách đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từng bước đi vào thực tiễn cũng góp phần chuyển hóa nguồn tài nguyên khan hiếm này, không tái tạo thành nguồn lực và đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng, phát triển chung. Tuy nhiên, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản vẫn chưa tận dụng và sử dụng các hiệu quả khoáng sản đi kèm như đất đá thải bỏ từ hoạt động khai thác, đặc biệt là những loại khoáng sản chiến lược phục vụ cho phát triển năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao...

Thị giá DDG "lao dốc" thẳng đứng, Indochine IMEX đang hứng chịu "làn sóng" thoái vốn

Trong vòng 1 tháng gần đây, 3 thành viên HĐQT của Indochine IMEX có động thái thoái vốn tại doanh nghiệp này với tổng cộng ...

VIMC chỉ thành công thoái sạch vốn tại 1 doanh nghiệp trên tổng số 2 đơn vị đã đăng ký

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - Công ty CP cho biết đã bán đấu giá thành công toàn bộ cổ phần sở hữu ...

Nhóm bank đối diện nguy cơ tạo đỉnh, VIC đỡ chỉ số, VN-Index "xanh vỏ, đỏ lòng"

Trong phiên giao dịch đầu tuần, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục kìm giữ chỉ số, qua đó đưa VN-Index vào trạng thái "xanh ...

Mộng Diệp