Kiến thức

Chuẩn bị cấm xe xăng vào phố, mức lương 8 - 10 triệu/tháng có thể đổi xe điện bình thường

Ngọc Linh 18/07/2025 15:00

Với đề án chuyển đổi xe xăng sang xe điện, các chính sách hỗ trợ tài chính, miễn thuế,... sẽ tạo điều kiện cho người lao động chuyển đổi phương tiện.

Chuyển đổi phương tiện cho nhóm lao động đặc thù trong đô thị

TP.HCM đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển giao thông xanh thông qua đề án chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện cho lực lượng tài xế công nghệ và giao hàng. Đây là một trong những nhóm lao động có tần suất di chuyển cao, tác động lớn đến chất lượng không khí đô thị và tiêu thụ nhiên liệu.

Cấm xe xăng, tài xế có thể chuyển sang xe điện
Khi cấm xe xăng, tài xế có thể chuyển sang xe điện với rất nhiều lựa chọn và chính sách hỗ trợ

Dự thảo đề án "Chuyển đổi xe 2 bánh từ xe xăng sang xe điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM" đưa ra lộ trình khá rõ ràng: từ tháng 1/2026, sẽ ngừng cấp phù hiệu mới cho xe máy xăng; đến tháng 12/2029, cấm hoàn toàn xe xăng cung cấp dịch vụ trên các nền tảng gọi xe.

Để đảm bảo tính khả thi và tính nhân văn của chính sách, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) đã thực hiện khảo sát thực địa và đưa ra 5 lý do thuyết phục về việc chọn nhóm tài xế công nghệ làm lực lượng tiên phong trong chuyển đổi sang xe điện.

Vì sao tài xế công nghệ là nhóm được chọn ưu tiên?

Theo HIDS, nhóm tài xế công nghệ và giao hàng có đặc điểm đặc biệt về tần suất hoạt động, hiệu ứng xã hội và mức phát thải;

Mức độ phát thải cao gấp nhiều lần người dân thông thường: Trung bình một tài xế công nghệ chạy 80–120 km/ngày, gấp 3–4 lần so với người đi xe cá nhân. Do đó, việc thay thế một xe xăng bằng xe điện trong nhóm này có hiệu quả giảm phát thải đáng kể.

Tạo hiệu ứng thị giác và xã hội tích cực: Tài xế công nghệ là nhóm xuất hiện khắp nơi, tiếp xúc hàng triệu người dân mỗi ngày. Khi họ sử dụng xe điện, hình ảnh xanh – sạch – êm ái sẽ góp phần thay đổi nhận thức xã hội.

Tiết kiệm chi phí vận hành: Xe điện giúp giảm 80% chi phí nhiên liệu và ít phải bảo trì hơn. Trung bình mỗi tài xế có thể tiết kiệm 1 – 1,3 triệu đồng/tháng, con số có ý nghĩa với người lao động thu nhập trung bình.

Dễ quản lý và truyền thông nhờ nền tảng số: Các ứng dụng như Grab, Be, Ahamove, ShopeeFood… là kênh kết nối trực tiếp để chính quyền tuyên truyền, cập nhật lộ trình chuyển đổi và thống kê dữ liệu thực tế.

Thị trường sẵn sàng, chỉ thiếu chính sách tài chính phù hợp: Các doanh nghiệp xe điện như VinFast, Selex Motors, Datbike… đã phát triển nhiều dòng xe tối ưu cho giao hàng. Tuy nhiên, phần lớn tài xế chưa thể tiếp cận vì thiếu vốn, không có tài sản đảm bảo hoặc không có hộ khẩu tại TP.HCM.

Với các yếu tố trên, đề án không chỉ được đánh giá là khả thi về kỹ thuật mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội – giúp lan tỏa thông điệp giao thông bền vững, giảm phát thải, cải thiện môi trường sống tại các đô thị lớn.

Hỗ trợ tài chính và chính sách cụ thể cho người lao động

Dữ liệu khảo sát từ HIDS cho thấy, thu nhập trung bình của tài xế công nghệ tại TP.HCM là 8,7 triệu đồng/tháng, thấp hơn mức bình quân của thành phố (10,9 triệu đồng). Họ làm việc trung bình 8,8 giờ/ngày và 25,4 ngày/tháng, một tỷ lệ lao động cao, thậm chí gần 20% tài xế không nghỉ ngày nào trong tháng.

Chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng xe chiếm tỷ trọng lớn. Trung bình mỗi tài xế tốn 70.000 – 100.000 đồng/ngày tiền xăng, tương đương gần 20% thu nhập sau khi trừ chiết khấu cho nền tảng công nghệ. Mỗi năm, chi phí sửa chữa khoảng 3,08 triệu đồng, tương đương 257.000 đồng/tháng.

Chuyển sang xe điện giúp giảm mạnh chi phí vận hành, nhưng khoản đầu tư ban đầu vẫn là rào cản lớn. Vì vậy, đề án đề xuất một số cơ chế hỗ trợ như:

  • Miễn/giảm thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ khi mua xe điện
  • Cấp tín dụng ưu đãi, cho vay trả góp không lãi suất với kỳ hạn 24 – 36 tháng
  • Hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn hoặc đang sử dụng xe cũ
  • Triển khai thí điểm tại các quận trung tâm trước khi nhân rộng toàn thành phố

Ngoài ra, chính quyền TP.HCM kỳ vọng đề án sẽ góp phần hỗ trợ thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải và phát triển giao thông không khí thải tại các đô thị lớn, đồng thời tạo động lực cho hệ sinh thái xe điện phát triển toàn diện hơn.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Chuẩn bị cấm xe xăng vào phố, mức lương 8 - 10 triệu/tháng có thể đổi xe điện bình thường
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO