Chưa hết tham vọng, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) dự chi 5.000 tỷ đồng để “chinh phục” các lĩnh vực mới

Cập nhật: 21:02 | 29/02/2024 Theo dõi KTCK trên

Chủ trương mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh là một trong số hai nội dung được Tập đoàn Hoa Sen bổ sung vào văn kiện ĐHĐCĐ thường niên để trình cổ đông trong cuộc họp tới đây.

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) đã cập nhật, bổ sung văn kiện ĐHĐCĐ thường niên niên độ tài chính 2023-2024. Đáng chú ý, nhà sản xuất tôn mạ lớn nhất Việt Nam đã bổ sung tờ trình về việc thông qua chủ trương mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Chủ trương này nhằm mục đích nắm bắt các cơ hội để mở rộng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và mở rộng quy mô, tạo tiền đề cho những bước phát triển vững mạnh trong tương lai. Cụ thể, Hoa Sen dự định nghiên cứu, xúc tiến, triển khai đầu tư mở rộng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới có tiềm năng và khả thi, bao gồm nhưng không giới hạn trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh sau: tài chính; ngân hàng; chứng khoán; bảo hiểm; bất động sản; cơ khí chính xác; cơ khí chế tạo; công nghệ bán dẫn; phát triển dự án văn phòng, nhà ở, khu dân cư, khu đô thị; giáo dục, đào tạo; chăm sóc sức khỏe; du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng; thâu tóm – sáp nhập (M&A); văn hóa; nghệ thuật, biểu diễn, tổ chức sự kiện...

Chưa hết tham vọng, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) dự chi 5.000 tỷ đồng để “chinh phục” các lĩnh vực mới
Tập đoàn Hoa Sen dự chi 5.000 tỷ đồng để mở rộng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất

Với chủ trương này, lãnh đạo Tập đoàn muốn trình cổ đông thông qua tổng mức đầu tư tối đa đối với các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới được lựa chọn mở rộng là không quá 5.000 tỷ đồng. Chi tiết giá trị đầu tư cụ thể ủy quyền cho HĐQT xem xét, quyết định và triển khai thực hiện.

Chưa hết tham vọng, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) dự chi 5.000 tỷ đồng để “chinh phục” các lĩnh vực mới
Nội dung chủ trương mở rộng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất của Tập đoàn Hoa Sen

Bên cạnh đó, Tập đoàn Hoa Sen cũng đưa ra phương án phát hành cổ phiếu ESOP, dự kiến phát hành 5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp. Đây là mức giá khá “mềm” khi thấp hơn 55% so với thị giá HSG trên sàn chứng khoán hiện nay. Lô cổ phiếu này sẽ được phát hành cho các cán bộ lãnh đạo, quản trị, điều hành và cán bộ quản lý, nhân sự chủ chốt khác thuộc Tập đoàn và hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Thời gian dự kiến thực hiện kể từ ngày ĐHĐCĐ thông qua chủ trương cho đến kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên tiếp theo gần nhất. Trong trường hợp đối tượng phát hành không mua hết số cổ phiếu được phân bổ, HĐQT sẽ quyết định phân phối số cổ phiếu còn lại cho các đối tượng khác do HĐQT lựa chọn với mức giá không thấp hơn mức giá phát hành.

Được biết, ĐHĐCĐ thường niên niên độ tài chính 2023 – 2024 sẽ được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 18/3 tới.

Theo những tài liệu đã được công bố trước đó, trong niên độ tài chính này, Tập đoàn Hoa Sen đã lên hai kịch bản kinh doanh. Tại kịch bản 1, doanh nghiệp đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt hơn 1,62 triệu tấn, tăng 13,3% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 34.000 tỷ đồng, tăng 7,4%; lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng, gấp hơn 12 lần so với thực hiện trong niên độ 2022 - 2023. Tại kịch bản 2, doanh nghiệp tham vọng sản lượng tiêu thụ có thể lên tới 1,73 triệu tấn, tăng 20,7% so với cùng kỳ; doanh thu ở mức 36.000 tỷ đồng, tăng 13,7%; lợi nhuận sau thuế dự kiến 500 tỷ đồng, gấp 16 lần niên độ trước.

“Kịch bản thị trường cho niên độ tài chính 2023 - 2024 và nhiệm kỳ 2024 - 2029 vẫn khó lường và tiềm ẩn nhiều biến động. Tuy nhiên, trong thử thách sẽ mở ra cơ hội”, tài liệu báo cáo của HĐQT cho hay.

Chưa hết tham vọng, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) dự chi 5.000 tỷ đồng để “chinh phục” các lĩnh vực mới
Tập đoàn Hoa Sen đã lên hai kịch bản kinh doanh cho niên độ tài chính 2023 - 2024

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng dự kiến trình cổ đông kế hoạch trả cổ tức cho niên độ 2022-2023 với tỷ lệ 5% bằng tiền mặt.

Một nội dung đáng chú ý khác là chủ trương tái cấu trúc, chuyên môn hoá mảng sản xuất kinh doanh ống thép. Trong đó, Công ty CP Nhựa Hoa Sen sau khi nhận chuyển giao mảng sản xuất kinh doanh nhựa đã đi vào hoạt động hiệu quả, được định hướng sẽ phát hành cổ phiếu ra công chúng và niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán trong tươg lai.

Cũng vì vậy, Tập đoàn Hoa Sen trình cổ đông xem xét chuyển đổi Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ sẽ chuyển đổi thành Công ty CP Ống thép Hoa Sen do Tập đoàn Hoa Sen sở hữu 99% vốn điều lệ, đơn vị sẽ tiếp nhận toàn bộ hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh ống thép, thời gian và lộ trình triển khai dự kiến từ 1 đến 5 năm.

Sau khi Ống thép Hoa Sen hoàn tất việc tiếp nhận mảng sản xuất ống thép và đi vào hoạt động ổn định, có lợi nhuận, Tập đoàn sẽ trình cổ đông xem xét thông qua phương án phát hành cổ phiếu ra đại chúng và niêm yết.

Đối với hệ thống Hoa Sen Home, “ông trùm” tôn mạ sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả vận hành, hiệu quả sản xuất kinh doanh, chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho việc chuyển đổi hệ thống Hoa Sen Home thành Công ty CP Hoa Sen Home.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 29/2, cổ phiếu HSG đóng cửa ở mức 22.750 đồng/cp, tăng 0,66% so với tham chiếu.

HSG góp 40% vốn thành lập công ty bất động sản mang thương hiệu Hoa Sen

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) vừa thông qua chủ trương đầu tư theo hình thức góp vốn với tỷ ...

Tập đoàn Hoa Sen (HSG) tiếp tục “ăn nên làm ra”, báo lãi trăm tỷ

Nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi hiệu quả, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hoa Sen vẫn được cải thiện một cách tích ...

Hoa Sen Group đặt kế hoạch LNST gấp 13 lần cùng kỳ, chuẩn bị niêm yết 2 công ty con

Với kết quả đã nêu, Tập đoàn Hoa Sen dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch trả cổ tức cho niên độ tài ...

Mai Chi