Chưa bao giờ mặt hàng quan trọng này của Nga xuất khẩu vào Trung Quốc giảm mạnh đến thế
Giữa bối cảnh cạnh tranh gay gắt và nhu cầu sụt giảm, xuất khẩu than của Nga sang Trung Quốc trong tháng 3/2025 đã ghi nhận mức giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một trong những cú trượt mạnh nhất trong chuỗi cung ứng than khu vực.
Theo dữ liệu mới công bố từ công ty phân tích thị trường năng lượng Kpler, trong hai tuần đầu tháng 3 năm nay, lượng than Nga vận chuyển bằng đường biển đến Trung Quốc chỉ đạt trung bình 251.000 tấn mỗi tuần. Con số này giảm mạnh so với mức 534.000 tấn cùng kỳ năm 2024, tương đương mức sụt giảm 49%.

Không chỉ tại Trung Quốc, xuất khẩu than Nga sang toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng ghi nhận mức giảm khoảng 6% trong tháng 3, đạt 614.000 tấn mỗi tuần. Dù thấp hơn so với năm ngoái, nhưng đây vẫn là con số nhỉnh hơn mức trung bình của tháng 2 năm nay, cho thấy thị trường đang bước vào giai đoạn biến động khó lường.
Trung Quốc vốn là thị trường nhập khẩu than lớn nhất của Nga trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi các lệnh trừng phạt từ phương Tây buộc Moscow phải chuyển hướng thương mại sang châu Á. Tuy nhiên, dù Trung Quốc tiêu thụ tới 5 tỷ tấn than mỗi năm, lượng than nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 5% tổng cầu – đồng nghĩa với việc nước này có khả năng dễ dàng điều chỉnh mức nhập khẩu khi cần thiết.
Giám đốc hãng xếp hạng tín nhiệm Expert RA, bà Maria Kolomiets, nhận định rằng ngành khai thác than nội địa Trung Quốc đang được bảo hộ mạnh mẽ. Trong khi đó, ông Alexander Kotov, chuyên gia từ công ty NEFT Research, cho biết lượng tồn kho cao tại các cảng lớn và mức tiêu dùng thấp đã gây thêm áp lực lên nhu cầu nhập khẩu.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang chuyển dần sang các nguồn năng lượng sạch hơn, khiến sản lượng điện từ than tiếp tục giảm. Dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy tỷ trọng điện than toàn cầu đã giảm còn 35% – mức thấp nhất kể từ năm 1974 – dù đây vẫn là nguồn sản xuất điện lớn nhất thế giới.

Sự suy yếu của thị trường Trung Quốc khiến Nga buộc phải tìm kiếm đầu ra thay thế tại các thị trường khác trong khu vực. Tuy nhiên, thách thức không hề nhỏ. Các quốc gia như Malaysia, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á đang tăng cường đầu tư vào các dự án điện từ than, song nhu cầu không đủ lớn để bù đắp cho mức giảm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, Mỹ đã tăng tốc xuất khẩu than sang khu vực này, với lượng than nhiệt tăng 12% trong tuần trước, hướng đến các khách hàng tại Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á. Điều này khiến cuộc cạnh tranh tại châu Á - Thái Bình Dương trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.
Theo dự báo của ngân hàng Alfa Bank, nếu không có sự phục hồi từ phía Trung Quốc, triển vọng dài hạn cho ngành than Nga sẽ tiếp tục u ám. Mặc dù dự báo đến năm 2030, xuất khẩu than Nga sang Ấn Độ có thể đạt 40 triệu tấn, song các nhà phân tích vẫn tỏ ra thận trọng khi thị trường Ấn Độ chưa đủ lớn để thay thế hoàn toàn vai trò của Trung Quốc.
Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi giá than nhiệt hiện đang dao động ở mức 75–76 USD/tấn, mức thấp nhất trong bốn năm qua. Trung tâm Thông tin Trung ương cho biết, với mức giá này, gần một nửa các doanh nghiệp sản xuất than nhiệt của Nga đang phải đối mặt với tình trạng thua lỗ kéo dài từ cuối năm 2024 đến nay.
Ông Evgeny Grachev, Giám đốc Trung tâm Chỉ số Giá (PIC), cảnh báo rằng năng lực tiêu thụ quá lớn của Trung Quốc khiến việc mất thị phần tại đây gần như không thể bù đắp bằng các thị trường nhỏ hơn. Dù các nước Đông Nam Á ưa chuộng loại than gầy với giá rẻ, nhưng cũng không đủ để tạo ra sự chuyển dịch đáng kể trong cán cân xuất khẩu của Nga.
Trong bối cảnh đó, các nhà xuất khẩu than Nga đang đối mặt với bài toán kép: vừa phải cạnh tranh về giá với Mỹ, vừa tìm cách mở rộng thị phần trong các thị trường mới nổi. Tình trạng này được dự báo sẽ tiếp tục đè nặng lên ngành công nghiệp than Nga trong suốt năm 2025 và có thể kéo dài đến năm 2026 nếu không có giải pháp đột phá từ phía chính phủ hoặc thị trường toàn cầu.
Hoàng Nguyễn