Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng: “Chúng tôi không chỉ nợ nhà đầu tư một mà là nhiều lời xin lỗi”

Cập nhật: 17:10 | 24/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Sáng nay (24/6), tại Hà Nội, Hội thảo "Nghẽn lệnh tại HOSE: Thực trạng và giải pháp" do CLB Nhà báo Chứng khoán tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến từ cơ quan quản lý và thành viên thị trường.

TRỰC TIẾP: Tọa đàm “Sự vươn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam hậu Covid-19”

Trực tiếp: Tọa đàm trực tuyến "An toàn an ninh trong lĩnh vực chứng khoán"

Hội thảo nhằm kết nối thông tin từ nhà quản lý đến các thành viên thị trường, giải đáp các thắc mắc quanh câu chuyện nghẽn lệnh kéo dài nhiều tháng nay cũng như làm rõ các giải pháp trước mắt, trung hạn của việc thông lệnh, giữ an toàn giao dịch đồng thời gợi mở một số giải pháp nền tảng khác cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững hơn, nhiều cơ hội rộng mở hơn cho nhà đầu tư.

Tại buổi tọa đàm, khi được hỏi vì sao đã 20 năm trôi qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vẫn chưa thể làm chủ được công nghệ, trong khi đây là điều Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã làm được, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thừa nhận, có những nguyên nhân chủ quan từ cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như chủ đầu tư là HOSE trong quá trình thực hiện dự án hệ thống giao dịch KRX, cũng không lường hết tình hình và chưa quyết liệt.

Lý do đầu tiên là về mặt nhận thức. "Thời điểm đó, cơ quan quản lý cũng như các nhà khoa học, các nhà kinh tế mặc dù có hiểu biết về chức năng, cách thức tổ chức thị trường nhưng hầu như không ai biết về cách thức vận hành hệ thống giao dịch", ông Dũng nói.

0227-toa-dam
Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBCKNN phát biểu tại buổi Hội thảo "Nghẽn lệnh tại HOSE: Thực trạng và giải pháp" diễn ra sáng 24/6.

Thứ hai, tính cầu toàn của cơ quan quản lý cùng mong muốn có một hệ thống đáp ứng đầy đủ, toàn diện đã dẫn tới việc chuẩn bị cho hệ thống có nhiều vấn đề.

"Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt dự án, lúc này chúng tôi vẫn chưa có hình dung về hệ thống. Thị trường còn nhỏ, chỉ có vài mã cổ phiếu và đã được Thái Lan hỗ trợ, thì dự án được điều chỉnh chậm lại một chút. Trong quá trình đó, cơ quan quản lý cũng đã 2 lần thuê tư vấn nước ngoài để lên mô hình thị trường và hồ sơ mời thầu. Lúc này, giới hạn về mặt nhận thức trở thành trở ngại, mất nhiều thời gian để định hình hệ thống", ông Dũng chia sẻ.

Theo ông Dũng, triển khai dự án, lúc này chỉ triển khai cho HOSE, nhưng dự án là một dự án tổng thể cho cả HOSE, Trung tâm Lưu ký, thậm chí thay thế cả hệ thống HNX, đáp ứng cho cả phái sinh, trái phiếu dẫn tới dự án mở rộng ra. Đến năm 2009, HOSE ký được hợp đồng bảo trì với Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan, lúc này hệ thống vẫn ổn nên chưa có sự quyết liệt trong triển khai.

“Đến khi triển khai hệ thống KRX thì một nhà thầu phụ rất quan trọng phía Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc bỏ cuộc, không tham gia nữa, đối tác mất rất nhiều thời gian tìm nhà thầu thay thế. Đến lúc giải quyết xong bài toán tổng thể, thi công, lắp đặt xong phần cứng và phần mềm thì bùng phát dịch Covid-19. Do hợp đồng ký kết không được thay đổi nội dung và kinh phí của dự án, nên kinh phí sẽ tăng lên rất nhiều nếu đưa hàng chục chuyên gia Hàn Quốc sang và ở lại, lúc đó chúng tôi chưa biết xử lý thế nào”, ông Dũng chia sẻ.

Ông Dũng cho biết thêm, từ ngày 14/6/2021, đã tiến hành thử nghiệm và dự kiến đến cuối năm sẽ đưa hệ thống vào hoạt động chính thức.

“Chúng tôi sẽ đưa hệ thống mới đi vào hoạt động sớm nhất, đồng thời cũng sẽ đảm bảo an toàn nhất để không còn sự cố xuất hiện. Mặc dù không có ngày cụ thế, nhưng chắc chắn không vượt quá thời hạn chúng tôi cam kết với thị trường, với các nhà đầu tư”, ông Dũng khẳng định.

Ông Dũng cũng kỳ vọng, trong năm 2022, nếu hệ thống KRX đi vào vận hành thì thị trường có thể thực hiện giao dịch trong ngày mở ra các thị trường mới như trái phiếu doanh nghiệp và có thêm các chỉ số mới, phái sinh chỉ số mới.

"Ở cương vị Chủ tịch UBCK, cũng từng đứng đầu HNX, HOSE, việc để xảy ra nghẽn lệnh như vậy, chúng tôi không chỉ nợ nhà đầu tư một mà là nhiều lời xin lỗi. Chỉ mong nhà đầu tư thấu hiểu, chúng tôi đang nỗ lực để tìm ra giải pháp tốt nhất. Tôi cũng bày tỏ lời xin lỗi đến các nhà khoa học, các nhà báo, các công ty chứng khoán vì dù nhận được nhiều câu hỏi trong thời gian qua, nhưng vì không có nhiều thời gian, nên chưa thể giải đáp được đầy đủ. Chúng tôi cũng rất cảm ơn tất cả mọi người vì những nỗ lực chung trong suốt gần 1/4 thế kỷ", ông Dũng nói.

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch CTCP Chứng khoán SSI cho biết: "Nhà đầu tư là những người trả phí cho công ty chứng khoán và sở giao dịch nên nhà đầu tư có quyền nhận được dịch vụ đúng như cam kết. Khi xảy ra nghẽn lệnh, dù vì bất cứ lý do gì, chúng ta đều nợ nhà đầu tư một lời xin lỗi".

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, nguyên nhân gây nghẽn lệnh ở HOSE là rất nhiều, có thể do dòng tiền ồ ạt chảy vào quá mạnh, số lượng tài khoản tăng đột biến, hệ thống không đáp ứng được, ...

Có nhân tố thuộc về chủ quan cũng như những yếu tố khách quan, "nhưng dù thế nào thì chúng ta cũng nợ nhà đầu tư một lời xin lỗi vì không cung cấp được dịch vụ đầy đủ cho nhà đầu tư đóng phí", Chủ tịch Chứng khoán SSI khẳng định.

Ông Hưng cho biết thêm, ông đã nhiều lần trao đổi với ông Hải Trà để tìm giải pháp tốt nhất tháo gỡ tình trạng nghẽn lệnh, bao gồm việc nâng lô giao dịch từ 10 lên 100.

Tuy nhiên, Chủ tịch SSI cũng nhận thức rằng các tổ chức quản lý thị trường "không thể bắt nhà đầu tư đặt ít lệnh đi được" vì đó là quyền lợi của mỗi người.

"Trong hoàn cảnh hiện nay khi hệ thống đang quá tải, có thể khuyến khích nhà đầu tư chưa nên sử dụng robot trong giao dịch, nhưng không thể giữ mãi như thế, phải coi nhu cầu giao dịch đó là động lực để xây dựng thị trường phát triển tốt hơn, thanh khoản giao dịch cao hơn".

Trả lời những thắc mắc về hiện tượng nghẽn lệnh xảy ra tại Sở Giao dịch Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) trong thời gian qua, ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HOSE cho biết, bản chất tình trạng quá tải là do thiết kế của hệ thống.

Mỗi hệ thống được thiết kế dựa trên nhiều nền tảng và tham số khác nhau. Hệ thống HOSE liên quan đến tham số cơ bản, số lượng lệnh mà hệ thống có thể xử lý trong 1 ngày giao dịch là 900.000 lệnh.

Thực tế là số lượng lệnh tham gia vào hoạt động giao dịch vượt quá con số 900.000 lệnh, dẫn tới tình trạng tắc nghẽn giao dịch.

Theo ông Trà, mỗi lệnh giao dịch có tham số. Lệnh giao dịch đặt mua 100 cổ phiếu cũng là 1 lệnh giao dịch, 1.000 cổ phiếu cũng là 1 lệnh giao dịch, 1 lệnh sửa giao dịch cũng được tính là 1 lệnh… Chính vì vậy, cũng một số lượng lệnh khớp trên thị trường nhưng giá trị hoàn toàn khác nhau.

Lý giải về việc nhiều công ty chứng khoán nhỏ không nghẽn dù công ty chứng khoán lớn đã nghẽn giao dịch, ông Trà cho biết đây là câu chuyện liên quan đến việc phân bổ, dựa trên lệnh giao dịch của 1 công ty chứng khoán sử dụng. Khi công ty chứng khoán sử dụng hết lệnh được phân bổ thì sẽ dẫn đến tình trạng nghẽn.

Liên quan đến việc sửa, hủy lệnh, Tổng Giám đốc HOSE thông tin, hiện nay, tỷ lệ sửa, hủy lệnh trong một ngày giao dịch chiếm 1/3, tức là khoảng 300.000 lệnh chỉ để sửa, hủy lệnh trước đó, do đó số lượng lệnh thực tế khớp chỉ khoảng 600.000 lệnh.

Hạn chế sửa, hủy lệnh giúp số lượng lệnh thực tế khớp tăng lên, có thêm khoảng 200.000 lệnh được khớp, giúp giá trị thanh khoản khớp lệnh có lúc tăng lên 30.000 tỷ đồng.

Khi xảy ra tình trạng nghẽn, các lệnh phải xếp hàng vào hệ thống nhưng việc sửa, hủy lệnh gây lỗi với các lệnh đã khớp, thiết kế hệ thống có ngưỡng chịu lỗi nhất định, nếu quá ngưỡng đó có thể gây sụp đổ hệ thống, do đó HOSE đã phải đóng cửa hệ thống giao dịch phiên chiều ngày 1/6.

Theo quy định hiện hành, nếu số lượng lỗi của một công ty chứng khoán vượt quá ngưỡng cho phép thì HOSE được phép ngắt kết nối hệ thống với công ty chứng khoán, Tổng Giám đốc HOSE cho biết.

TRỰC TIẾP: Tọa đàm “Sự vươn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam hậu Covid-19”

Đúng 8h45 sáng nay (21/10/2020), tại tầng 18 tòa nhà Eurowindow (số 2 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội), tạp chí điện tử Kinh ...

Trực tiếp: Tọa đàm trực tuyến "An toàn an ninh trong lĩnh vực chứng khoán"

TBCKVN - Vào lúc 9h00 sáng ngày 15/5, Báo điện tử Thời báo Chứng khoán Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến An toàn ...

Sóng tin đồn trên thị trường chứng khoán

TBCKVN - Vì lợi nhuận mà một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã bất chấp, sẵn sàng tung tin đồn để triệt phá, ...

Tân An (t/h)

Tin liên quan