Chủ tịch Quốc hội làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Cập nhật: 11:55 | 09/08/2022 Theo dõi KTCK trên

Chiều 8/8/2022, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc của lãnh đạo Quốc hội và thường trực các cơ quan của Quốc hội với Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.

Hoạt động của HĐND phải thể hiện rõ phương châm “ý Đảng hợp với lòng dân”

NHNN: Giao dịch mua, bán ngoại tệ trên thị trường "chợ đen" là trái pháp luật, không được cấp phép

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động.

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ đã chủ động rà soát hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến lĩnh vực đất đai để đề xuất sửa đổi ngay trong Luật này hoặc đề xuất sửa đổi các Luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã tiếp thu ý kiến góp ý của 63 tỉnh, thành phố, các bộ ngành, làm việc với các Bộ Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp&Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Nội vụ...

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật rất lớn, hệ trọng, quy mô rộng, tác động sâu đến nhiều chủ thể, đối tượng, cơ quan, tổ chức. Với vị trí vai trò đó, thời gian qua, công tác chuẩn bị cho việc xem xét cho ý kiến đối với dự án Luật này đã được tiến hành khẩn trương, trách nhiệm.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, dự án Luật đất đai rất hệ trọng nên phải xây dựng đúng yêu cầu của luật, tuân thủ tiến độ chuẩn bị dự án luật, Chính phủ trình hồ sơ dự án Luật tới Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trước ngày 1-9-2022 để nghiên cứu, cho ý kiến tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về hồ sơ dự án luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ TN&MT dày công hơn nữa trong xây dựng báo cáo đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, môi trường kinh doanh,..., báo cáo rà soát hệ thống pháp luật liên quan và dự thảo các Nghị định hướng dẫn Luật đất đai. Đây là các báo cáo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở thực chứng cho công tác lập pháp.

Do đó, với tinh thần cầu thị, khách quan, bảo đảm chuẩn bị tích cực, kỹ lưỡng các nội dung này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ nhất giữa các cơ quan của Quốc hội với Chính phủ và giữa Trung ương với địa phương. Chủ tịch Quốc hội lưu ý theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương, năm 2023 không chỉ hoàn thành luật đất đai sửa đổi mà còn hoàn thành điều chỉnh luật pháp liên quan.

Nhấn mạnh còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong hoàn thiện dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các cơ quan không được sớm chủ quan, phải nêu cao trách nhiệm trước Đảng, và Nhân dân trong hoàn hiện Luật.

Riêng về các nội dung lớn của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các các cơ quan tiếp tục phối hợp rà soát, đánh giá kỹ lưỡng từ cơ sở pháp lý, thực tiễn tới thực trạng, xu hướng để xác định rõ các vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải triển khai tích cực, bài bản, khoa học. Việc trình dự thảo lần thứ nhất ra Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng hướng tới mục tiêu cuối cùng khi xây dựng, hoàn thiện dự án Luật này là bảo đảm tính thông suốt, công khai, minh bạch…

Hồng Giang